01/05/2018 10:41 GMT+7

Điện tử - viễn thông 'khát' nữ kỹ sư

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Ngành Điện tử - viễn thông mở ra cơ hội sáng tạo cho các kỹ sư, đặc biệt kỹ sư nữ với bản tính tỉ mỉ, cẩn thận hơn nam giới.

Điện tử - viễn thông khát nữ kỹ sư - Ảnh 1.

Thực hành đo tín hiệu tương tự trong hệ thống cáp quang tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Tường Hân

Theo ước tính, chưa đến 1% nữ sinh tham gia nhóm ngành Điện - điện tử ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhưng phần lớn các bạn đều giữ thành tích học tập tốp đầu.

Đây là nghề nghiệp phù hợp với mọi giới tính, miễn có thói quen tư duy logic của toán học, kiến thức vật lý và yêu thích làm việc trong môi trường công nghệ đổi mới từng ngày.

Làm việc trên "phần dẻo"

Tiến sĩ Đỗ Hồng Tuấn, trưởng khoa Điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: "Trong 4 năm đại học, sinh viên điện tử - viễn thông sẽ được trang bị kiến thức nền về điện tử, cơ sở ngành và chuyên sâu theo hướng viễn thông.

Ở mảng điện tử, sinh viên sẽ thiết kế và chế tạo vi mạch, hệ thống nhúng, vận hành máy móc trong nhà máy sản xuất thiết bị điện tử.

Ở lĩnh vực viễn thông, các bạn sẽ làm việc với mạng viễn thông như mạng di động, mạng cáp quang ứng dụng trong thông tin di động, siêu cao tần (như sóng 3G, 4G, thông tin vệ tinh, tín hiệu phát thanh - truyền hình hiện đại), mạng máy tính, ăng-ten...".

Tùy nhu cầu đơn vị tuyển dụng, những kỹ sư điện tử - viễn thông chuyên trách mỗi mảng. Như kỹ sư vô tuyến làm về sóng cao tần, vận hành các mạng di động 2G, 3G, board mạch, ăng-ten, thiết bị vô tuyến (radio, truyền hình), thiết bị công nghệ cao trong đài truyền hình, đài phát thanh.

Kỹ sư truyền dẫn sẽ đảm nhận việc "chăm sóc" mạng truyền dẫn VSAT, Viba, mạng Internet, ADSL, WiFi, cáp quang. Kỹ sư IT phụ trách phần việc lập trình, phát triển ứng dụng, xây dựng tường lửa... khá gần với công việc của kỹ sư phần mềm.

Kỹ thuật viễn thông và khoa học máy tính là những bộ phận của ngành Công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communications Technology - ICT). Đó là những bộ phận không tách rời.

Vì vậy, sinh viên ngành viễn thông vẫn học cơ bản về công nghệ thông tin và ngược lại để có thể vận hành hệ thống thiết bị điện tử từ phần cứng đến phần mềm.

Thầy Tuấn giải thích cụ thể: "Hiểu nôm na, hệ thống điện tử - viễn thông gồm hai phần: phần cứng (hard ware) và phần dẻo (firm ware). Phần dẻo do kỹ sư viễn thông phụ trách, chủ yếu viết chương trình máy tính cơ bản điều khiển thiết bị thu phát, điện thoại (tức phần cứng) hoạt động.

Trong khi đó, kỹ sư công nghệ thông tin (bản chất là khoa học và kỹ thuật máy tính) lại thiên về lập trình phần mềm, phát triển ứng dụng dựa trên nền tảng phần cứng".

Kéo cáp ngoài đường, leo trèo trụ điện?

Về tố chất theo đuổi ngành nghề, ông Tuấn cho rằng: "Đơn giản nằm ở chìa khóa học hành chăm chỉ, bài bản theo chương trình đào tạo từ năm nhất để đúc nền tảng vững chắc học chuyên sâu và ra trường làm việc.

Dĩ nhiên các bạn có tư duy logic về toán, kiến thức vật lý sẽ lợi thế hơn trong ngành điện tử nói chung, điện tử - viễn thông nói riêng. Đặc biệt, tiếng Anh là chìa khóa quan trọng cho việc tự học suốt đời, thậm chí từ năm 2 đã có những môn chuyên ngành phải đọc tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh".

Ông Tuấn cũng "cảnh báo" về thách thức của nghề: "Đây là ngành công nghệ cao, thay đổi rất nhanh, nhà trường chỉ trang bị kiến thức nền tảng không thay đổi theo thời gian cho sinh viên, đến năm cuối mới cập nhật xu hướng mới vào chương trình đào tạo.

Vì vậy, sinh viên phải có tinh thần tự học, thích nghi để bắt kịp công nghệ và duy trì thói quen đó khi ra trường nếu muốn thăng tiến trong công việc. Đây cũng là nghề năng động, có cơ hội để kỹ sư sáng tạo phục vụ người dùng tốt hơn".

Tiết lộ thu nhập của kỹ sư mới ra trường, ông Tuấn cho biết "trung bình khoảng 9-10 triệu đồng/tháng", trong đó nhiều doanh nghiệp tuyển dụng đến trường mong muốn tìm thấy góc nhìn sáng tạo từ các nữ kỹ sư.

"Ngành điện tử ở trường rất ít nữ. Chúng tôi luôn khuyến khích nữ sinh vào ngành này. Có thể các em nghĩ ngành này yêu cầu đi xa, leo trèo trụ điện, kéo dây cáp ngoài đường... toàn là công việc nặng nhọc. Nhưng không, đó là nhiệm vụ của anh em kỹ thuật viên" - TS Tuấn vui vẻ chia sẻ.

"Vai trò của kỹ sư là thiết kế, họ không nhất thiết ra đường để chỉ đạo thi công, hay ngồi xưởng hàn gò. Công cụ của kỹ sư là máy tính, thậm chí chỉ cần gõ câu lệnh là điều khiển cả hệ thống. Công việc này phù hợp với phụ nữ. Ngành lại rất cần nữ, càng nhiều nữ càng tốt vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận".

Sinh viên sau tốt nghiệp Điện tử - viễn thông có thể làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty bưu chính viễn thông, đài truyền hình - phát thanh, công ty linh kiện điện tử, điện thoại, nghiên cứu ở các viện chuyên ngành.

Chuyên gia "bật mí" những ngành đang khát nhân lực Chuyên gia 'bật mí' những ngành đang khát nhân lực

TTO - Băn khoăn lớn nhất của hơn 4.000 học sinh dự buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 tại Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) sáng 10-3 là học ngành nào không bị lỗi thời.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên