Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chế tạo robot dạy tiếng Anh cho học sinh - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đó là thông tin được chuyên gia nhân sự tại các tập đoàn và các công ty có thương hiệu hàng đầu ở Việt Nam dự đoán trong "Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng tại Việt Nam - giai đoạn 2018-2022" do trang web tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks phát hành.
Triển vọng phát triển mạnh mẽ
Hiện nay, các doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang vận hành theo xu hướng sử dụng robot nhiều hơn trong các dây chuyền sản xuất để duy trì lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, hệ thống điều khiển và tự động hóa hiện diện trong hầu hết các dây chuyền sản xuất cũng như cuộc sống, từ các thiết bị đóng gói tự động tại các nhà máy (ximăng, sắt thép, nước giải khát, dược phẩm…); các dây chuyền lắp ráp tự động tivi, xe hơi đến những robot nhỏ lăn khắp ngóc ngách trong nhà để dọn dẹp, lau chùi.
"Khi tăng hệ thống tự động hóa phải có người quản lý, bảo trì chúng. Do đó, nhu cầu nhân lực của ngành này cũng ngày càng tăng lên" - PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, viện trưởng Viện kỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định.
Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có thể đảm nhiệm vai trò kỹ sư thiết kế, vận hành, bảo trì kỹ thuật các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như dây chuyền lắp ráp ôtô, tự động hóa phục vụ hàng không, nhà máy điện, các nhà máy chế biến thực phẩm, dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng hoặc thiết bị điện tử dân dụng...
Và cũng có thể trở thành chuyên viên tư vấn, thiết kế, phân tích mô phỏng nhằm cung cấp giải pháp công nghệ theo yêu cầu của khách hàng là các đơn vị sản xuất kinh doanh hoặc hành chính sự nghiệp; nhân viên hỗ trợ kỹ thuật hoặc giới thiệu sản phẩm cho các tập đoàn sản xuất thiết bị tự động có uy tín trong nước và thế giới như Siemens, ABB, Schneider, Bosch...
"Nhiều sinh viên ra trường đi làm một vài năm để lấy kinh nghiệm và tạo dựng mối quan hệ, sau đó sẽ liên kết với nhau để khởi nghiệp, lập công ty riêng về thiết kế hoặc cung cấp thiết bị hay giải pháp tự động hóa cho các đơn vị có nhu cầu như bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp..." - ông Phương cho biết.
Cập nhật công nghệ từng ngày
Song song với xu hướng robot hóa, tự động hóa, ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa đang đứng trong top những ngành "hot" tại các trường có đào tạo khối ngành kỹ thuật như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM…
Theo học 4 năm ngành này, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên môn về kỹ thuật điều khiển tự động từ đơn giản đến phức tạp; các kỹ năng thiết kế, lắp đặt, bảo trì sửa chữa các thiết bị và hệ thống tự động, các thiết bị cảm biến chuyên dụng để tự động hóa các hoạt động sản xuất cũng như đời sống; kỹ năng lập trình các thiết bị điều khiển trong công nghiệp…
Đặc biệt, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cần thiết để có khả năng thiết kế chế tạo phần cơ khí - điện tử, thiết kế giải thuật lập trình phần mềm cho robot ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ các robot kích thước siêu nhỏ trong y học đến các robot thực hiện công việc nặng trong các nhà máy.
Với 16 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, bà Võ Việt Bảo Phúc (giám đốc một công ty cung ứng thiết bị và giải pháp tự động hóa tại TP.HCM) cho biết: muốn làm trong ngành này, bạn cần phải có khả năng tiếng Anh tốt vì hầu hết máy móc, robot, trang thiết bị hay nguyên vật liệu đều được nhập khẩu nên tài liệu hướng dẫn cũng thường viết bằng tiếng Anh.
"Đồng thời, bạn phải siêng năng thực hành, lao vào làm mới biết được những gì được học và xác định được điều cần học. Quan trọng nhất là bạn phải đam mê với nghề. Như vậy mới có động lực tìm hiểu và cập nhật liên tục công nghệ mới. Nếu không cập nhật kịp thời bạn sẽ rất dễ bị đào thải" - bà Phúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận