11/06/2019 16:14 GMT+7

Khan hiếm nguồn nhân lực ngành toán kinh tế

T.T.
T.T.

TTO - Ngành toán kinh tế ra đời để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho yếu tố dữ liệu lớn (Big Data) của cách mạng công nghiệp 4.0.

Khan hiếm nguồn nhân lực ngành toán kinh tế - Ảnh 1.

Bạn trẻ tìm hiểu thông tin ngành nghề và tuyển sinh 2019 tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2019 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tại Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2) ở Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra nguy cơ mất lao động hàng loạt, song sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, cơ hội mới. 

Cuộc cách mạng này sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Với kỹ thuật số, những yếu tố cốt lõi sẽ là: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Big Data.

Hiện đại và liên ngành

Toán kinh tế là một lĩnh vực của kinh tế, vận dụng toán học trong phân tích các mô hình kinh tế, để từ đó hiểu rõ hơn các nguyên tắc và các quy luật kinh tế của nền kinh tế thị trường. 

"Trước khi chọn theo học ngành toán kinh tế, mình đã tìm hiểu khá kỹ về xu hướng thị trường hiện tại cũng như các dự đoán trong tương lai. Mình thấy đây là một ngành mới, còn ít nhân lực nhưng lại đang rất cần nhân lực, vì vậy khi ra trường cơ hội việc làm của mình cũng sẽ rất cao" - Bùi Nguyễn Gia Thái, sinh viên ngành toán kinh tế Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết.

Tại Trường ĐH Kinh tế - luật, chương trình đào tạo ngành toán kinh tế được thiết kế đặc biệt phù hợp cho các trường thuộc khối ngành kinh tế và sinh viên ra trường sẽ lấy bằng cử nhân kinh tế. Theo học chương trình này, sinh viên có cơ hội tiếp cận những vấn đề mới trong bối cảnh công nghiệp 4.0 như khoa học dữ liệu, phân tích kinh tế… 

Với tính chất một môn khoa học mang tính hiện đại và liên ngành, toán kinh tế kết hợp giữa toán, kinh tế với ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phân tích dữ liệu, dự báo kinh tế, tư vấn các vấn đề về kinh tế, tài chính và quản trị kinh doanh.

"Toán ở đây không phải toán công thức, mà là toán tư duy, nhìn vấn đề để hiểu và phân tích bản chất của nó. Đối với toán phổ thông, bạn nhận vấn đề sẽ áp dụng các công thức để tìm ra hướng giải quyết. Còn với toán tư duy, khi gặp một vấn đề nào, bạn phải xác định được mục tiêu trước rồi mới tìm phương pháp giải quyết. 

Không phải việc tìm ra con số, mà quan trọng nhất là bạn phải biết bạn muốn cái gì. Trong toán kinh tế, yếu tố kinh tế đứng trước yếu tố toán. Bài toán kinh tế là những vấn đề thực tế" - TS Phạm Hoàng Uyên, trưởng bộ môn toán kinh tế Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ.

Ngành học theo sát thực tiễn

Theo học ngành toán kinh tế, sinh viên sẽ thường xuyên trải nghiệm dữ liệu. Mỗi tuần, các giảng viên sẽ cho sinh viên thực hành dữ liệu từ đơn giản đến phức tạp. 

Đơn giản như phân tích doanh thu của siêu thị hay phân loại xem mặt hàng nào được khách hàng mua nhiều. Phức tạp như từ phân tích dữ liệu, dự báo và quản trị rủi ro tại ngân hàng hay tổ chức tín dụng. 

"Làm việc với dữ liệu, các bạn phải kiên nhẫn. Đồng thời có tinh thần tò mò, ham học hỏi. Khi có đủ sự cầu tiến, tò mò, ham học hỏi, các bạn sẽ vượt qua được mọi khó khăn thử thách và xác định đúng mục tiêu, hướng đi cùng những thứ mình cần học, cần làm" - TS Uyên nói.

Cũng theo TS Phạm Hoàng Uyên, bộ môn sẽ phối hợp với doanh nghiệp suốt quá trình đào tạo. Doanh nghiệp sẽ cung cấp dữ liệu thực tế để sinh viên thực hành phân tích và nhận sinh viên vào thực tập lâu dài có trả lương. 

Sinh viên sẽ được đi kiến tập tại doanh nghiệp từ năm 2. Đến năm 3, các bạn sẽ tham gia một số khâu cơ bản như nhập dữ liệu. Năm 4, sẽ thực hiện xử lý và phân tích dữ liệu cho doanh nghiệp. 

Tốt nghiệp ngành toán kinh tế, sinh viên có thể làm việc ở các vị trí: quản lý danh mục đầu tư, quản trị rủi ro cho các công ty, các tập đoàn kinh tế, các công ty bảo hiểm; định chế tài chính cho ngân hàng, công ty tài chính - chứng khoán hoặc tự xây dựng và điều hành các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công ty tài chính, bảo hiểm.

Khoa học dữ liệu, ngành học có thu nhập Khoa học dữ liệu, ngành học có thu nhập 'khủng'

Một ngày đầu tháng 6, gặp TS Cao Tiến Dũng - phó trưởng khoa kỹ thuật Trường ĐH Tân Tạo (Long An), ông nói về những tâm huyết, những kế hoạch định hướng về ngành khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo của khoa trong năm học 2019-2020.

T.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên