12/06/2021 06:05 GMT+7

Nữ đại biểu Quốc hội trẻ nhất mong ước gì?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Bản miền biên cương Búng Giắt 1 (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, Điện Biên) những ngày này bỗng rộn rã, hân hoan khi một người con của bản, một phụ nữ dân tộc Khơ Mú mới 24 tuổi, trúng cử đại biểu Quốc hội, trở thành đại biểu trẻ nhất nước.

Nữ đại biểu Quốc hội trẻ nhất mong ước gì? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội trẻ nhất Quàng Thị Nguyệt là người dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên - Ảnh: NVCC

Đó là Quàng Thị Nguyệt, đại biểu Quốc hội trẻ nhất trong số 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vừa được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố. Nguyệt nằm trong số 2 ứng cử viên trẻ tuổi nhất trong số 866 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Với nỗ lực và khát vọng của tuổi trẻ, Nguyệt đã trúng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Điện Biên với 150.131 phiếu, đạt tỉ lệ 77,26% số phiếu hợp lệ.

Địu con đi tiếp xúc cử tri

Chia sẻ với Tuổi Trẻ khi mới biết tin trúng cử, Nguyệt vẫn chưa hết ngạc nhiên trước tin vui bất ngờ. Dẫu đầy khát vọng và mộng mơ như nhiều người trẻ khác, Nguyệt đã không tin mình có thể vượt qua nhiều ứng cử viên có bề dày thành tích khác. Nguyệt chỉ mới 24 tuổi, dù có bằng cử nhân nhưng hiện đang là nông dân ở bản.

Là nữ, người dân tộc thiểu số sinh trưởng ở một bản vùng biên giới của tỉnh Điện Biên, vượt qua bao khó khăn của cái nghèo, cái lạc hậu và cả những định kiến dành cho nữ giới của dân tộc Khơ Mú, Nguyệt đã quyết tâm tốt nghiệp Học viện Phụ nữ ở Hà Nội, chuyên ngành công tác xã hội.

Cầm tấm bằng đại học trong tay, Nguyệt hăm hở về lại bản làng, mong góp sức xây dựng quê hương. Xã chưa sắp xếp được vị trí công việc phù hợp, Nguyệt vui vẻ cùng chồng làm kinh tế tại gia đình và tham gia công tác Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên của xã.

Năm 2020, dù mới sinh con nhỏ nhưng được tổ chức tin tưởng giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Nguyệt đã vượt qua những sợ sệt, lo lắng để làm hồ sơ và đi tiếp xúc cử tri thật nghiêm túc. 

Khi con 7 tháng tuổi thì Nguyệt bước vào đợt tiếp xúc cử tri căng thẳng ở những địa bàn có khi cách nhà cả trăm kilômet. Không thể xa con quá lâu, Nguyệt địu con theo cùng, nhờ mẹ ruột giữ con khi Nguyệt vào hội trường tiếp xúc cử tri.

Muốn xóa bỏ bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình

Niềm vui lớn đi cùng với áp lực. Bởi Nguyệt hiểu rõ để hoàn thành tốt trách nhiệm của một đại biểu dân cử khi tuổi đời còn rất trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, lại bận con nhỏ như Nguyệt là không dễ dàng. Nhưng với khát vọng mang đến những đổi thay cho quê hương Điện Biên, Nguyệt quyết tâm sắp xếp cuộc sống cá nhân để hoàn thành tốt nhất vai trò của một đại biểu Quốc hội trẻ nhất. 

Nhìn quê hương đang đổi thay từng ngày, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn cả về đời sống kinh tế và tinh thần với bà con bản làng, vẫn còn những đứa trẻ dân tộc thiểu số sớm bỏ học, thanh niên trai tráng trong làng hầu hết đi xa lập nghiệp mà không thể làm giàu trên chính quê hương mình, đặc biệt là vấn đề bạo lực gia đình và bình đẳng giới vẫn còn nhức nhối, Nguyệt muốn mang sức trẻ của mình góp phần thay đổi những điều này.

Nguyệt cho biết thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh Điện Biên đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, góp phần loại bỏ bớt tinh thần "trọng nam khinh nữ", các vụ bạo hành gia đình có xu hướng giảm. 

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ nhận thức của người dân còn thấp nên vấn đề bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến ở địa phương. Đây là vấn đề đang được nhiều cử tri quan tâm.

Vì vậy, sắp tới cô sẽ cùng các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Điện Biên kiến nghị với lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược, đồng thời đề xuất với Quốc hội ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý, giải quyết dứt điểm tình trạng bạo lực gia đình và tiến tới việc thực hiện công tác bình đẳng giới trên cả phương diện pháp luật và thực tiễn một cách thiết thực và hiệu quả. 

"Là một nữ đại biểu Quốc hội trẻ tuổi người dân tộc thiểu số, tôi mong muốn nói lên tiếng nói của mình về bình đẳng giới, về quyền và lợi ích của người phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và trong gia đình, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, hài hòa và bền vững", Nguyệt nói.

Ông Nguyễn Văn Tiến - phó bí thư Đảng ủy xã Mường Mươn - cho biết khi hay tin Quàng Thị Nguyệt trúng cử đại biểu Quốc hội, bà con trong xã rất phấn khởi và tin tưởng Nguyệt có thể mang những tiếng nói của bà con bản làng tới diễn đàn Quốc hội để góp phần đổi thay cuộc sống của người dân địa phương. 

Xã biên giới Mường Mươn cơ bản người dân tộc thiểu số, trình độ của người dân không đồng đều, nghề phụ không có, thanh niên trai tráng trong xã chủ yếu phải đi làm ăn xa nên bà con trong xã đang rất kỳ vọng đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt có thể đưa ý nguyện của người dân đến với các cơ quan ban ngành, mời gọi được doanh nghiệp về đầu tư tại xã để bà con có nhiều việc làm, làm giàu trên chính thôn bản của mình.

Việc Nguyệt trúng cử đại biểu Quốc hội lần này, lại là đại biểu trẻ nhất của cả nước, ông Tiến nói nó có ý nghĩa rất lớn khích lệ phong trào học tập, phấn đấu của trẻ em xã vùng biên Mường Mươn nói riêng và giới trẻ các dân tộc thiểu số nói chung.

Danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV Danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

TTO - Mời bạn đọc xem danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên