15/01/2019 09:04 GMT+7

Nộp học phí, viện phí... qua điện thoại

L.THANH - A.HỒNG
L.THANH - A.HỒNG

TTO - Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết 02 về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực công, các ngân hàng đang chạy đua chuẩn bị để có thể hiện diện ở khu vực này.

Nộp học phí, viện phí... qua điện thoại - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán dịch vụ nha khoa qua thẻ tại nơi điều trị - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong văn bản vừa trình Thủ tướng, Vietcombank kiến nghị cho ngân hàng này phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai thí điểm các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ công trực tuyến, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngân hàng đã sẵn sàng

Ông Đào Minh Tuấn, phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết theo lộ trình đến năm 2020, các dịch vụ công sẽ phải chuyển sang cấp độ 4, tức là ứng dụng điện tử toàn bộ trong quá trình thực hiện. Dịch vụ công nào có thu phí sẽ phải ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, người dân không phải nộp trực tiếp bằng tiền mặt nữa.

Do đó, ngân hàng này sẽ triển khai các phương tiện thanh toán qua các dịch vụ điện tử, ngân hàng điện tử như QR code, Internet Banking, thanh toán qua thẻ... Người dân có thể nộp tiền phí dịch vụ công qua điện thoại, hoặc quẹt thẻ tại các POS được đặt tại các bộ phận tiếp nhận hồ sơ của địa phương.

"Hạ tầng công nghệ thanh toán điện tử của chúng tôi đã sẵn sàng để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng tôi luôn đi đầu phát hành các loại thẻ để đảm bảo thanh toán thuận tiện và dễ dàng. Đến ngày 31-12-2018, Vietcombank có 2.536 máy ATM, 60.000 máy POS" - ông Tuấn cho biết.

Theo ông Bùi Tấn Tài - phó tổng giám đốc ngân hàng ACB, thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng tất yếu khi công nghệ đáp ứng được khá nhiều nhu cầu về tài chính của người dân. ACB cũng không ngừng đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ và tiện ích kèm theo các chương trình khuyến mãi nhằm khuyến khích khách hàng không dùng tiền mặt.

Chẳng hạn, ACB hiện có nhiều loại tài khoản như "tài khoản lương" giúp doanh nghiệp chi lương cho nhân viên, "tài khoản sinh viên" để sinh viên giao dịch, nộp học phí thông qua tài khoản ngân hàng... Trong giai đoạn 2019-2024, ACB sẽ chuyển đổi kỹ thuật số và sẽ có mức đầu tư phù hợp. "Một số công nghệ sẽ giúp NH giảm chi phí vận hành, có thể tái đầu tư nhiều hơn vào công nghệ thông minh như AI chatbots và hệ thống học máy..." - ông Tài cho hay.

Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cũng cho biết ngân hàng này vừa triển khai phương thức thanh toán QR Code, người dùng chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại và đăng ký là có thể sử dụng để thanh toán. "Việt Nam có tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh rất cao nên đây sẽ là xu thế thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai, nhất là thanh toán các dịch vụ công như viện phí, học phí" - ông Tâm nói.

Ngoài ra, theo ông Tâm, ngân hàng này cũng tính đến việc phát hành các loại thẻ nạp tiền sẵn để người dân khu vực nông thôn chưa có thẻ, tài khoản tại ngân hàng có thể thanh toán chi phí dịch vụ công trong giai đoạn đầu áp dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực này.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn khác cũng cho biết chỉ cần trường học, bệnh viện đồng ý, ngân hàng sẽ lo hết phần công nghệ cũng như hạ tầng để có thể triển khai thanh toán trơn tru, thuận tiện. Tuy nhiên, vị này thừa nhận nhiều trường học, bệnh viện vẫn còn e ngại việc thanh toán không dùng tiền mặt vì nhiều lý do.

Nhiều bên cùng hưởng lợi

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều người dân cũng mong sớm áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực công. Chị L.T.Huyền (Phú Thọ) khá bức xúc khi phải xếp hàng nhiều giờ để thanh toán viện phí ở Bệnh viện Việt Đức cho người nhà, lấy số thứ tự từ 8h30 nhưng đến gần 12h trưa mới đến lượt để nộp tiền.

Theo chị Huyền, dù có hơn 10 cửa thu tiền nhưng nơi nộp tiền viện phí của Bệnh viện Việt Đức đông như chợ, lúc nào cũng có hàng trăm người xếp hàng chờ đợi. "Tại sao bệnh viện không thu tiền qua chuyển khoản để giảm tải cho bệnh viện cũng như người bệnh?" - chị Huyền nói. Nhiều người dân cũng cho rằng còn quá nhiều dịch vụ công vẫn thu phí bằng tiền mặt dù thanh toán điện thoại, điện sinh hoạt... bằng chuyển khoản đã được áp dựng từ rất lâu rồi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết tại nghị quyết 02, Chính phủ giao nhiệm vụ cho chủ tịch UBND các địa phương là trước tháng 12-2019, 100% trường học bệnh viện công, công ty điện, cấp thoát nước trên địa bàn phối hợp với các NH, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, qua thiết bị chấp nhận thẻ...

"Việc nộp viện phí, học phí sẽ thuận lợi cho người dân nếu như trường học, bệnh viện quan tâm, chủ động phối hợp với ngành ngân hàng. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng phải có sự đồng bộ về hạ tầng của mình nữa" - ông Dũng nói, đồng thời cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa đổi cơ chế cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.

Theo đó, Nhà nước phải có cơ chế cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp như trường học, bệnh viện... được trích tỉ lệ trên số tiền thu được để trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. "Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử muốn tham gia thu phí dịch vụ nhưng Nhà nước không có cơ chế khuyến khích, không được hưởng một đồng nào để tái đầu tư thì rất khó" - ông Dũng khẳng định.

Ông Nguyễn Kim Anh (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước):

Đẩy mạnh thanh toán điện tử dịch vụ công

Việc thanh toán điện tử dịch vụ công và thanh toán tiền điện, nước... sẽ được Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ hơn kết hợp với việc tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tài chính.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với hoạt động Fintech theo hướng tạo thuận lợi cho sự phát triển của Fintech, dịch vụ ngân hàng số tại VN, nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

"Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt"

Sáng 15-1, báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Nhà nước tổ chức diễn đàn "Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt" tại khách sạn Rex (TP.HCM), nhằm gợi mở những giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng tại nghị quyết 02.

Diễn đàn có sự tham gia của khách mời là đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị chức năng gồm Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ thông tin, đại diện các ngân hàng thương mại cổ phần, các chuyên gia về thanh toán...

Ở đây có cà thẻ không, chị ơi? Ở đây có cà thẻ không, chị ơi?

TTO - Tôi dường như đã quá quen với câu hỏi này hàng ngày, từ khi bắt đầu mở một shop thời trang nhỏ ở Tân Bình (TP.HCM). Nếu như ban đầu tôi thấy thật khó chịu với câu hỏi đó thì bây giờ lại thích thú. Vì sao vậy?

L.THANH - A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên