Nhiều bệnh nhân thủy đậu phải nhập việnĐề phòng dịch bệnh mùa xuânThủy đậu xuất hiện dù chưa phải mùa
Phóng to |
Trẻ bị thủy đậu điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: M.Mẫn |
Một số bệnh viện ở TP.HCM dự báo diễn biến các bệnh như thủy đậu, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết... sẽ khá phức tạp. So với cùng kỳ năm ngoái, hai tháng đầu năm 2014 số người mắc bệnh thủy đậu, sởi phải nhập viện khá nhiều và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Số ca bệnh vẫn tăng
"Mấy đứa nhỏ trong xóm bị thủy đậu nên tôi rất lo. Đi mấy nơi rồi mà không có văcxin, cũng không biết khi nào có" Anh nguyễn văn Hà |
Ngày 4-3, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) có ba bệnh nhi mắc thủy đậu nằm điều trị. Phụ huynh các bệnh nhi này cho biết chưa tiêm văcxin thủy đậu cho con. Trong ba trường hợp trên, có một trẻ bị lây thủy đậu từ mẹ. Từ đầu năm đến ngày 3-3, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận điều trị 68 ca thủy đậu. Trong đó chỉ nửa tháng (từ ngày 16-2 đến 3-3) đã có đến 24 bệnh nhi mắc thủy đậu phải điều trị nội trú tại khoa nhiễm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định bệnh nhi mắc thủy đậu sẽ còn tăng cho đến tháng 6.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết cùng thời gian trên, 12 bệnh nhân bị thủy đậu phải điều trị nội trú tại khoa nhiễm, nâng tổng số ca thủy đậu từ đầu năm đến nay lên 50. So với cùng kỳ năm ngoái, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chỉ tiếp nhận điều trị 18 ca thủy đậu.
Từ đầu năm đến ngày 3-3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận điều trị 121 ca thủy đậu (tăng 43 ca so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng ngại là số bệnh nhân mắc thủy đậu có xu hướng tăng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, trưởng khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết ngày 4-3 có bảy ca thủy đậu đang điều trị nội trú. “So với đầu tháng 2, số ca thủy đậu điều trị nội trú tại khoa có giảm nhưng vẫn cao so với cùng thời điểm năm ngoái. May mắn không có ca bệnh thủy đậu nào bị biến chứng nặng”, bác sĩ Vinh nói.
Muốn chích nhưng không có văcxin
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, từ tháng 7-2013, nhiều bệnh viện ở TP.HCM hết văcxin thủy đậu. Tình trạng này kéo dài đến nay khiến người dân muốn tiêm văcxin nhưng không nơi nào đáp ứng. Ngày 19-2, Cục Quản lý dược có văn bản cho biết gần đây cục cho nhập gần 100.000 liều văcxin thủy đậu để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các điểm chích ngừa ở TP.HCM, văcxin thủy đậu vẫn chưa có trở lại.
Sáng 4-3, anh Nguyễn Văn Hà (Q.Bình Tân) đưa con trai 3 tuổi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiêm văcxin thủy đậu. Tại cửa số 4 (quầy tiếp nhận 2), anh Hà hỏi nhân viên thủ tục tiêm văcxin thủy đậu. “Văcxin thủy đậu hết rồi. Lúc khác anh quay lại”, nhân viên này trả lời. Anh Hà hỏi bao giờ có văcxin, nhân viên lắc đầu nói “chưa biết khi nào”. Cũng trong sáng 4-3 tại khu vực này nhiều phụ huynh phải thất vọng đưa con về vì không có văcxin thủy đậu. Tại quầy thu phí khu E (dịch vụ) Bệnh viện Nhi Đồng 1 có dán một bảng giá các loại văcxin. Trong đó, giá của văcxin thủy đậu Varilrix là 357.000 đồng/mũi. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi có văcxin này không thì nhân viên lại lắc đầu.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, vừa qua Sở Y tế TP.HCM có giới thiệu một số công ty bán văcxin thủy đậu cho Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ngoài ra, một công ty khác cũng đến bệnh viện này chào bán văcxin thủy đậu do Hàn Quốc sản xuất. Tuy nhiên do văcxin mới vào thị trường, chưa kiểm định những tác dụng phụ nên Bệnh viện Nhi Đồng 1 không dám mạo hiểm mua. “Theo thông tin chúng tôi có được thì khoảng tháng 4, văcxin thủy đậu Varilrix sẽ được nhập trở lại Việt Nam. Chúng tôi sẽ chờ để mua loại này”, một lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Lê Thanh Bình, trưởng khoa trẻ em lành mạnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết thời gian vừa qua nhiều phụ huynh đưa con đến tiêm văcxin thủy đậu. Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh cách phòng bệnh cho trẻ. Còn văcxin thủy đậu thì phải chờ... Tương tự, nhiều người dân đến tiêm văcxin thủy đậu tại Viện Pasteur TP.HCM và Trung Tâm Y tế dự phòng TP.HCM đều nhận được câu trả lời là hết thuốc. Khi được hỏi, hầu hết lãnh đạo bệnh viện, cơ sở được phép tổ chức tiêm chủng đều nói “nóng ruột” chờ hai loại văcxin thủy đậu.
Bệnh nhân sởi nhập viện tiếp tục tăng Từ ngày 16-2 đến 3-3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận điều trị 120 ca sởi, nâng tổng số ca sởi từ đầu năm là 252 ca. So với cùng thời điểm năm ngoái, bệnh viện này chỉ tiếp nhận điều trị một ca sởi. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ đầu năm đến nay khoa nhiễm tiếp nhận điều trị 177 ca sởi, 35 ca sốt phát ban. Cùng kỳ năm ngoái, bệnh viện tiếp nhận 16 ca sốt phát ban, không có ca sởi nào. Trong khi đó, 485 bệnh nhi bị sởi phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ đầu năm đến nay. UBND TP.HCM cũng vừa chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với UBND các quận - huyện, phường - xã, thị trấn rà soát, thống kê danh sách các trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi văcxin sởi theo quy định, các đối tượng có nguy cơ cao trong ổ dịch sởi cần được tiêm văcxin chống dịch theo chỉ định, lập kế hoạch tiêm vét theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động tiêm chủng thường xuyên đối với tất cả các loại văcxin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt đảm bảo tỉ lệ tiêm văcxin sởi. M.MẪN - M.LÂM |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận