Đề phòng dịch bệnh mùa xuânThủy đậu xuất hiện dù chưa phải mùa
Phóng to |
Một bệnh nhi bệnh thủy đậu phải thở oxy tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Minh Mẫn |
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ ngày 19-2 tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) có ba trẻ bị thủy đậu đang nằm viện, trong đó có một ca nặng.
Bị biến chứng nặng
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết từ đầu năm 2014 đến ngày 18-2 khoa tiếp nhận điều trị 42 ca thủy đậu. Trong khi hai tháng đầu năm 2013 chỉ có 20 ca. Số trẻ bị thủy đậu phải vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị đang có xu hướng nhiều hơn. Tháng 1-2014 chỉ có 17 ca nhập viện, nhưng chỉ hơn nửa tháng 2 này đã tiếp nhận đến 25 ca thủy đậu.
Ca thủy đậu nặng phải hỗ trợ thở máy là bé gái Lương Mai Anh (20 tháng tuổi, ngụ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Liên tục dùng khăn ướt vệ sinh cơ thể con gái, chị Phạm Thị Xuyên - mẹ của bé Mai Anh - cho biết ngày 10-2, trên cơ thể bé Anh bắt đầu xuất hiện những vết đỏ và sau đó thành mụn bóng nước nên gia đình đưa con vào Bệnh viện tỉnh Phú Yên. “Chỉ mấy hôm mà cả người con bé nổi mụn bóng, sốt cao. Sau bảy ngày điều trị, Bệnh viện Phú Yên chuyển con tôi vào Bệnh viện Nhi Đồng 2” - chị Xuyên nói. Chị Xuyên cho biết thêm bé Anh mới chỉ tiêm một mũi Quinvaxem, chưa tiêm văcxin phòng thủy đậu. Về trường hợp bệnh nhi Anh, bác sĩ Nam cho biết: “Đối với bệnh thủy đậu, cơ địa là một trong những yếu tố có thể khiến bệnh nặng hơn. Những trẻ nhỏ chưa được chích ngừa, mắc bệnh mãn tính, hoặc cơ địa ức chế miễn dịch làm giảm sức đề kháng cũng dễ bị thủy đậu. Bé Anh mắc bệnh mãn tính về máu, vì thế diễn tiến bệnh thủy đậu hiện rất phức tạp”. Hỏi phụ huynh của hai trẻ bị thủy đậu còn lại, gia đình đều cho biết con mình chưa tiêm văcxin phòng thủy đậu.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm, cho biết trong ngày 19-2 có năm ca thủy đậu đang nằm điều trị tại khoa. “Do văcxin phòng thủy đậu không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên số trẻ được tiêm phòng thủy đậu không nhiều” - bác sĩ Khanh nói. Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1, tháng 1-2014 bệnh viện tiếp nhận điều trị 27 ca mắc thủy đậu, nhưng trong nửa tháng 2-2014 có 17 ca nhập viện vì bệnh này.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ngày 19-2 có 19 bệnh nhân bị thủy đậu đang nằm viện điều trị nội trú. Những trường hợp nhập viện đều do có nhiễm trùng nốt thủy đậu hoặc biến chứng viêm phổi. Thống kê bệnh nhân thủy đậu nhập viện nội trú (gồm bệnh nhân tại TP.HCM và tỉnh khác đến) của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP cho biết tháng 1-2014 có 36 bệnh nhân, còn tháng 2 dù chưa hết tháng nhưng có 46 bệnh nhân nhập viện.
Giữ vệ sinh cơ thể
Về tình hình bệnh nhân mắc thủy đậu tại TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết từ tháng 1-2014, số ca mắc thủy đậu ghi nhận được ở TP.HCM có tăng so với những tháng trước đó. Cụ thể các tháng 9, 10, 11 và 12-2013 trung bình mỗi tháng có 25-30 ca mắc thủy đậu nhưng trong tháng 1-2014 có 44 ca.
Theo bác sĩ Trí Dũng, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại virút phát triển mạnh và dễ lây lan, trong đó có virút gây bệnh thủy đậu. Trong tình hình không có văcxin tiêm ngừa thủy đậu, bác sĩ Trí Dũng khuyên cách phòng bệnh tốt nhất là rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn, sau khi chăm sóc trẻ bệnh và trước khi chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; hạn chế tiếp xúc với người có bệnh; che miệng, mũi khi hắt hơi, ho; không khạc nhổ bừa bãi ra môi trường; trẻ bị bệnh thủy đậu thì nên giữ ở nhà, không đi học để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng; tránh tiếp xúc với người bệnh và đến nơi đông người...
Về chăm sóc bệnh nhân bệnh thủy đậu, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý: “Nhiều người khi bị bệnh thủy đậu trùm chăn kín, không tắm rửa, vệ sinh cơ thể. Một số khác còn dùng nước rạ để tắm, thậm chí là uống để chữa bệnh. Điều này là nguyên nhân làm nhiễm trùng vết thương. Trong khi đó, mụn nước bệnh thủy đậu nếu không bị nhiễm trùng sẽ không để lại sẹo”. Bác sĩ Khanh cho biết thêm đối với trẻ em dưới 3 tháng tuổi khi bị thủy đậu cần được đưa vào bệnh viện để điều trị.
Ngày 1-9-2013, báo Tuổi Trẻ có bài viết “Hết văcxin cúm và thủy đậu” đã thông tin nhiều bệnh viện ở TP.HCM hết văcxin thủy đậu từ tháng 7, tháng 8-2013. Khi đó, trả lời Tuổi Trẻ về việc khi nào có văcxin tiêm ngừa thủy đậu, đại diện văn phòng đại diện Công ty GlaxoSmithKline (GSK) tại VN cho biết đối với văcxin thủy đậu Varilrix, do có một số hạn chế về năng lực sản xuất, GSK đang gặp khó khăn trong việc cung ứng văcxin này cho một số quốc gia trên thế giới, trong đó có VN. Công ty đang nỗ lực để cải thiện tình hình nhằm đảm bảo việc quản lý, cung ứng văcxin cho người dân. Tương tự, đại diện Công ty Sanofi Pasteur cho biết trước đây công ty này có hợp tác phân phối văcxin thủy đậu Okavax tại VN nhưng hợp đồng này đã chấm dứt từ đầu năm 2013. Vì vậy, nguồn văcxin thủy đậu này Sanofi Pasteur sẽ không nhập về VN nữa. Tuy nhiên, một bác sĩ tại TP.HCM cho biết nguyên nhân sâu xa của việc hết văcxin ngừa thủy đậu không hẳn như đại diện của hai công ty nói trên trả lời Tuổi Trẻ hồi tháng 9-2013. Tuy văcxin ngừa thủy đậu hết từ lâu nhưng vẫn có đại diện của công ty dược khác đến gặp bác sĩ chào bán văcxin thủy đậu với 1,1 triệu đồng/mũi. Trong khi giá một mũi văcxin thủy đậu trước khi xảy ra tình trạng hết thuốc (tùy theo bệnh viện, tùy theo loại) giá dao động trong khoảng 300.000 đồng/mũi. L.TH.H. - M.MẪN |
“Không biết vì sao lại thiếu văcxin” Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Hà Nội đã thiếu văcxin ngừa thủy đậu từ mấy tháng nay. “Tôi cũng không biết vì sao lại thiếu văcxin, có thể do việc cung cấp không đảm bảo” - ông Cảm nói. Tại Cần Thơ, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ - cũng cho biết hiện trung tâm đang hết loại văcxin ngừa bệnh này nên khoảng từ đầu tháng 2 đến nay tạm ngừng tiêm. Hiện tại cơ quan y tế tỉnh cũng chưa biết khi nào mới có trở lại, vì nguồn cung cấp từ các công ty cho biết đang kẹt thủ tục giấy tờ để nhập văcxin về. Bà Nguyễn Minh Hằng, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết văcxin ngừa thủy đậu là văcxin tiêm dịch vụ, công ty cung cấp nhập theo nhu cầu của thị trường. Theo bà Hằng, trước tình hình thiếu văcxin ngừa thủy đậu ở nhiều địa phương, cục sẽ trao đổi với Cục Quản lý dược - nơi cấp phép đăng ký và cấp phép nhập khẩu - để phối hợp giải quyết tình trạng này. Ngày 19-2, Cục Quản lý dược đã có văn bản cho biết gần đây cục cho nhập gần 100.000 liều văcxin ngừa thủy đậu và sẽ tiếp tục cho nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêm ngừa của người dân. L.Anh - T.Lũy |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận