Cánh đồng bắp (ngô) ở Nairobi, Kenya bị sâu keo mùa thu phá nát - Ảnh: CNN
Theo Đài CNN, một báo cáo của Chính phủ Mỹ vừa công bố tuần này ghi nhận loài sâu keo mùa thu (Fall Armyworm, tên khoa học Spodoptera frugiperd) đã lây lan trên 8.500ha diện tích trồng trọt tại Trung Quốc và sẽ sớm có mặt ở mọi vùng miền.
Loài sâu dài khoảng 2,5cm này có khả năng sinh sôi cực nhanh, phán tán trên diện rộng và rất khó tiêu diệt. Những năm gần đây, nó đã phá hoại sản xuất nông nghiệp trên khắp châu Phi, châu Mỹ, và giờ đây bắt đầu lây lan tại châu Á.
Sâu keo mùa thu phá nhiều loại cây trồng khác nhau, bao gồm những cây lương thực quan trọng như lúa, đậu nành, bắp (ngô)... Tại một vài nơi ở châu Phi, sâu keo phá hủy đến 70% vụ mùa, gây thiệt hại 6 tỉ USD cho toàn châu lục.
Các nhà khoa học chưa tìm ra biện pháp tiêu trừ trên diện rộng loài côn trùng này.
Chỉ trong 2 năm, sâu keo mùa thu "xâm lược" đến 75% diện tích trồng trọt ở châu Phi - Ảnh: CNN
Đây là một tin chẳng mấy tốt lành trong bối cảnh nông nghiệp Trung Quốc đang bị bủa vây tứ bề. Ngành chăn nuôi heo thì dính tả lợn châu Phi (hiện tất cả tỉnh thành Trung Quốc đã phát hiện virus, hơn 1 triệu con heo đã bị tiêu hủy).
Bên cạnh đó, do đáp trả thuế trừng phạt của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã giới hạn nhập khẩu đậu nành Mỹ. Người tiêu dùng Trung Quốc càng phải dựa hơn vào sản xuất trong nước.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các tỉnh Trung Quốc bị ảnh hưởng sâu keo mùa thu bao gồm Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Hồ Nam và Hải Nam. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp khẩn cấp chống sâu hại từ tháng 1.
Trong diễn biến khác, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT của Việt Nam) cũng đã xác nhận loài sâu keo mùa thu đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam và đang gây hại tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo đó, tính đến đầu tháng 4-2019, các tỉnh phía Bắc đã ghi nhận sâu keo mùa thu bao gồm Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Cao Bằng...; vùng Bắc Trung Bộ có tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh…; các tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Nông đang nghi ngờ do phát hiện sâu ăn lá ngô.
Các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa ghi nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận