22/03/2019 09:58 GMT+7

Thuốc diệt cỏ gây ung thư: dây dưa không cấm, bất lợi cho nông nghiệp

K.TÂM - B.ĐẤU - K.NAM - C.QUỐC - L.ANH
K.TÂM - B.ĐẤU - K.NAM - C.QUỐC - L.ANH

TTO - Ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - cho biết, khi có quy định cấm sử dụng, ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn cho người dân hiểu, không sử dụng, tiếp tay cho những sản phẩm có hại.

Thuốc diệt cỏ gây ung thư: dây dưa không cấm, bất lợi cho nông nghiệp - Ảnh 1.

Nông dân phường 4, TP Sóc Trăng phun thuốc diệt cỏ cho vườn cây ăn trái của mình - Ảnh: KHẮC TÂM

Một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho biết hiện tại nông dân An Giang đang dần chuyển sang sử dụng máy cấy để cấy lúa thay vì phải gieo sạ như trước đây. Vì thế, đất trồng lúa không còn ốc bươu vàng và cỏ. Hạt gạo cũng từng bước nâng cao chất lượng hơn.

Đối với các loại cây trồng khác, ngành nông nghiệp An Giang đang khuyến khích nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khác không có hoạt chất glyphosate. An Giang từng đề xuất với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về một số hoạt chất mà Mỹ và các nước cấm thì Việt Nam nên cấm các hoạt chất đó.

Ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho rằng việc rà soát, phát hiện hoạt chất là độc hại, nguy hiểm và loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có những chất này ra khỏi danh mục được phép lưu hành ở Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, đã loại thì nên cấm hẳn việc mua bán, sử dụng ngay, không nên gia hạn thêm nữa.

Đồng quan điểm này, ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - nói một khi đã xác định sản phẩm nào đó phục vụ sản xuất nông nghiệp nguy hại đến sức khỏe và môi trường thì tuyệt đối cấm.

"Đã cực độc, nguy hại đến môi trường, con người tại sao còn phải đưa ra lộ trình cấm sử dụng? Cấm là phải cấm ngay. Lâu nay chúng ta vẫn dây dưa chuyện này, không có lợi cho ngành nông nghiệp" - ông Quyết đề xuất.

Theo ông Quyết, khi có quy định cấm sử dụng, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường hướng dẫn cho người dân hiểu, không sử dụng, tiếp tay cho những sản phẩm có hại. Ông Quyết cho biết quy định cho phép chỉ được thanh tra một doanh nghiệp không quá 2 lần/năm cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế.

"Điều này đồng nghĩa chỉ được kiểm tra, thanh tra một lần. Sau thanh tra, cơ sở có làm sai, muốn kiểm tra cũng không được, đành phải làm quy trình ngược" - ông Quyết chia sẻ. Quy trình ngược ông Quyết nói là kiểm tra từ đồng ruộng. Khi phát hiện người dân sử dụng sản phẩm cấm, từ đó truy ra nguồn gốc, tìm cơ sở cung ứng để phạt. Tuy nhiên cách làm này mất nhiều thời gian và công sức.

Xài vì rẻ

Anh Phan Văn Hai (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) có 7 công vườn trồng mãng cầu gai 10 năm tuổi. Anh Hai cho biết khoảng 4 năm trước, để làm sạch cỏ vườn, anh thường mướn 3 người làm trong một tuần mới xong.

Chưa tính tiền cà phê cữ trưa, chi phí lên đến trên 3 triệu đồng/đợt. Chủ nhà vườn này cho biết nếu mỗi năm thuê người làm cỏ vườn 3 lần, phải "mở hầu bao" khoảng 10 triệu đồng.

Quá tốn kém, do vậy hai năm gần đây anh phải sử dụng thuốc diệt cỏ. Cứ thấy cỏ mọc là phun, mỗi năm 4-5 lần, mỗi lần 2-3 chai, giá mỗi chai khoảng 70.000 đồng nên chỉ tốn tầm 1 triệu đã giải quyết xong cỏ trong vườn.

Theo anh Hai, dù biết sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ không tốt cho đất, môi trường và sức khỏe nhưng do tiết kiệm được chi phí đầu tư đáng kể nên đành "nhắm mắt" xài.

Mỗi năm xài 1,2 triệu tấn glyphosate

Monsanto cho ra đời glyphosate vào năm 1974 dưới tên thương mại Roundup, hóa chất này nhanh chóng trở thành thuốc diệt cỏ sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Thị trường glyphosate dự đoán đạt trên 1,2 triệu tấn vào năm 2022 do việc mở rộng canh tác ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen.

Châu Á - Thái Bình Dương là thị trường tiêu thụ glyphosate lớn nhất, tiếp theo là Mỹ. Trong đó Trung Quốc có tốc độ sử dụng tăng trưởng nhanh nhất với 6,6%/năm. Quy mô thị trường glyphosate toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 8,5 tỉ USD vào năm 2020 và 11,74 tỉ USD vào năm 2023.

Những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã liên tục chạy đua sản xuất glyphosate để cạnh tranh với các tập đoàn hóa chất của Mỹ và châu Âu. Trung Quốc hiện sản xuất hơn 40% nguồn cung glyphosate toàn cầu và chiếm gần 35% nguồn cung xuất khẩu của thế giới...

Có hơn 300 loại thuốc diệt cỏ glyphosate từ hơn 40 công ty khác nhau hiện đang được đăng ký bán ở châu Âu. Còn ở Mỹ có trên 750 thuốc trừ cỏ sử dụng glyphosate.

Tại Việt Nam, glyphosate được sử dụng rộng rãi khi các công ty nước ngoài (trong đó có Monsanto) được cấp phép thương mại hóa các hạt giống biến đổi gen.

Việc trồng bắp biến đổi gen thường đi kèm với sử dụng thuốc trừ cỏ vì chúng có tính kháng glyphosate. Do đó, sau khi phun hóa chất này thì cỏ sẽ chết, trong khi bắp vẫn sống bình thường.

Không chịu bồi thường

Monsanto là công ty sản xuất glyphosate lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất hạt giống GMO (biến đổi gen) lớn nhất thế giới. An toàn của thực phẩm GMO đối với con người vẫn còn là điều còn nhiều tranh cãi nhưng cũng đã được Việt Nam cho phép thương mại hóa từ năm 2015.

Cùng với hạt giống GMO được trồng ở nhiều nơi trên khắp đất nước, hóa chất glyphosate cũng theo đó sử dụng rộng rãi trên ruộng đồng Việt Nam những năm qua.

Cần nhớ rằng Monsanto cũng là công ty sản xuất ra chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam gây ra thảm họa nhân đạo mà đến nay vẫn chưa khắc phục xong.

Tháng 4-2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) đã kết thúc phiên tòa luận tội Tập đoàn hóa chất Monsanto. Các thẩm phán xác nhận Tập đoàn Monsanto đã hủy diệt môi trường và gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.

Vì đây chỉ là phiên tòa công dân nên về mặt pháp lý, kiến nghị tham vấn không có giá trị ràng buộc. Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vẫn còn kéo dài và Monsanto không chấp nhận bồi thường.

Có cấm ngay, vẫn còn 2 năm "ân hạn"

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 21-3 xung quanh loại thuốc bảo vệ thực vật do Monsanto sản xuất đang bán trên thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho biết hội đồng tư vấn đã đánh giá về việc có nên đưa sản phẩm của Monsanto ra khỏi danh sách thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hay chưa.

Hội đồng và bộ đều đang lắng nghe, chờ đợi phán quyết từ tòa án Mỹ, cũng như phản ứng của các nước trước khi ra quyết định. Ông Hồng cho biết hiện có trên 100 nước vẫn cho phép sử dụng sản phẩm của Monsanto.

Quy định hiện hành là sau khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn loại sản phẩm ra khỏi danh sách được phép sử dụng, sẽ có thêm hai năm "ân hạn" trước khi cấm nhập khẩu và ngưng sử dụng hoàn toàn.

Nếu thực hiện đúng quy định này, ít nhất trên hai năm nữa Việt Nam mới ngưng sử dụng sản phẩm thuốc diệt cỏ có gây ung thư.

Trả lời về việc có nên đẩy nhanh tiến độ của việc cấm nhập khẩu và ngưng sử dụng sản phẩm, ông Hồng cho rằng quy định hiện hành như vậy, nhưng cũng nên ưu tiên bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Thuốc diệt cỏ gây ung thư: Biết độc, sao chưa cấm? Thuốc diệt cỏ gây ung thư: Biết độc, sao chưa cấm?

TTO - Ngày càng có nhiều bằng chứng hơn cho thấy mức độ độc hại và nguy hiểm của hóa chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ.

K.TÂM - B.ĐẤU - K.NAM - C.QUỐC - L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên