16/08/2018 11:53 GMT+7

Nông nghiệp 'nghiện' thuốc và hóa chất

L.DÂN - K.NAM - K.TÂM - B.ĐẤU - T.MẠNH
L.DÂN - K.NAM - K.TÂM - B.ĐẤU - T.MẠNH

TTO - ĐBSCL được xem là vựa lúa và trái cây của cả nước, ghi nhận của nhóm Tuổi Trẻ tại đây cho thấy nông dân vẫn còn tình trạng “nghiện” sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Nông nghiệp nghiện thuốc và hóa chất - Ảnh 1.

Nhiều nông dân ở ĐBSCL cho biết sở dĩ phải dùng nhiều phân, thuốc trừ sâu bởi đất không kịp quay vòng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo nhiều nông dân, trong bối cảnh đất đai bị "khai thác" hết công suất, họ không thể không dùng phân và thuốc BVTV để cây phát triển tốt.

Phun thì thương lái mới khoái, mua giá cao

Ông Hai Thạch (xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết gia đình ông có 1,5ha đất trồng lúa, mỗi năm làm 3 vụ. 

Tùy điều kiện thời tiết nhưng trung bình mỗi vụ, mỗi hecta ông sử dụng 500-600kg phân bón, 0,5kg thuốc BVTV dạng bột và 2-3 lít thuốc BVTV dạng lỏng, chiếm đến 1/3 giá thành hạt lúa làm ra.

Lão nông Nguyễn Văn Điền (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) tính toán chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu các loại dao động từ 5-7 triệu đồng/ha/vụ. 

"Ngày trước, nông dân chỉ làm 1 vụ lúa/năm, còn bây giờ thâm canh 3 vụ/năm, không cho đất nghỉ ngơi, cạn kiệt dần dinh dưỡng nên phải mạnh tay bón phân hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng. Mọi người đều làm như vậy, nếu không làm theo, mình sẽ bị tụt hậu, không có gì để ăn" - ông Điền phân trần.

Theo nhẩm tính của lão nông có trên 60 năm trồng lúa này, ít nhất có khoảng 10 lần phun thuốc, bón phân hóa học từ lúc xới đất cho đến khi gần thu hoạch. 

Ông Điền cho biết vụ nào thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh thì có 4 đợt phun thuốc trừ sâu, bệnh đạo ôn. 

Còn bất lợi, số lượt phun thuốc sẽ nhiều hơn. "Gần thu hoạch, tôi phun thêm thuốc kích thích để sáng hạt, căng tròn, thương lái mới khoái, mua giá cao" - ông Điền bật mí. 

Theo ông Điền, chỉ tính sơ sơ 1 vụ lúa nông dân rải xuống mỗi hecta từ 500-600kg phân bón và thuốc trừ sâu các loại.

Ông Lê Văn Lắm, trồng 4ha lúa cao sản 3 vụ/năm tại xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), cho biết tính bình quân 1 vụ lúa 3 tháng cần phải phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ các loại từ 5-7 lần. 

Riêng thuốc diệt cỏ thường chỉ phun vào đầu vụ lúc mới gieo sạ khoảng 10 ngày. Chi phí cho mỗi lần phun thuốc là khoảng 100.000 đồng/công (1.000m2). Chi phí phun thuốc và số lần phun tùy theo diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh hằng năm. 

Theo ông Lắm, việc thâm canh, tăng vụ khiến đất đai không có thời gian nghỉ ngơi, sâu bệnh ủ trong đất tăng cho nên không thể trồng lúa cao sản, nhiều vụ mà không sử dụng thuốc BVTV. 

"Mình không xịt thuốc không được, sâu ăn không còn một hột thóc. Chưa kể những cánh đồng lân cận họ cũng xịt, mình không xịt sâu rầy sẽ tràn sang ruộng lúa nhà mình thì cũng chết" - ông Lắm nói.

Ông Thạch, ông Điền và ông Lắm là những điển hình cho một nền nông nghiệp "nghiện" thuốc trừ sâu tại ĐBSCL. 

Theo ông Đặng Kiềm - trưởng trạm BVTV huyện Châu Thành A, mỗi hecta lúa nông dân chỉ nên bón 500kg phân bón trở lại là vừa. 

Các nhà khoa học ĐH Cần Thơ đánh giá nông dân huyện Châu Thành A bón dư đạm và lân, điều này dẫn đến sâu bệnh kéo đến nhiều hơn và nông dân lại tốn thêm chi phí.

Không chỉ lúa, trái cây và rau quả cũng đang bị lạm dụng thuốc quá nhiều. Tại "thủ phủ" trái cây Kế Sách của Sóc Trăng, các nhà vườn cũng "ghiền" sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, phân bón, đặc biệt là thuốc trừ sâu. 

"Nếu mình không sử dụng thuốc trừ sâu thường xuyên sẽ bị sâu tấn công không còn gì để thu hoạch. Ngoài phân bón gốc, nhà vườn còn phun phân bón lá, kích thích ra hoa đồng loạt, chống rụng trái. 

Có vậy mẫu mã mới bắt mắt, bán được giá" - nhà vườn Dương Văn Thái (xã Phong Năm, huyện Kế Sách) cho hay.

Nông nghiệp nghiện thuốc và hóa chất - Ảnh 2.

Một nông dân ở xã Mỹ Thuận, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long pha thuốc diệt cỏ để phun lên vườn rau xà lách xoong - Ảnh: CHÍ HẠNH

Biết mà không thể xử lý

Ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết do thiếu kinh phí nên chưa thể điều tra lượng thuốc BVTV sử dụng hằng năm, nhưng nói rằng bình quân mỗi công đất người dân phun xịt khoảng 200ml thuốc. 

Một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh An Giang cho biết thống kê hiện tại trung bình nông dân phun 8 lần thuốc BVTV hoặc thuốc dưỡng. 

Một số hộ phun đến 12 lần/vụ, có hộ chỉ phun 4 lần. Điều đáng nói là nhiều người phun thuốc tăng liều gấp vài ba lần so với khuyến cáo, hoặc phối trộn nhiều loại thuốc để phun, xịt. 

Năm ngoái, cơ quan này lấy 40 mẫu rau, củ, quả bao gồm rau, dưa các loại của 30 hộ nông dân tại các huyện, thị, TP để kiểm tra. 

Kết quả, 8/40 số mẫu có dư lượng thuốc BVTV, trong đó 2 mẫu (chiếm 5%) ở mức giới hạn cho phép quy định.

Theo ông Trương Thanh Bình - chủ tịch UBND xã Đại Hải (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), sử dụng liều lượng bao nhiêu, loại nào đều do nông dân tự mua, tự quyết định và chính quyền chỉ cảnh báo tác hại, chưa xử lý trường hợp nào. 

Ông Bình nói đã vận động nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, nhưng do chi phí đầu tư nhiều mà năng suất không cao, kiểu dáng không "đẹp" nên người dân "không mấy mặn mà".

Ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty Trái cây nhiệt đới (Bến Tre), cho hay trên thực tế ngoài vấn đề về hiểu biết, nông dân chịu tác động của các đại lý bán phân, thuốc khi họ tư vấn dùng loại nào, liều lượng bao nhiêu... 

"Ở vùng trái cây có thực trạng là nếu giá giảm thì người ta ít dùng phân thuốc, nhưng nếu giá tăng lên là người ta lại dùng nhiều để tối đa hóa lợi ích" - ông Hiền cho biết.

TS Võ Mai, phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn VN, cho biết so với trước kia người dân đã có kiến thức tốt hơn về sử dụng phân bón và hóa chất BVTV. 

Tuy nhiên bà Mai cũng cho rằng không thể loại bỏ hoàn toàn phân bón hóa học và hóa chất BVTV ra khỏi quá trình làm nông nghiệp vì có nhiều chất đã được chứng minh là có hiệu quả thực sự cho sự phát triển của cây trồng, đem lại hiệu quả cao hơn cho nông dân.

Nhờ có thuốc mới được như vậy

Tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long lâu nay nổi tiếng là vùng chuyên canh tác các loại rau quả nông nghiệp như: mận, cam, xà lách xoong, đậu bắp... để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Khi được hỏi về cách giữ cho xà lách xoong xanh mướt khi bán ra thị trường thì ông Nguyễn Văn H. (ngụ xã Thuận An, thị xã Bình Minh) nói tất cả đều phải có thuốc mới được như vậy.

"Đây là vùng chuyên trồng rau xà lách xoong và đậu bắp theo hợp đồng với siêu thị nên buộc phải có rau đẹp. Xà lách xoong là loại cây thu hút sâu nhiều nhất nên nhà nào cũng phải phun thuốc.

Các loại thuốc trừ sâu hay thuốc khai hoang (thuốc diệt cỏ) mà người dân trong vùng này sử dụng đều mua của các công ty được Nhà nước cấp phép cho lưu hành nên không phải lo ngại. Cứ 10 ngày phun thuốc 1 lần, khi rau chuẩn bị thu hoạch thì ngừng thuốc" - ông H. nói.

C.HẠNH

Lâm Đồng dùng 6.000 tấn thuốc BVTV mỗi năm

6.000 tấn là lượng thuốc BVTV được nông dân tại Lâm Đồng sử dụng mỗi năm để canh tác gần 350.000ha nông sản, theo Sở NN&PTNT tỉnh này. Phần lớn diện tích này dùng canh tác những loại nông sản thương phẩm người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày như rau, chè, cà phê.

Tỉnh hiện có hơn 1.200 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Năm 2015 đã xảy ra vụ gần 4.000 tấn chè của Lâm Đồng không xuất đi được hoặc trả về từ Đài Loan.

M.VINH

Cảnh báo hiểm họa "thuốc diệt cỏ gây ung thư" tại Việt Nam Cảnh báo hiểm họa 'thuốc diệt cỏ gây ung thư' tại Việt Nam

TTO - Do không cảnh báo nguy cơ gây ung thư của thuốc diệt cỏ, Công ty Monsanto đã bị một tòa án của Mỹ phạt và buộc bồi thường gần 289 triệu USD.

L.DÂN - K.NAM - K.TÂM - B.ĐẤU - T.MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên