04/01/2018 09:59 GMT+7

Nóng hôi hổi trên dòng Mekong

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các nhà lãnh đạo sáu nước chia sẻ dòng Mekong sẽ họp mặt vào ngày 10-1 để bàn về kế hoạch 5 năm (2018 - 2022) đối với các dự án phát triển dòng sông và nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong năm 2018.

Nóng hôi hổi trên dòng Mekong - Ảnh 1.

Đánh bắt cá trên dòng Mekong - Ảnh: Mekongeye

Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương (LMC) tại Phnom Penh dự kiến thông qua kế hoạch hành động 5 năm với hàng loạt dự án phát triển chung. Tuyên bố tại hội nghị LMC hồi tháng 12-2017 tại Vân Nam (Trung Quốc), ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị khẳng định LMC dưới sự dẫn dắt của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của tất cả sáu thành viên, gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Tuy nhiên, ngoại trưởng Trung Quốc tránh tất cả các thảo luận về quan ngại liên quan đến sự phát triển của dòng sông.

Né tránh

LMC, hình thành từ năm 2015, là diễn đàn mới nhất được Trung Quốc ra sức thúc đẩy thời gian qua dựa trên hợp tác trên ba lĩnh vực an ninh và chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, và xã hội, văn hóa và trao đổi nhân lực. "Việc Trung Quốc thiết lập LMC là sự thừa nhận muộn màng rằng các chính sách mà Trung Quốc theo đuổi liên quan đến sông Mekong đã thiếu chú ý đến lợi ích của các nước hạ nguồn" - chuyên gia người Úc Milton Osborne nhận định.

Chỉ trong hai năm LMC tồn tại, Trung Quốc đã tổ chức ba hội nghị ngoại trưởng và rót hàng tỉ USD cho 45 dự án thuộc cơ chế này, từ nghiên cứu nguồn nước cho đến thương mại qua biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo...

Tuy nhiên hiệu quả của LMC vẫn chưa rõ ràng, trong khi ý đồ địa chính trị của nó đang gây nhiều lo ngại. Ngoài ra, việc có quá nhiều khuôn khổ hợp tác cũng đặt ra câu hỏi về sự chồng chéo, chức năng và các lĩnh vực hợp tác.

Ngoài LMC, khu vực hiện có cơ chế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) tập trung vào phát triển hạ tầng, hợp tác kinh tế với nhiều lĩnh vực trùng lắp. Tuy nhiên một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng LMC để giúp các nước giải quyết những vấn đề an ninh nội bộ như khủng hoảng ở Myanmar vừa qua.

Các thành viên LMC cũng là thành viên của Ủy hội sông Mekong (MRC), ngoại trừ Trung Quốc và Myanmar. Bắc Kinh đến nay vẫn khước từ tham gia MRC, giúp nước này tránh các quy định buộc phải đưa các dự án xây đập ra thảo luận chung.

Trong khi đó, thông qua các khoản tài chính hào phóng, Bắc Kinh đã thu phục được một số nước hạ nguồn. "Các công ty Trung Quốc đang đầu tư trực tiếp vào hơn 6 con đập trên dòng chính ở hạ lưu Mekong, bao gồm Don Sahong và Pak Beng ở Lào - Pianporn Deetes, điều phối viên Thái Lan của Tổ chức International, cho biết - Việc phát triển các con đập này không theo thông lệ tốt đẹp của thế giới về việc cân nhắc và tránh hoặc giảm thiểu tác động xã hội, môi trường".

Bản thân Bắc Kinh kể từ khi xây con đập đầu tiên trên dòng chính năm 1995 đã xây thêm 7 con đập thủy điện và khoảng 20 con đập khác đang trong quá trình phát triển hoặc lên kế hoạch. 

Lo ngại

Giới chuyên gia từ lâu thống nhất rằng kiểm soát dòng Mekong đồng nghĩa với kiểm soát phần lớn kinh tế tại Đông Nam Á. Điều đó khiến căng thẳng nguồn nước có thể bùng nổ thành xung đột lớn nhất giữa Trung Quốc và ASEAN chỉ sau Biển Đông. Ví dụ điển hình nhất là cuộc khủng hoảng năm 2016 khi các nước ở hạ lưu đối mặt với hạn hán nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua khiến mùa màng thất bát và gần 2 triệu người thiếu nước. Dù thủ phạm chính là hiện tượng El Nino bất thường, giới môi trường cho rằng Trung Quốc cũng chịu trách nhiệm một phần khi các đập nước của Bắc Kinh góp phần làm khô dòng sông.

Sự nhiệt tình của Trung Quốc cũng không xóa bỏ được lo ngại về ý đồ kiểm soát dòng Mekong của Bắc Kinh. "Sau hơn một thập kỷ ngoại giao lóng ngóng, Bắc Kinh cuối cùng đã biết cách vung cả gậy lẫn củ cà rốt trong khu vực - South China Morning Post dẫn lời nhà nghiên cứu Đông Nam Á Elliot Brennan cảnh báo - Nếu Trung Quốc kiểm soát được sự phát triển ở Mekong, nó sẽ trở thành huyết mạch quan trọng cho sự trỗi dậy và tăng sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở ASEAN".

Nói cách khác, theo chuyên gia Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn, động thái của Bắc Kinh trên Mekong cũng tương tự như ở Biển Đông. "Trung Quốc giải quyết song phương với từng nước khiến các nước không thể đoàn kết. LMC cho thấy Trung Quốc chỉ muốn chơi theo luật của mình" - ông Pongsudhirak nhận định. "Vì vậy, trong hợp tác khu vực Mekong, Trung Quốc là nước hưởng lợi còn phần thiệt sẽ về các nước ASEAN. Các nước ASEAN liên quan không thể quay lưng lại với thực tế địa chính trị và phải thương lượng mạnh mẽ để có được hình thức hợp tác đúng đắn" - ông Brennan nói.

Năm 2018 sẽ diễn ra nhiều hoạt động giữa các nước vùng Mekong như hội nghị các thành viên GMS tại Hà Nội vào ngày 6-3 để bàn về việc phát triển hạ tầng chung nhằm kết nối kinh tế. Tiếp đó là hội nghị về quản lý nguồn nước tại Siem Reap vào ngày 5-4 và hội nghị chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya tại Thái Lan.

Không để Trung Quốc dẫn dắt

Theo giới quan sát, 5 nước Mekong cần tăng cường thúc đẩy các cơ chế hợp tác vì lợi ích của chính mình hơn là chịu sự dẫn dắt của Trung Quốc, đặc biệt là gây sức ép để Trung Quốc và Myanmar tham gia MRC, giúp tổ chức này phát huy hết khả năng quản lý việc sử dụng nguồn nước và các lo ngại về môi trường trên dòng chảy chung.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên