Nông dân Sóc Trăng vệ sinh ao chuẩn bị thả nuôi tôm thẻ chân trắng - Ảnh: K.T.
Sáng 23-2, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị chuyên đề về tín dụng cho nuôi trồng thủy sản. Đây là lần đầu tiên tỉnh này tổ chức một hội nghị chuyên đề để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho ngành nuôi tôm của tỉnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sóc Trăng, năm 2021, toàn tỉnh thả nuôi 53.000ha tôm nước lợ, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 40.000ha, còn lại là tôm sú. Có 5 ngân hàng đã đầu tư cho 10.485 hộ dân vay nuôi tôm với dư nợ trên 1.687 tỉ đồng.
Mặc dù lĩnh vực nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố như chất lượng con giống, tình hình thời tiết, nguồn nước, thị trường nên thời gian qua có nhiều hộ bị thiệt hại…
Thêm vào đó, vốn tự có của các hộ nuôi còn thấp, phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, chưa lường trước được những rủi ro nên khi gặp khó khăn, không có giải pháp để xử lý, từ đó ảnh hưởng đến khả năng khôi phục sản xuất và khả năng trả nợ ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sóc Trăng, trong số 10.485 hộ vay vốn nuôi tôm, có đến 6.173 hộ không có tài sản đảm bảo.
Mặc dù các tổ chức tín dụng đã nhiều lần xem xét khoanh nợ nhưng đến nay vẫn còn hàng ngàn hộ thiếu nợ, đưa tổng nợ xấu của con tôm lên 639 tỉ đồng, chiếm hơn 27% tổng dư nợ cho vay nuôi tôm.
Ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng - cho biết ngành nuôi tôm của Sóc Trăng đóng góp rất lớn nguyên liệu, phục vụ chế biến xuất khẩu của gần 10 nhà máy của tỉnh. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng đạt trên 1 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận