20/02/2014 06:44 GMT+7

Nôn nóng khẳng định bản thân, được hay mất?

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Theo một khảo sát được đưa ra vào cuối tháng 1-2014 (thực hiện bởi mạng việc làm trực tuyến CareerBuilder VN với sự tham gia của 17.120 bạn trẻ là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp ĐH trong vòng ba năm), có tới 43,2% đối tượng được khảo sát muốn thăng chức sau hai năm làm việc, 39,4% sinh viên học lực giỏi muốn thăng chức ngay sau một năm...

esspjFtQ.jpgPhóng to
Tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngay tại nơi làm việc là một trong những cách thức gắn kết nhân viên với doanh nghiệp. Trong ảnh: nhân viên VNG luyện tập tại phòng tập chức năng của công ty - Ảnh: Công Nhật

Cũng trong bảng khảo sát này, chỉ 3,5% lao động quyết tâm bám trụ một công việc đến tuổi 35 và có tới 34,8% dự định sẽ... nhảy việc ba lần trước độ tuổi này!

Khi “nhảy việc” trở thành thói quen

“Tôi không ngạc nhiên trước những con số trên, thậm chí tôi nghĩ tỉ lệ thật còn đáng lo ngại hơn thế” - ông Trần Hùng Thiện (giám đốc Công ty tư vấn GCOMM, nguyên phó tổng giám đốc Nielsen VN) nhận định.

Chỉ mới tốt nghiệp ba năm, bạn Q.Anh (27 tuổi, cựu sinh viên ĐH Mở TP.HCM) cho biết đã thay đổi công việc đến năm lần! “Một nơi thì chán, nơi khác thì thu nhập thấp trong khi lượng công việc quá nhiều, có nơi coi mình chẳng khác gì đứa sai vặt!” - Q.Anh giải thích. Q.Anh cho biết bản thân chưa vừa lòng với công việc hiện tại nên dự định sẽ nhảy việc tiếp khi có cơ hội.

Còn H.Ngọc (25 tuổi, tốt nghiệp loại giỏi ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết lý do thường xuyên nhảy việc vì: “Sau khi ra trường, tôi làm việc lần lượt cho hai công ty và đều gặt hái nhiều thành tích nổi trội nhưng chỉ thấy lương, thưởng tăng... còn sự cất nhắc chẳng thấy sếp nào đề cập. Không muốn giậm chân hoài tại chỗ nên tôi gật đầu ngay khi nhận được lời đề nghị tốt hơn”.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu - giám đốc nhân sự Học viện Yola, người từng tham gia nhiều buổi trò chuyện, giao lưu cùng giới trẻ - cũng đồng ý rằng tình trạng nôn nóng khẳng định bản thân, nhảy việc trong thời gian ngắn là phổ biến ở không ít bạn trẻ.

Định vị sai giá trị bản thân

“Có nhiều lý do để họ làm như vậy: chỉ nhắm đến cái lợi trước mắt, hoặc đôi khi họ hơi thừa tự tin vào bản thân, áp lực từ việc ganh đua với người khác hoặc đơn giản là không nắm vững tính chất công việc nên dễ sinh chán khi đầu quân vào một nơi nào đó...” - ông Hiếu phân tích.

Còn theo bà Nguyễn Liên Khả (giám đốc nhân sự Công ty VNG), các cá nhân trên phần lớn thiếu định hướng lâu dài về mục tiêu nghề nghiệp, số khác xác định sai yếu tố hoặc chưa nhận ra được các giá trị quan trọng nhất khi chọn công việc. “Tôi cũng vài lần gặp những bạn trẻ định vị sai giá trị bản thân và có những đòi hỏi không tương xứng, thường rơi vào hai nhóm: một bên rất giỏi nhưng chưa đủ “chín” để được đặt vào vị trí cao hơn, bên kia là những người không có tài năng nhưng tự tin là họ có” - bà Khả cho biết.

Có thâm niên 16 năm làm trong lĩnh vực nhân sự, bà Nguyễn Tâm Trang (phó chủ tịch - phụ trách nhân sự Unilever VN) nhìn nhận rằng giới trẻ 8X, 9X thiếu kiên trì, thích chứng tỏ bản thân hơn những thế hệ trước. Bà Trang cho biết công ty từng từ chối tuyển dụng nhiều trường hợp có bằng cấp cao nhưng không phù hợp với hướng đi chung của công ty.

Đối với con số 39,4% sinh viên học lực giỏi muốn thăng chức ngay sau một năm làm việc, ông Hiếu cho rằng đây là điều rất đáng lưu ý. “Theo tôi, đối tượng này chính là nhóm có “nguy cơ” nhất. Tôi đã từ chối rất nhiều trường hợp thủ khoa, á khoa để nhận những bạn không giỏi bằng bởi họ có nhiều “điểm cộng” hơn: thái độ khiêm nhường, chịu khó học hỏi, giỏi kỹ năng mềm (điều mà sinh viên giỏi thường thiếu)...” - ông Hiếu nói. Ông cho rằng ngay cả những cá nhân có năng lực thật sự tốt thì thăng tiến trong một năm là điều rất khó xảy ra, bởi theo ông: “Khoảng thời gian này không đủ để lãnh đạo đánh giá trọn vẹn nhân viên”.

Đồng quan điểm, ông Thiện cho rằng giỏi ở trường học khác xa với giỏi trong công việc. “Ít ai chia sẻ với người trẻ về điều này trước khi họ vào đời. Thực tế chứng minh nhiều bạn học giỏi ra đời không thể thành công chỉ vì bị điểm số đỏ huyễn hoặc bản thân, khiến họ ngại va chạm với những góc cạnh khác nhau trong công việc, cuộc sống” - ông Thiện chia sẻ.

Lời khuyên từ người đi trước

“Có thể có nhiều lý do dẫn đến quyết định nhảy việc ở người trẻ nhưng tôi mong các bạn hãy suy nghĩ kỹ hơn trước khi làm điều trên. Dưới góc độ nhà tuyển dụng, tôi sẽ không thích những hồ sơ thường nhảy việc sau sáu tháng đến một năm. Trong thời gian quá ngắn như vậy, các bạn khó có thể tích lũy đủ kinh nghiệm sâu, vững về chuyên môn” - bà Nguyễn Tâm Trang khẳng định.

Bà Trang cho biết để thăng tiến, người trẻ cần hiểu rõ bản thân, kiên trì làm thật tốt công việc hiện tại trong khoảng thời gian nhất định vì đó là cơ sở để lãnh đạo tin rằng họ sẽ đảm nhận tốt vị trí cao hơn trong tương lai. “Phải không ngừng học hỏi và sống có mục đích, biết quan tâm đến người xung quanh cũng như xã hội” - bà Trang nói.

“Công việc càng cao càng cần thời gian nhiều hơn để trải qua năm bước: học việc, tự làm, phát triển, hoàn thiện và hướng dẫn lại công việc. Cơ hội thường chỉ đến với những người kiên nhẫn, chịu khó” - ông Nguyễn Chí Hiếu nói. Ông Hiếu cũng “bật mí”: “Chưa chắc các bạn biết hết những lợi ích và cơ hội lớn của bạn tại công ty. Ví dụ như, chẳng sếp nào lại bảo trực tiếp rằng “bạn ráng làm đi, mai mốt tôi sẽ thăng chức cho bạn” mà phần lớn họ sẽ đánh giá “ngầm” ứng viên xuyên suốt quá trình dài”.

Theo bà Nguyễn Liên Khả, người trẻ cần trung bình 2-3 năm để có thể nắm vững chuyên môn. “Đối với các doanh nghiệp có hệ thống nhân sự tốt, họ đủ khả năng đánh giá chính xác năng lực của bạn. Nếu bạn đòi hỏi vị trí, quyền lợi quá cao so với năng lực, các công ty sẽ từ chối để giảm thiểu rủi ro. Và theo đó, bạn có thể mất đi cơ hội tốt” - bà Khả đúc kết.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên