Khu vực quy hoạch xây dựng sân bay Quảng Trị tại xã Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị) - Ảnh: QUỐC NAM
Thông tin này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận và trên mạng xã hội cùng câu hỏi: một tỉnh như Quảng Trị - cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chỉ chưa đến 100km - thì việc xây dựng sân bay có hợp lý không và con số hơn 8.000 tỉ đồng vốn đầu tư cho sân bay này có quá sức với nhu cầu của một tỉnh nhỏ như Quảng Trị?
Phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh là số 1
Ông Lê Đức Tiến - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho rằng điều may mắn nhất khi triển khai dự án xây dựng sân bay Quảng Trị là quỹ đất. Khu vực dự kiến làm sân bay trên địa phận hai xã Gio Quang và Gio Mai hiện vẫn đang để trống và gần như không phải giải tỏa hay di dời dân cư. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chi tiết. Hiện việc còn lại là lên kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư.
Ông Tiến chia sẻ khi đưa dự án này ra bảo vệ trước Bộ Quốc phòng, đại diện bộ này ban đầu cũng không đồng tình về vị trí giữa hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, cũng theo ông Tiến, sau khi tỉnh đứng ra giải thích lý do về sự cần thiết phải xây dựng sân bay Quảng Trị thì đã nhận được sự ủng hộ.
Lý do quan trọng nhất, theo ông Tiến, đó là việc phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân cả nước. Ông Tiến nói Quảng Trị lâu nay vốn là trung tâm tâm linh. Người dân cả nước có sẵn nhu cầu về Quảng Trị viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các khu di tích hoài niệm như Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc..., nhất là các dịp lễ như 30-4, 27-7, 2-9.
Ngoài ra, Quảng Trị còn là nơi có trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang - một địa chỉ tâm linh lớn của Công giáo. Mỗi năm nơi này đón hàng trăm ngàn lượt người từ khắp cả nước về hành lễ.
"Tổng lượng người đến và lưu trú tại Quảng Trị trong năm 2019 là hơn 2 triệu lượt và con số này tăng lên sau mỗi năm. Nhu cầu đi lại của người dân là có thật và đã được chứng minh bằng những con số" - ông Tiến phân tích.
Ngoài ra, ông Tiến cũng nói việc xây dựng sân bay Quảng Trị sẽ tận dụng được nguồn khách trên hành lang kinh tế Đông - Tây, từ Lào qua đông bắc Thái. Khu vực này không có biển nên nhu cầu về biển sẽ rất lớn.
Nếu giao thông thuận lợi sẽ thay thế được việc đi bằng ôtô khách như lâu nay. Tiết kiệm được thời gian đi lại, Quảng Trị sẽ có thêm thời gian để khách lựa chọn khám phá thêm những tỉnh thành lân cận như Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình.
"Quảng Trị hiện đang phát triển khu kinh tế đông nam thành trung tâm năng lượng. Khu tây Quảng Trị thành trung tâm điện gió. Điều kiện đi lại thuận lợi thì nhà đầu tư sẽ dễ tiếp cận với môi trường đầu tư hơn" - ông Tiến nói.
Hạn chế tối đa dùng vốn ngân sách
Theo tính toán, để xây dựng mới cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Tiến nói đó là chuyện của tương lai lâu dài. Phải đến khi hoàn thiện hai đường băng với công suất 3 triệu lượt khách thì mới có con số đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng.
Ban đầu sân bay này chỉ đầu tư những hạng mục cơ bản như sân bay Đồng Hới với một đường băng thì chỉ mất khoảng 3.000 tỉ đồng.
Ông Tiến nói ngay từ khi lập quy hoạch xây dựng sân bay Quảng Trị, tỉnh này đã chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng theo hình thức PPP (đối tác công tư - cơ quan nhà nước hợp đồng với doanh nghiệp để xây dựng dịch vụ công), hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước. "Cách đầu tư này là phù hợp nhất với một tỉnh nhỏ và còn nhiều khó khăn như Quảng Trị" - ông Tiến nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Chính - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - nói sân bay này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Quảng Trị mà còn phục vụ người dân cả nước. Dựa trên nhu cầu du lịch tâm linh ngày càng cao của người dân và tổng lượng khách đến lưu trú tại Quảng Trị trong năm.
"Tôi cũng có theo dõi thấy nhiều người tỏ ra không đồng tình khi đầu tư cho sân bay này. Nhiều người còn phân tích sự bất cập của việc đầu tư này. Tuy nhiên, không thể nhìn việc đầu tư này ở trạng thái tĩnh. Cũng không thể chỉ nhìn qua con số tổng vốn đầu tư. Ở trạng thái động thì nó hiệu quả hơn nhiều. Vốn đầu tư chủ yếu sẽ huy động từ các doanh nghiệp" - ông Chính nói.
Theo quy hoạch, cảng hàng không Quảng Trị cách TP Đông Hà 7km về phía bắc; là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự trên diện tích 594ha.
Theo đề xuất, cảng hàng không Quảng Trị có 1 đường cất hạ cánh kích thước 2.400 x 45m, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác máy bay A320/321 và tương đương. Nhà ga hành khách tại khu vực phía nam sân đỗ máy bay, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000m2, công suất 1 triệu hành khách/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận