Phóng to |
“Mấy năm trước những ngày cận tết công ty nhiều việc, tụi tôi tăng ca suốt, phải đến 28, 29 tết mới được nghỉ về quê. Tuy cực mà vui. Năm nay làm một ngày nghỉ đến ba bốn ngày, đồng lương vì thế bị còm cõi theo số ngày nghỉ, tiền thưởng cũng không nghe nói gì. Thôi xin nghỉ về quê ăn tết sớm. Qua năm còn lo tìm kế sinh nhai mới...”, anh Nguyễn Văn Bắc (công nhân Công ty Tuấn Phát, khu ngã tư An Sương, quận 12, TP.HCM) thổ lộ như vậy khi đứng đón xe về Quảng Bình tại bến xe “dù” gần ngã tư Bình Phước.
Người đi, kẻ ở
Đứng đón xe gần đó, anh Bùi Khắc Hiếu - công nhân Công ty may An Ninh, Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình, TP.HCM - nắm chặt tay vợ dặn tới dặn lui: “Về đến làng nhớ điện thoại báo tin anh biết nhé!”. Chị Cát, vợ anh, mắt đỏ hoe, khẽ gật đầu, những giọt nước mắt ngắn dài lăn trên khuôn mặt khắc khổ, già trước tuổi.
Anh Hiếu tâm sự: “Tôi tiễn mẹ con cháu về quê sống với ngoại luôn. Năm nay công ty đã thông báo sẽ cắt giảm nhân công. Vợ tôi trước làm công nhân giờ cũng đã thất nghiệp rồi. Qua tết không biết tôi có nằm trong danh sách những công nhân sẽ bị mất việc hay không”. “Chỉ còn năm phút nữa là xe lăn bánh...”, người lơ xe bắt đầu thúc. Chị Cát vội xách giỏ cói bên trong đựng lèo tèo vài bộ đồ cũ của con trai, ôm con lên xe mà bật khóc nức nở thành tiếng. Anh chồng cố an ủi vợ con lần cuối: “Cuối năm nếu lĩnh được lương, thưởng anh sẽ gửi thêm tiền về. Nhớ mua cho con bộ đồ mới mặc tết nha”.
Tại một nơi khác, đứng ngay đầu mũi xe khách, hai chị em Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Thị Phương - công nhân Công ty Kung Kook, KCN Sóng Thần, Bình Dương - bịn rịn nhau như không muốn rời. Lúc chiều, người chị Nguyễn Thị Hà xin nghỉ làm, chạy ra chợ mua ký gạo, mấy con mắm và bó rau xanh về làm bữa cơm chia tay với người em Nguyễn Thị Phương. Trong mâm cơm đạm bạc ấy có hai chị em và ba người bạn làm cùng công ty. Tất cả đều lặng lẽ, lâu lâu lại có người gắng gượng nói, cười... Nhưng rồi tất cả cùng òa khóc nức nở khi Phương vừa khóc vừa nói: “Mọi người ở lại cố gắng nhé, em về trước đây. Không biết có còn gặp lại nhau nữa không...”.
Tết này, do quá khó khăn người chị đành chấp nhận ở lại để dành tiền xe cho người em về quê, mặc dù đã hai cái tết rồi cô chị không được về nhà. Buổi chia tay ở bến xe chỉ có hai chị em Hà. Người chị kéo người em vào một góc đường rồi dúi vào tay em một ít tiền. “Em không lấy tiền của chị đâu, em về quê đói khát cũng có cha, có mẹ”, cô em vừa dứt lời thì cả hai chị em òa khóc. Chị em Hà đã rời quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh vào TP làm công nhân được gần bốn năm. Chuyến về quê này của người em dường như không có ngày trở lại TP.HCM.
Nỗi niềm ngày về
Đứng nép mình bên góc đường chờ xe, cô gái trẻ Phan Thị Hường (19 tuổi, công nhân Công ty may mặc Hàn Việt, quận Gò Vấp) đầy tâm trạng. Suốt hai tháng nay, Hường lây lất sống chỉ với 500.000 đồng tiền lương mà công ty tạm trả. Mấy ngày gần đây, không thể chịu được cảnh sáng nhịn đói, trưa ăn mì gói, tối cũng lại mì gói để chờ ngày công ty trả lương nợ, Hường đành đón xe về quê ăn tết sớm. “Giờ không về quê, ở đây làm cũng không nổi vì ăn uống kham khổ, không đủ sức khỏe. Về nhà dù sao cũng có cha mẹ, đói còn có cái mà nhét vào bụng”, Hường bảo vậy.
Trước khi về quê, Hường quyết định chạy đi vay nóng bạn bè được 300.000 đồng, đủ để bắt xe về Hà Tĩnh. Chiều trước ngày về, cô ngồi ở góc phòng gọi điện cho mẹ và khóc nức nở: “Mẹ ơi! Tết này con về quê mà không mua được gì cho mẹ cả. Tháng này công ty con không trả lương, còn tháng trước cũng chỉ mới trả có một nửa thôi. Thế là con không mua được chiếc áo ấm cho mẹ rồi...”.
Trên chuyến xe Hường về còn có người anh trai của Hường là Phan Đình Mạnh và một cậu bạn người cùng quê cũng cùng cảnh ngộ như cô. Cả ba thất thểu lên xe với hành lý chỉ là ba chiếc balô cũ kỹ. “Em quyết định về sớm, đi sau ngày 20 tết giá tàu xe tăng lên cao lắm, mà ở lại làm thì chẳng biết công ty có trả tiền cho mình hay không”, Nguyễn Văn Tâm (công nhân Công ty Hàn Việt) đi cùng với Hường nói.
Ra bến đón xe “dù”, gia đình anh Trần Hoàng An và chị Bùi Thị Xuân Thảo (công nhân của một xưởng may nón thuộc Công ty TNHH Pou Yuen, KCN Tân Tạo) quyết định về quê sớm để tiết kiệm chi phí trong giai đoạn công việc, cuộc sống quá khó khăn. Ngày tết cận kề mà hai vợ chồng chẳng dư được đồng nào. Tính tới bàn lui, anh chị quyết định về quê sớm hơn mọi năm, vì thời điểm này giá vé xe còn rẻ hơn so với những ngày tết, tiết kiệm được thêm vài trăm ngàn đồng để mua vài phong kẹo lạc, bánh mứt biếu ông bà.
Anh An chỉ vào balô đeo trên vai nói: “Đây là túi đồ nghề sửa xe gắn máy tôi mới gom góp sắm vào tuần trước. Chuyến này về quê tôi sẽ không vào Sài Gòn nữa mà mở một tiệm sửa xe gắn máy. Hi vọng có thể kiếm đủ tiền nuôi vợ con”. Còn chị Thảo lo lắng: “Ăn cái tết này xong là thời gian nghỉ thai sản của tôi hết hạn, chẳng biết công ty có nhận tôi trở lại làm việc hay không. Mấy người bạn cùng công ty cho biết hiện nay công ty đang gặp khó khăn và nghe đâu sẽ có rất nhiều công nhân bị sa thải. Về quê ăn tết, người ta vui còn mình thì cứ phập phồng lo lắng”.
Phóng to |
Công nhân các tỉnh miền Trung chờ đón xe về quê ăn tết (ảnh chụp trên quốc lộ 1A đoạn xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương sáng 11-1) - Ảnh: N.C.T. |
Mấy ngày qua, dù trời lạnh nhưng nhiều công nhân vẫn mang hành lý đón xe về quê từ sáng sớm. Dọc quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt Bình Phước kéo dài đến ngã ba Tân Vạn (giáp cầu Đồng Nai), công nhân xếp thành hàng dài đón xe về quê. Tài xế Nguyễn Văn Hùng, chạy tuyến Sài Gòn - Nghệ An, cho hay: “Hằng năm phải ngoài 20 âm lịch mới có công nhân về quê ăn tết nhưng năm nay giờ này đã đông khách”.
Về quê tìm việc khác
Tại cầu vượt Sóng Thần, điểm nóng đón xe về quê của công nhân các khu công nghiệp (KCN) như Sóng Thần, Bình Đường, Đồng An (Bình Dương), KCN Bình Chiểu, KCX Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM) cũng trở nên tấp nập hơn. Từ 5g sáng, hàng loạt xe “dù” từ các con hẻm nhỏ thuộc phường Bình Chiểu, phường Linh Trung, Thủ Đức đã ùa ra đường, đua nhau tăng tốc đón khách. Việc chèo kéo khách khiến giao thông khu vực này hết sức lộn xộn.
Đứng dưới chân cầu vượt Sóng Thần, chị Nguyễn Thị Lý, công nhân Công ty JS, và hai đồng nghiệp quê ở Quảng Bình cho hay: “Đã trả lại phòng trọ luôn rồi anh ạ! Bọn tôi quyết định về quê. Đã hơn bốn năm khoác áo xanh làm công nhân giờ phải về lại quê tìm kế sinh nhai cũng buồn lắm, nhưng ở lại công việc không ổn định, không đủ tiền lo cho cuộc sống”.
Ngồi buồn bã trước cổng KCX Linh Trung, chị Phan Thị Lài (công nhân Công ty TL, quê ở Hà Giang) tâm sự: “Năm trước công ty tăng ca liên tục, làm vàng mắt không hết hàng nhưng năm nay thì ăn không ngồi rồi, nằm dài ở nhà trọ. Thôi thì đành quyết định về quê phụ giúp mẹ làm đồng, ra tết tính sau”.
Công nhân về quê rất đông đã khiến hàng loạt nhà trọ trống vắng. Bác Phan Thanh Liên (ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) lo lắng: “Chưa năm nào như năm nay công nhân đua nhau về quê sớm. Nhiều công nhân cho biết về quê để tìm việc làm, đồng lương ít hơn tí cũng được nhưng ở gần gia đình”. Anh Hồ Văn Út (chủ 85 phòng trọ ở thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương) lắc đầu: “Mấy ngày qua công nhân liên tiếp trả phòng về quê. Đến nay đã có 31/85 phòng trống, thất thu gần 11 triệu đồng/tháng”.
Bám trụ với tết đạm bạc...
“Cứ như ri chắc sẽ về luôn anh ạ! Cha mẹ ở quê cũng đã già yếu. Gần 10 năm làm công nhân tôi tích góp được chút vốn. Thôi thì về quê mở một tiệm may nhỏ ở xóm kiếm sống”, chị Nguyễn Thị Thơi (quê ở Nghệ An, công nhân Công ty Việt Long, Bình Dương) nói buồn buồn. Còn anh Trần Văn Hải (quê An Giang) thì: “Chẳng biết ra tết có lên lại hay không vì làm công nhân bây giờ vất vả quá”.
“Mày về đừng nói trong này khó khăn với cha mẹ tao, cứ nói công việc vẫn ổn định nha. Tết năm sau tao sẽ về...” - Nguyễn Thị Hồng, công nhân Công ty Thông Dụng, dặn bạn trước lúc lên xe. Bên cạnh những công nhân quyết định về quê vẫn còn hàng ngàn công nhân gắng bám trụ lại các nhà trọ để đón một cái tết nghèo, đạm bạc. Anh Trần Văn Nam (công nhân Công ty Cheng Neng) hi vọng: “Tôi nghĩ các công ty sẽ vượt qua được khó khăn và công việc trở lại như xưa. Bây giờ có về quê cũng không biết làm gì, làm ruộng thì không có đất, buôn bán không có vốn...”.
Chỉ tính riêng tại Bình Dương, đến nay đã có 26 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động hoặc giảm thời gian làm việc. Số lao động bị cắt giảm lên đến hàng ngàn công nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận