Tuy nhiên, ít ai biết rằng vích chỉ có 1/1.000 cơ hội sống sót đến tuổi trưởng thành.
Thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho thấy, trong vòng 5 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 150.000 cá thể vích non được ấp nở, trở về đại dương.
Theo tỷ lệ trên, số lượng vích có thể sống đến tuổi trưởng thành chỉ còn khoảng 150 cá thể mỗi năm. Chưa kể, phải mất 15 đến 30 năm, một cá thể vích mới có thể sinh đẻ.
Thông tin từ ENV cũng cho biết, trong 60 năm qua, quần thể vích ở Việt Nam đã giảm tới 75%. Mỗi năm, hàng ngàn quả trứng vích và cá thể vích đã bị người dân khai thác để tiêu thụ và bán cho khách du lịch như một món ăn đặc sản.
Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2014, các loài rùa biển, trong đó có vích đã được đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Chính phủ.
Theo đó, các hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm (trứng), bộ phận rùa biển (thịt) phải bị xử lý hình sự bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.
"Mặc dù vậy, cho đến nay, phần lớn các vi phạm liên quan đến rùa biển cũng mới chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tịch thu tang vật", đại diện ENV thông tin.
Để Côn Đảo luôn là một điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch, cũng như duy trì sự phát triển kinh tế nơi đây, ENV kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ Côn Đảo, bảo vệ vích - "Thiên đường rùa biển" lớn nhất của Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận