Xe
05/06/2024 17:10 GMT+7

Nơi duy nhất trên thế giới đặt đèn giao thông xanh, vàng, đỏ

Câu chuyện kỳ lạ về những cột đèn giao thông bị đảo ngược tại một khu phố ở Mỹ đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Sự đảo ngược đèn giao thông bắt nguồn từ lòng tự tôn dân tộc của những người Ireland nhập cư, và đã tạo nên một nét độc đáo cho văn hóa giao thông của địa phương này - Ảnh: Jalopnik

Sự đảo ngược đèn giao thông bắt nguồn từ lòng tự tôn dân tộc của những người Ireland nhập cư, và đã tạo nên một nét độc đáo cho văn hóa giao thông của địa phương này - Ảnh: Jalopnik

Tipperary Hill là một khu phố thuộc thành phố Syracuse, New York (Mỹ). Vào thế kỷ 19 và 20, nơi đây là điểm đến của rất nhiều người Ireland nhập cư.

Đó cũng là khoảng thời gian đèn giao thông bắt đầu phổ biến trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới. Chiếc đèn giao thông đầu tiên được dựng lên ở góc phố Tompkins và đại lộ Milton vào năm 1925. Đèn có ba màu đỏ, vàng, xanh, được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới giống hệt nguyên mẫu ở New York ra mắt năm 1918. 

Ở Việt Nam, đèn cũng được bố trí theo thứ tự từ trên xuống là đỏ - vàng - xanh.

Tuy nhiên, việc đặt đèn đỏ phía trên cùng lại khiến cư dân Ireland ở Tipperary Hill vô cùng phẫn nộ.

Theo trang Irish Central của Ireland, một số thanh niên người Ireland, được biết đến với biệt danh là "những kẻ ném đá", đã phản đối việc đèn màu đỏ xếp trên đèn màu xanh. Đó là bởi họ cho rằng đèn đỏ đại diện cho người Anh, còn màu xanh đại diện cho người Ireland.

Vì vậy, những người này đã ném đá vào các bóng đèn đỏ, tạo nên một lễ hội được gọi là "Irish confetti", một từ tiếng lóng chỉ những viên gạch, đá dùng để ném nhau trong các cuộc chiến.

Nhóm thanh niên này bao gồm John "Jacko" Behan, Richard "Richie" Britt, James M. "Duke" Coffey, Kenneth "Kenny" Davis, George Dorsey, Gerald "Mikis" Murphy, Francis "Stubbs" Shortt và Eugene Thompson. Một cựu cảnh sát trưởng hạt Onondaga, Patrick "Packy" Corbett cũng bị coi là một trong những "kẻ ném đá", song ông chưa bao giờ thừa nhận hành vi điều đó.

Để chấm dứt lễ hội ném đá, chính quyền địa phương đã cho đảo ngược đèn giao thông. Giải pháp này ban đầu có hiệu quả. Nhưng các nhà lập pháp New York lại phản đối vì lo ngại có thể gây nhầm lẫn cho những người lái xe bị mù màu. Đèn giao thông lại được treo theo đúng chuẩn cũ với màu đỏ ở trên cùng.

Không lâu sau đó, đèn đỏ tiếp tục bị đập vỡ. Người dân địa phương cảnh báo rằng chừng nào đèn đỏ còn ở trên cùng, họ sẽ còn tiếp tục phá hoại.

Cuối cùng, năm 1928, chính quyền thành phố đã nhượng bộ và cho phép Tipperary Hill giữ nguyên những cột đèn giao thông ngược đời.

Cho đến nay, Tipperary Hill vẫn là nơi duy nhất ở Mỹ có đèn giao thông mà đèn màu xanh nằm trên đèn màu đỏ. Câu chuyện về những cột đèn giao thông ở Tipperary Hill đã trở thành một minh chứng thú vị cho thấy văn hóa và lịch sử có thể ảnh hưởng đến cả những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày như thế nào.

Rộ nạn phá đèn giao thông bán phế liệu, Mỹ phải dùng biển báo thay thếRộ nạn phá đèn giao thông bán phế liệu, Mỹ phải dùng biển báo thay thế

Trộm cắp đồng bán phế liệu đang lan rộng khắp nước Mỹ, ảnh hưởng không chỉ đến cơ sở hạ tầng giao thông công cộng mà còn tới cả hệ thống sạc xe điện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên