16/04/2016 07:56 GMT+7

Nỗi đau quặn lòng đổ xuống những ngôi làng nghèo bên sông Trà

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Chiều 15-4, đoạn sông Trà Khúc qua thôn Thanh Khiết, thi thể chín cậu bé được đưa lên bờ trong tiếng khóc xé lòng của những người dân trong xóm. Tất cả như chết lặng trước mất mát quá lớn.

 

Người nhái lặn tìm thi thể các học sinh - Ảnh: Trần Mai
Thợ lặn xuống nước tìm thi thể các học sinh - Ảnh: Trần Mai

Xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đang trải qua một ngày đại tang. Chín cậu bé chỉ mới tròn 12 tuổi cùng lúc chết đuối ở một hục nước dưới sông Trà.

Nỗi đau đổ dồn xuống những ngôi làng nhỏ nghèo khó. Những lá cờ tang kéo lên phủ khắp ngôi làng ngay trong đêm.

Buổi trưa định mệnh

Theo những nhân chứng, vào đầu giờ chiều 15-4, chín học sinh nam và hai học sinh nữ rủ nhau đi ra bờ sông chơi. Khi đến khu vực bờ sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết (xã Nghĩa Hà), chín học sinh nam gồm Trần Tiến Phát, Trịnh Hữu Nhân, Lê Văn Đô, Võ Thành Chung, Lê Phú Quý, Phạm Su Sum, Phạm Văn Thành, Cao Ngọc Vũ, Nguyễn Minh Hoàng (cùng sinh năm 2004) rủ nhau xuống tắm.

Hai em học sinh Nguyễn Thị Thanh Ngân và Phạm Thị Ngọc Linh (lớp 6B Trường THCS Nghĩa Hà) chứng kiến sự việc cho biết nhóm học sinh này đến trường sớm.

Chưa tới giờ tổng duyệt Đội thì rủ nhau đi ra bờ sông hái dưa. Nhưng khi đến nơi thì chín nam học sinh rủ nhau xuống tắm, sau đó thấy bạn nọ kéo bạn kia thì cứ nghĩ rằng đang đùa, không nghĩ là chết đuối.

“Một lúc sau thì hai đứa em quay lại hỏi Phượng và Nga các bạn nam đâu thì hai bạn này bảo đang lặn ở dưới đó. Khi quay lại chỗ các bạn tắm tụi em hoảng quá kêu một chú câu cá ở tít xa đến cứu. Chú này đến vớt được một bạn lên, rồi chú hoảng quá vừa la vừa chạy mất. Sau đó nhiều cô chú bên cồn chạy đến cứu” - Ngân nói.

Cũng theo Ngân, đây là lần thứ ba thấy nhóm học sinh này ra khu vực trên tắm sông.

Cô Phạm Thị Thùy Ngân, giáo viên chủ nhiệm lớp 6B Trường THCS Nghĩa Hà, tay chân bủn rủn cầm cuốn sổ chủ nhiệm đọc tên từng học sinh chết đuối.

Cô Ngân nghẹn ngào cho biết: “Hôm qua trường tổ chức cho các em học sinh học bù để hôm nay tổ chức lễ công tác tổng duyệt Đội chuẩn bị cho ngày lễ. Tôi đã căn dặn các em là 3g chiều có mặt tại trường nhưng không ngờ các em lại đi sớm, rồi rủ nhau ra sông tắm nên mới xảy ra sự việc” - cô Ngân khóc nghẹn.

Ông Nguyễn Tấn Thái (ngụ xã Nghĩa Hà), người đã lặn xuống vớt sáu em học sinh, cho biết khi nghe tiếng la làng, ông Thái lập tức chạy ra khu vực các em đuối nước nhưng chỉ thấy giày dép và thi thể một em được kéo lên rồi.

Biết có chuyện chẳng lành nên ông lao xuống tìm các em và bắt gặp cả một tốp gồm sáu em nằm co cụm lại với nhau. “Lần lượt tôi vớt được cả sáu em nhưng tất cả đã chết” - ông Thái nói.

Sau khi vớt được sáu em lên bờ, người dân xung quanh tổ chức tìm kiếm thêm và vớt được hai em nữa, nằm rải rác cách sáu em kia khoảng 2-3m.

Trong đó có em Lê Phú Quý sau khi đưa lên bờ vẫn còn thở thoi thóp. Lập tức người dân xung quanh hô hấp nhân tạo, gọi xe cấp cứu nhưng trên đường tới bệnh viện, em Quý đã tử vong.

Người dân cho biết khu vực các cháu tắm bình thường nước rất cạn, chỉ ngang đùi. Nhưng cạnh đó có một hố sâu khoảng 3m vừa được xe múc lấy cát lên làm đường tạm ra cồn dưa giữa sông. “Tất cả các cháu bị chết đều lọt trong hố này” - một người dân nói.

Người thân đau đớn tột cùng trước cái chết của con 
em mình              - Ảnh: Trần Mai
Người thân đau đớn tột cùng trước cái chết của con em mình - Ảnh: Trần Mai

Đám tang chỉ có hàng xóm, người thân

Nghĩa Hà là một xã nghèo thuần nông, ngày bình thường chỉ có người già và trẻ em là phần nhiều. Người đang ở tuổi lao động thì đi tha phương làm thuê ở các tỉnh phía Nam.

Trong số chín em vừa tử nạn thì gần như tất cả đều không có bố mẹ bên cạnh. Ngày thường ở cùng ông bà nội, ngoại. Tối 15-4, khi thi thể chín học sinh được đưa về nhà, hàng xóm cùng chung tay lo hậu sự trong lúc chờ ba mẹ các em trở về.

Cả xã rục rịch trong đêm. Người đi xe máy, người đi bộ, đổ dồn về phía những ngôi nhà có tiếng khóc ai oán vang lên. Những đôi mắt đỏ hoe lo dựng trại, mua quan tài đem về nhà.

Lần đầu tiên xã Nghĩa Hà cùng lúc đón đại tang khi có đến chín người chết, cờ, mão không đủ nên phải chia nhau mỗi gia đình một ít và chạy vạy qua các xã bên mượn cờ, trống đám tang.

Ở thôn Hổ Tiểu (xã Tịnh Hà) có hai học sinh chết đuối thì cả hai đang ở cùng ông bà, cha mẹ hiện đang đi làm ăn xa. Bà Nguyễn Thị Mỹ (65 tuổi), bà nội của em Cao Ngọc Vũ, ngồi khóc ngất bên thi thể cháu. Khi nghe tin cháu tử vong bà gần như rụng rời.

“Ba mẹ thằng Lượm (tên gọi ở nhà của Vũ) đi làm cà phê ở Đắk Lắk, một tay tôi chăm từ nhỏ. Ba mẹ nó mới mua cho cái xe đạp thì xảy ra cớ sự này. Lượm ơi, dậy đi cháu, dậy đi...” - bà Mỹ gào khóc.

Cách nhà bà Mỹ không xa, hàng xóm đang lo đám tang cho em Phạm Su Sum, ba mẹ cậu bé cũng đi làm thuê tại TP.HCM chưa kịp về. Mọi việc lo đám tang, khâm liệm hiện vẫn dựa vào những người hàng xóm tốt bụng.

Hoàn cảnh bi đát nhất là em Trịnh Hữu Nhân (thôn Hội An), ba mẹ đi làm thuê ở TP.HCM từ khi em còn nhỏ để em và chị gái ở cùng bà nội bị bệnh đãng trí.

Bà Nguyễn Thị Hoa (70 tuổi, bà nội Nhân) lúc nhớ lúc quên cứ lững thững khắp nhà khiến ai nấy đều nghẹn ngào.

Có lúc tỉnh táo, bà vội vào ôm lấy cái chân giường khóc nghẹn: “Nhân ơi, sao không nghe bà, bà nói rồi mà sao cháu không nghe. Ai lấy cái mền đắp cho cháu tôi với, chắc giờ nó lạnh lắm đó”.

Hai em học sinh Nguyễn Minh Hoàng và Võ Thành Chung thì có mẹ ở nhà, còn ba đi làm ăn xa. Trong căn nhà ọp ẹp, mẹ em Hoàng ngồi co lại khóc nức nở chờ chồng trở về.

Bà liên tục gọi tên con, gào thét trong đau đớn. Nhìn cảnh trên, ông Nguyễn Hội (85 tuổi, ông nội em Hoàng) sụt sùi nói không nên lời. “Đau quá cháu ơi. Sao ông trời lại để kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh thế này” - ông Hội nức nở.

Ghé qua nhà Chung, người trong xóm kể vì nghèo khó, lúc nhỏ Chung ở với bà ngoại, gần một năm nay mẹ Chung là chị Cô Thị Minh Hằng về nhà bán bánh mì để được ở gần con.

Trong khi chồng chị là anh Võ Văn Giàu đang làm công nhân ở Đồng Nai. Chị Hằng không nói được lời nào, cứ ngồi bên thi thể con mặc cho những người hàng xóm cố vỗ về an ủi.

“Từ khi đưa thi thể con về, chị Hằng ngất mấy lần rồi. May mà trong xóm có chị y tá túc trực thuốc thang cho” - chị Vy, hàng xóm, nói.

Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, đã 21g30 mà những ông lão, bà lão ở xã Tịnh Hà vẫn đang phải chung tay lo đám tang cho những đứa bé ăn chưa no lo chưa tới. Nỗi buồn trải dài khắp xã...

Tối 15-4, đại diện báo Tuổi Trẻ tại Quảng Ngãi đã đến thăm hỏi, động viên và trao số tiền 45 triệu đồng để chia sẻ với những mất mát của gia đình các em học sinh vừa tử nạn. Người thân của các em đã gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm của bạn đọc báo Tuổi Trẻ trước nỗi đau quá lớn của gia đình.

Có mặt tại hiện trường sau khi vụ việc xảy ra, ông Trần Ngọc Căng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết đây là vụ đuối nước nghiêm trọng nhất xảy ra ở Quảng Ngãi từ trước tới nay.

“Chúng tôi gửi lời chia buồn đến gia đình các học sinh. Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ khẩn cấp mỗi gia đình 5 triệu đồng để lo chi phí mai táng. Ngoài ra, quỹ hỗ trợ trẻ em, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi... cũng đã hỗ trợ gia đình các học sinh với tổng số tiền gần 20 triệu đồng/em” - ông Căng cho biết.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên