Tăng giá xăng dầu và tỉ giá làm tăng chi phí đầu vào của tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo sức ép lên giá. Chúng ta không còn lo lạm phát cao nhưng vẫn phải dè chừng với lạm phát, vì vậy cần tránh để xảy ra dồn dập tăng chi phí đầu vào.
Nhưng nhìn lại, việc tăng giá xăng dầu nằm trong kế hoạch vì đã đến kỳ xem xét lại mức giá, nhưng do rơi vào dịp nghỉ lễ nên cơ quan điều hành phải dời lại. Có lấn cấn là giá tăng mạnh, Bộ Tài chính nói không liên quan đến tăng phí môi trường nhưng người tiêu dùng không đồng tình với giải thích này. Gây bất ngờ lớn đó là tăng tỉ giá thêm 1% trong khi năm 2015 được xác định chỉ tăng 2%, nhưng mới hơn bốn tháng Ngân hàng Nhà nước đã xài hết “hạn ngạch” này.
Lần tăng tỉ giá này nằm trong “hạn ngạch” nhưng các chuyên gia cho rằng cần rút ra bài học, đó là “nói cứng chưa hẳn đã hay”. Còn muốn “nói cứng” thì phải dự báo đúng và làm chủ được các tình huống để không rơi vào thế bị động.
Tại sao như vậy? Trong điều hành tỉ giá người ta thường nói về hai trường phái: thả theo thị trường và neo cột. Với thị trường luôn nhạy cảm với tỉ giá như Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã chọn trường phái neo tỉ giá và cho biến động trong biên độ. Để thể hiện quyết tâm “ổn định giá trị VND”, nơi này còn công bố biến động tỉ giá trong năm 2015 không quá 2%.
Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Kinh tế Việt Nam đã hòa nhập nên chúng ta không thể yên tâm chỉ lo ổn định VND mà bỏ qua tác động từ bên ngoài. Nhiều nước đã giảm giá đồng tiền để khuyến khích xuất khẩu khiến hàng Việt Nam giảm tính cạnh tranh về giá, lo ngại nhất là xuất khẩu nông thủy sản chựng lại. Ngược lại ở trong nước, nhà nhập khẩu đã yên tâm tỉ giá tăng không quá 2%, họ mạnh tay kinh doanh với nhiều đơn hàng nhập khẩu, hậu quả là từ chỗ xuất siêu, có dư chút ít ngoại tệ, Việt Nam trở lại nhập siêu, hiện đã trên 3 tỉ USD. Khi thị trường không thuận lợi, có nhiều đề xuất nên giảm giá VND. Và VND đã giảm thêm 1%, nhưng lần tăng tỉ giá vừa rồi không còn chủ động như trước do chưa lường hết các biến động của thị trường.
Đã có nhiều thay đổi như chúng ta chấp nhận không tăng trưởng nóng, giảm chi tiêu công, kiểm soát vốn cho vay..., qua đó giảm nhu cầu về ngoại tệ, cộng với yếu tố nhờ xuất khẩu của các nhà đầu tư nước ngoài lớn mới có được nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào hơn trước, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung cho mục tiêu “VND mạnh”, xem nhẹ các vấn đề khác. VND mạnh sẽ lặp lại tình trạng nhập siêu từng gây bất ổn cho nền kinh tế. Nông dân và nhà chế biến cần được hỗ trợ, trong đó có tỉ giá, để đẩy mạnh xuất khẩu. Do vậy, cần những giải pháp điều hành mới, chủ động và linh hoạt hơn để đáp ứng hài hòa quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận