29/07/2017 15:41 GMT+7

Nội các Nhật đang lao đao

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Việc Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, nhân vật đầy tiềm năng cho chiếc ghế thủ tướng, từ chức đang phủ thêm lớp mây đen lên chính trường Nhật Bản.

Bà Inada bên cạnh Thủ tướng Abe - Ảnh: Reuters
Bà Inada bên cạnh Thủ tướng Abe - Ảnh: Reuters

Bà Inada chính thức đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 28-7, tạm kết thúc những chỉ trích xung quanh vụ bê bối che đậy thông tin của lính Nhật tại Nam Sudan thời gian qua.

Hiện Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ điều hành Bộ Quốc phòng cho đến khi người mới được bổ nhiệm.

Tôi hiểu rất rõ trách nhiệm của mình trên tư cách bộ trưởng quốc phòng trong việc giám sát Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ (SDF). Tôi muốn trả lại một tháng lương và quyết định từ chức bộ trưởng quốc phòng

Bà TOMOMI INADA

Dang dở sự nghiệp

Sinh năm 1959, bà Inada đang ở giai đoạn thành công trong sự nghiệp chính trị. Nữ luật sư và chính trị gia này là người phụ nữ thứ hai tại Nhật Bản được giữ chức bộ trưởng quốc phòng sau trường hợp của bà Yuriko Koike (năm 2007).

Với uy tín đang lên, bà Inada được xem là ngôi sao của chính trường Nhật Bản và tiềm năng trở thành người phụ nữ đầu tiên làm thủ tướng.

Tuy nhiên, viễn cảnh ấy gần như chắc chắn chấm dứt sau vụ lùm xùm nêu trên. Dù bác bỏ cáo buộc về vai trò của mình, quyết định từ chức của bà Inada diễn ra cùng ngày với việc Bộ Quốc phòng công bố kết quả cuộc điều tra vào nghi án che đậy thông tin ở Nam Sudan.

Bên cạnh đó, Hãng thông tấn Kyodo cũng cho biết quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Tetsuro Kuroe và tổng tham mưu trưởng Toshiya Okabe của Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF) quyết định từ chức.

Suốt thời gian qua, bà Inada là trung tâm chỉ trích với cáo buộc cố tình ém thông tin tại Nam Sudan, nơi binh lính Nhật Bản làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cho Liên Hiệp Quốc.

Theo luật, Nhật Bản chỉ có thể đưa quân đội ra nước ngoài khi có lệnh ngừng bắn, nhưng chiến sự Nam Sudan diễn ra khốc liệt.

Chuộc lại niềm tin

Hãng Kyodo ngày 28-7 nhận định rằng bà Inada, người thân cận với ông Abe trong nội các, thực chất bị đồn đoán sẽ thôi chức trong cuộc cải tổ của chính quyền vào tuần tới.

Rõ ràng trong bối cảnh nội các của Thủ tướng Abe đang gặp vô vàn rắc rối, câu chuyện Nam Sudan chỉ là giọt nước tràn ly về vấn đề niềm tin.

Ngay trước cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo ngày 27-6, bà Inada đã “vạ miệng” nghiêm trọng, làm mất uy tín của chính quyền khi công khai ủng hộ một ứng viên của đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP).

Nữ bộ trưởng khi ấy lấy tư cách “đại diện cho Bộ Quốc phòng” kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng viên này. Đây bị xem là sự vi phạm đối với quy tắc trung lập về chính trị của Bộ Quốc phòng, và càng khiến người khác nghi ngờ yếu tố “người nhà” của đảng cầm quyền.

Thực tế, giới quan sát đổ lỗi cho bà Inada trong việc LDP thất bại trước đảng mới Tomin First no Kai ở Tokyo vừa qua.

Sự việc trầm trọng hơn sau khi chính Thủ tướng Abe cũng dính bê bối ưu ái cho phép Viện Kake Gakuen của người bạn thân Korato mua được khu đất với giá rẻ, theo Reuters.

Hiện nay, các cuộc khảo sát của báo chí Nhật cũng như quốc tế đều cho thấy tỉ lệ ủng hộ đảng cầm quyền LDP xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 25-35%.

Những vụ lùm xùm liên tục khiến chính quyền ông Abe phải hành động để lấy lại hình ảnh.

Theo Kyodo, ông Abe có thể sẽ chọn người “có thể xây dựng mối quan hệ tin tưởng với SDF” để thay bà Inada, mà cụ thể đáp án an toàn nhất là ông Itsunori Onodera hoặc chính cựu bộ trưởng quốc phòng Gen Nakatani.

6 bộ trưởng từ chức

Từ nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của ông Abe vào tháng 12-2012 đến nay, đã có 6 bộ trưởng phải từ chức. Mới nhất hồi tháng 4-2017, bộ trưởng phụ trách tái thiết Masahiro Imamura phải thôi chức vì nhận xét phản cảm về thảm họa động đất - sóng thần năm 2011.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên