Bi hài chuyện khai ấnKhi mê tín được gắn dấu quốc giaThảm hại lễ hộiLễ hội: văn hóa hay cuồng tín?
Phóng to |
Đốt và sử dụng vàng mã gây lãng phí ở nhiều nơi nhưng cơ quan quản lý cũng cảm thấy lúng túng. Trong ảnh: khách thập phương cúng vàng mã ở đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh đầu năm 2011- Ảnh: TIẾN THÀNH |
Cũng là điều hiếm gặp khi báo cáo của Bộ VH-TT&DL dành hẳn một phần lớn để đánh giá những bất cập tồn tại trong quản lý nhà nước và tổ chức lễ hội. Chen lấn, xô đẩy, xâm hại di tích, buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan, đặt hòm công đức tùy tiện... là một phần của bộ mặt lễ hội trong năm qua.
Lộn xộn, bát nháo
Những lễ hội gây nhiều phản cảm và bức xúc dư luận nhất được điểm tên vẫn thuộc về miền Bắc: đền Trần, phủ Giày (Nam Định), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Kiếp Bạc (Hải Dương), phủ Tây Hồ, động Hương Tích, chùa Trấn Quốc (Hà Nội)... Trong cơn lốc của lễ hội, đền chùa miếu mạo cũng biến tướng và không còn giữ được vẻ thanh tịnh. “Báo cáo của Bộ VH-TT&DL chỉ rõ: nhiều nơi lập nhiều bàn thờ, đặt hòm công đức và đĩa để tiền giọt dầu khiến du khách đặt nhiều tiền lẻ lộn xộn ở mọi nơi mọi chỗ, đặc biệt là giắt tiền giọt dầu tùy tiện vào tay tượng Phật, thậm chí có nơi người nhà chùa còn dán cả tiền vào đĩa để mồi du khách đặt tiền”.
Một nguyên nhân của việc bùng nổ quy mô tổ chức lễ hội được mổ xẻ chính là việc đua nhau mời lãnh đạo đến dự. Ông Trần Minh Chính (vụ trưởng Vụ Văn hóa cơ sở) nói: khi tổ chức các lễ hội, các địa phương đua nhau mời lãnh đạo cấp trên, số lượng khách mời quá đông, không tuân thủ các quy định chung của Nhà nước cần được chấn chỉnh. Tại hai đầu cầu Đà Nẵng và TP.HCM, nhiều ý kiến cũng đồng tình quan điểm tách vai trò Nhà nước ra khỏi lễ hội như lễ hội dân gian thì trả về cộng đồng.
Một thực trạng báo động cũng được cảnh báo đó là xu hướng tự nâng cấp lễ hội, tự xưng danh là lễ hội cấp quốc gia, quốc tế mà thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn đang xuất hiện ở nhiều địa phương. Nhiều nơi cứ có di tích là đẻ ra lễ hội, làng xã, dòng họ ganh đua với nhau xem lễ hội nhà ai to hơn.
Loay hoay chuyện phát ấn đền Trần
Dù giao ban trực tuyến về lễ hội ba miền, nhưng phương án tổ chức của lễ khai ấn đền Trần lại thu hút sự chú ý và đóng góp ý kiến của các đại biểu. Ông Nguyễn Đức Tuấn (vụ trưởng, giám đốc văn phòng đại diện Bộ VH-TT&DL tại miền Trung) phát biểu: “Tôi vẫn kiên trì quan điểm không có chuyện phát ấn đền Trần mà chỉ có khai ấn thôi. Đây chỉ là chuyện vua quan nhà Trần khai ấn mở đầu năm mới. Thế mà giờ đây đã biến thành chuyện mê tín dị đoan, loạn đến nỗi ảnh hưởng đến cả an ninh chính trị, suy nghĩ của con người”.
Gần một năm với các cuộc hội thảo, bàn luận, lấy ý kiến mới chỉ “chốt” được việc: không phát ấn đền Trần vào đêm 14 tháng giêng. Tuy nhiên, phương án phát ấn trong ba ngày tiếp theo, đến hết tháng giêng hay trong cả năm cho đến lúc này vẫn chưa thể thống nhất.
Ông Khúc Mạnh Kiên (phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định) cho biết: trong lễ hội năm 2012, Nhà nước sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động nào, chỉ tổ chức dâng hương vào sáng 14 tháng giêng. Đêm 14 chỉ có lễ khai ấn, việc phát ấn bắt đầu từ 8g sáng 15 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng. Tuy nhiên, theo ông Kiên, đây chỉ mới là dự thảo, lãnh đạo tỉnh Nam Định mới chỉ nghe báo cáo chứ chưa thông qua.
Trong khi đó, với tư cách là đơn vị cố vấn cho Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Nam Định, ông Lương Hồng Quang (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN) nói: “Việc phát ấn nên thực hiện suốt cả năm, coi lá ấn như là vật lưu niệm dành cho du khách đến đền Trần. Như thế mới khắc phục được tình trạng bán ấn bị dư luận lên án. Đây là kiến nghị của viện, tuy nhiên cả Bộ VH-TT&DL và viện không có thẩm quyền quyết định, “tỉnh Nam Định mới là yếu tố quyết định đề án có chạy được hay không” - ông Quang nói.
Cấm sản xuất đồ mã, nên không?
Việc đốt và sản xuất đồ mã trong dịp cuối năm và đầu năm cũng trở nên nóng bỏng khi cả hai báo cáo của Bộ VH-TT&DL và thanh tra bộ đều thống nhất đề xuất trình Chính phủ nên “cấm sản xuất, tàng trữ và vận chuyển đồ mã”.
Ông Phạm Xuân Phúc (phó chánh thanh tra - Bộ VH-TT&DL) bày tỏ: “Nghị định 75 cấm đốt vàng mã nơi công cộng nhưng thanh tra không xử phạt được. Vừa rồi về đền Trần (Nam Định), thanh tra vừa đi ra cổng thì một xe lớn chở vàng mã chạy vào, biết là sẽ đốt nhưng không có chế tài nên cũng đành chịu”. Theo ông Phúc, nếu không có lệnh cấm sản xuất thì việc xử phạt các hành vi đốt vàng mã cũng lâm vào bế tắc.
Còn đại diện Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế cho rằng phải xác định rõ từng loại vàng mã cụ thể, nên cấm sản xuất, tàng trữ một số loại như nhà lầu, ôtô gây lãng phí, nghiêm cấm in ấn tiền, các loại đôla địa phủ. Còn giấy vàng truyền thống chỉ nên tuyên truyền hạn chế sử dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, việc cấm sản xuất, tàng trữ vàng mã cần phải được nghiên cứu sâu hơn và lấy ý kiến đông đảo của giới nghiên cứu, các nhà quản lý và cả người dân. “Muốn ban hành quyết định cấm phải lấy ý kiến của đối tượng sẽ bị cấm. Đối với văn hóa không nên sử dụng đơn thuần một biện pháp hành chính, coi chừng lợi bất cập hại” - ông Ái nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận