15/03/2017 11:23 GMT+7

Nội bộ Philippines bất nhất trước Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sự xuất hiện của tàu khảo sát Trung Quốc tại Benham Rise thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Philippines hồi cuối năm ngoái đã phơi bày sự bất nhất đang tồn tại trong chính quyền Manila.

Tổng thống Rodrigo Duterte  dịu giọng với Trung Quốc trong vấn đề Benham Rise nhưng kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền của Philipines - Ảnh: Reuters
Tổng thống Rodrigo Duterte dịu giọng với Trung Quốc trong vấn đề Benham Rise nhưng kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền của Philipines - Ảnh: Reuters

Trong khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định Bắc Kinh đã thông báo trước hoạt động của tàu khảo sát thì Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Philippines đều không hề biết đến việc này.

Chính điều này đã dẫn tới chuyện Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nghi ngờ các hoạt động của tàu Trung Quốc, cáo buộc nó đang tiến hành khảo sát trái phép thềm lục địa của Philippines.

Bộ Ngoại giao Philippines sau đó cũng vào cuộc, gửi công hàm chính thức yêu cầu Bắc Kinh giải thích.

Tổng thống dịu giọng

Trả lời phóng viên trong một cuộc họp báo ngày 13-3 tại Manila, Tổng thống Duterte nói những quan ngại về tàu Trung Quốc ở Benham Rise “đã bị phóng đại quá mức”, tuy nhiên ông cũng ra lệnh cho hải quân nước này xây dựng các “cấu trúc” tăng cường hiện diện tại khu vực nói trên.

“Mọi thứ đang diễn ra rất tốt theo cách mà chúng ta muốn. Tại sao lại hủy hoại nó?” - ông Duterte nói. Khi được hỏi về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10-3 rằng Philippines không thể tuyên bố Benham Rise là lãnh thổ của riêng nước này, tổng thống Philippines cho rằng đây không phải là lúc khơi mào một cuộc đấu tranh với Trung Quốc.

“Bây giờ không phải là lúc để đấu tranh quyền sở hữu và quyền chủ quyền ở đó với Trung Quốc. Mọi thứ đang trở nên tốt đẹp với đất nước này. Tôi đã lệnh cho quân đội rồi, cần phải nói thẳng nhưng đầy thiện chí với Trung Quốc rằng Benham Rise là của chúng tôi” - ông Duterte nhấn mạnh.

Trước đó, bộ trưởng quốc phòng Philippines đã lệnh cho các tàu hải quân rằng “nếu thấy tàu Trung Quốc còn xuất hiện ở Benham Rise một lần nào nữa trong năm nay thì phải hộ tống ra khỏi đó”.

Một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm chính thức cho Bắc Kinh (11-3), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thừa nhận một số tàu khảo sát Trung Quốc đã đi qua vùng biển đông bắc đảo Luzon của Philippines hồi cuối năm ngoái và khẳng định nó phù hợp với nguyên tắc “qua lại vô hại” và “tự do hàng hải” trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).

Đáp lại, bộ trưởng quốc phòng Philippines cho rằng hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc tại Benham Rise trong suốt 3 tháng cuối năm rồi là “rất đáng ngờ”, không chỉ đơn giản là “qua lại vô hại” và cáo buộc nó thực chất đang khảo sát địa hình để khai thông một con đường ra Thái Bình Dương cho tàu ngầm Trung Quốc.

Khảo sát hay qua lại vô hại?

Phần lớn khu vực Benham Rise nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và một phần trên thềm lục địa của Philippines.

Chiếu theo các điều khoản của UNCLOS 1982 mà Bắc Kinh và Manila đều là bên phê chuẩn, tàu Trung Quốc có quyền đi ngang qua vùng biển trong EEZ và thềm lục địa với điều kiện “qua lại vô hại”. Tức là chỉ được di chuyển mà không tiến hành bất cứ hoạt động nào, kể cả khảo sát.

Nếu muốn khảo sát khu vực Benham Rise nằm trên thềm lục địa, Bắc Kinh sẽ phải hỏi ý kiến của Manila trước khi tiến hành. Nói một cách khác, một quốc gia tự ý khảo sát trong khu vực EEZ hay thềm lục địa của nước khác là trái với UNCLOS 1982.

Tuy nhiên, khi trả lời báo chí ngày 13-3, Tổng thống Duterte chỉ nói đã được thông báo trước về việc tàu Trung Quốc sẽ di chuyển qua khu vực này. Ông Duterte không nói rõ nội dung thông báo của Trung Quốc là gì.

Phía Trung Quốc thì khẳng định các hoạt động của tàu Trung Quốc ở Benham Rise đã được nói rõ trong các cuộc tiếp xúc giữa bộ ngoại giao hai nước hồi tháng 1 năm nay, theo cổng thông tin Chinamil. Cụ thể những hoạt động đó là gì không được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc tới.

Giáo sư Jay Batongbacal, người có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tuyên bố Benham Rise thuộc thềm lục địa Philippines trước Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc, cho rằng nếu tàu thuyền thực hiện quyền tự do hàng hải trong EEZ, nó phải bám sát hải trình với đích đến rõ ràng. Nếu có hình thức di chuyển khác sẽ làm cho người ta nghi ngờ động cơ của nó.

Có lý do để nghi ngờ

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana có lý do để nghi ngờ các tàu Trung Quốc đang khảo sát. Tờ Inquirer dẫn lời ông Lorenzana nói dựa vào các hình ảnh vệ tinh được đồng minh cung cấp, tàu của Trung Quốc không di chuyển liên tục hay theo một đường đi thẳng mà cứ cách một vài ngày lại thay đổi hải trình, có khi dừng lại ở một địa điểm nhiều ngày liền.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên