Nadia Murad phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2015 - Ảnh: Reuters
Họ là Denis Mukwege - bác sĩ người Congo và Nadia Murad - người từng trải qua những ngày tháng như ở địa ngục trần gian trong tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Giải Nobel năm nay hoàn toàn nằm trong tiêu chí và nguyện vọng của Alfred Nobel. Denis Mukwege và Nadia Murad đã đánh cược sự an nguy của bản thân khi dũng cảm chiến đấu chống lại tội ác chiến tranh và tìm kiếm công lý cho các nạn nhân
Trích thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel
Hàn gắn
Công việc của hai chủ nhân giải Nobel hòa bình năm nay là hàn gắn các vết thương từ vật chất đến vết thương lòng của phụ nữ Congo. Bác sĩ Mukwege đã chữa trị và bảo vệ vô số chị em bị xâm phạm tiết hạnh và thân thể. Còn Murad, một phụ nữ gốc người Kurd thiểu số ở Iraq, "đứng lên" cất tiếng nói thay cho các nạn nhân khác.
Không dừng ở Cộng hòa dân chủ Congo, tổ chức của bác sĩ Mukwege còn nhằm phổ biến các trải nghiệm ra khắp thế giới, giành lại công lý cho các nạn nhân. Murad mạnh dạn cất lên tiếng nói, thay vì im lặng một cách cam chịu, đầu tiên với báo chí, rồi trên các diễn đàn quốc tế, kể cả trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhằm làm chứng và tố cáo nạn bạo hành tình dục, thúc đẩy chấm dứt tội ác man rợ này trên toàn cầu.
Quả thật, không chỉ ở Congo hay ở Iraq trong khu vực do IS làm chủ mới diễn ra những hành vi bạo lực và cưỡng bức trong các cuộc xung đột, chiến tranh, tội ác này, tiếc thay, lại không xa lạ gì ở một số nước.
Nạn bạo hành cưỡng bức phụ nữ trong các cuộc xung đột không dừng ở các khu vực và thời điểm nổ ra chiến sự, mà còn tiếp diễn sau đó khi các phụ nữ, nạn nhân hay chưa phải là nạn nhân, tìm cách chạy trốn, lại rơi vào các ổ buôn người. Đó là điều mà Tổ chức Sáng kiến Nada (tên gọi của Murad) còn đang vươn tới.
331 ứng viên
Nobel hòa bình là giải thưởng danh giá được trao hằng năm cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp lớn nhất cho nền hòa bình thế giới.
Chiến thắng của bác sĩ Mukwege và cô Murad khiến nhiều người bất ngờ bởi trước đó rất nhiều người tin rằng Nobel hòa bình 2018 sẽ thuộc về ba nhà lãnh đạo Donald Trump (Mỹ), Kim Jong Un (Triều Tiên) và Moon Jae In (Hàn Quốc) vì đã hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc đua tranh giải năm nay có tổng cộng 331 ứng viên, gồm 216 cá nhân và 115 tổ chức. Tất cả đều được giữ kín cho đến phút chót làm dấy lên những suy đoán và bất ngờ vào phút chót. Năm ngoái, giải Nobel hòa bình được trao cho Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân.
DUY LINH
Vấn nạn ở mọi nơi
Trong thực tế, không nhất thiết phải có xung đột hay chiến tranh mới xảy ra hậu họa là bạo hành phụ nữ cùng nạn buôn người.
Nếu trong một cuộc xung đột hay chiến tranh, nạn bạo hành này, từ cổ chí kim, được xem như cái quyền đương nhiên của các đội quân chiến thắng, thì trong thời bình, nạn này thể hiện một tâm lý xem nhẹ nhân mạng, nhân sinh, thân phận con người, mà chân yếu tay mềm, dễ chà đạp nhất chính là phụ nữ.
Những xã hội nào càng ít tôn trọng con người nói chung và phụ nữ nói riêng, nạn buôn bán phụ nữ càng dễ dàng phát triển.
Nạn bạo hành cưỡng bức phụ nữ đâu chỉ xảy ra ở các vùng chiến sự hoặc trong lãnh thổ của IS, mà còn ngay cả trong những nước được xem là giàu nứt vách nhờ dầu hỏa, khi người phụ nữ giúp việc nhà bị biến thành những "nô lệ" tân thời, làm quần quật từ mờ sáng đến đêm khuya, có khi trở thành nô lệ tình dục của những ông chủ thuê họ và qua những đường dây môi giới lao động!
Bởi thế, các công ước Geneva về chiến tranh (thương bệnh binh trong chiến tranh, tù binh chiến tranh, nạn nhân chiến tranh, người tị nạn chiến tranh...) còn gắn kết với các công ước khác tỉ như công ước chống tra tấn mà "cơ chế hoạt động" của tội ác này cũng dựa trên bạo lực và thói quen tự cho có toàn quyền nơi người khác...
Công việc khởi xướng bởi Mukgewe và Murad không chỉ giới hạn trong khuôn khổ các cuộc xung đột hay chiến tranh hoặc trong nội bộ hai tổ chức đứng tên họ, mà còn lan tỏa ra ở những nơi có tinh thần và thái độ tiếp thu trọn vẹn hơn.
Chẳng hạn, ở Tunisia, tháng 7 năm ngoái quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật loại bỏ bạo lực nơi phụ nữ một cách thiết thực, chớ không chỉ "chung chung" hô hào.
Trong ý nghĩa phổ quát đó, giải Nobel hòa bình năm nay không đơn giản là một biểu tượng của chủ nghĩa nữ quyền, mà nhắm vào chiều kích sâu xa hơn.
Tối thiểu, cũng cần đặt câu hỏi từ nội dung của giải Nobel hòa bình năm nay: làm thế nào mà ở cuối thập niên thứ nhì của thế kỷ 21 văn minh hiện đại như thế này, một bộ phận xã hội vẫn còn hành xử bạo lực như cách đây bao ngàn năm?
Bác sĩ Denis Mukwege - Ảnh: The Star
"Công lý là nghĩa vụ của mọi người"
Bác sĩ Denis Mukwege hay tin được trao giải Nobel hòa bình khi đang trong... phòng phẫu thuật.
"Lúc người ta bắt đầu huyên náo quanh phòng phẫu thuật, tôi vẫn chưa hình dung được chuyện gì. Thình lình một vài người mở cửa phòng bước vào và thông báo tôi đã được giải Nobel", vị bác sĩ có biệt danh "bác sĩ phép mầu" chia sẻ với báo VG của Na Uy.
Sau đó ông còn tranh thủ hoàn tất nốt ca phẫu thuật thứ hai trong ngày trước khi trả lời phỏng vấn với Quỹ Nobel. Với bác sĩ Mukwege, người đã dành gần như trọn tuổi thanh xuân để giúp đỡ các nạn nhân bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang, cuộc đấu tranh đã không còn giới hạn ở Congo.
Cuộc nội chiến dai dẳng ở quốc gia châu Phi này không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 6 triệu người mà còn đẩy nhiều phụ nữ vào bóng tối của cuộc đời: bị cưỡng bức, bị biến thành nô lệ tình dục.
"Giải Nobel này là sự thừa nhận những chịu đựng của những phụ nữ là nạn nhân của nạn cưỡng hiếp và bạo lực tình dục trên khắp thế giới cũng như sự thất bại trong việc bù đắp cho họ", bác sĩ Mukwege nhấn mạnh.
Ông tuyên bố đóng góp toàn bộ phần thưởng của ông cho tất cả những người phụ nữ bị tổn thưởng vì chiến tranh và "đối mặt với bạo lực hàng ngày".
Nguyên tắc của người đàn ông năm nay đã 63 tuổi rất đơn giản: "Công lý là nghĩa vụ của mọi người".
Còn Nadia Murad ?
"Cô ấy còn hơn cả một người sống sót... Cô ấy là một phụ nữ dũng cảm, cương quyết, kiên định, liều lĩnh và giàu cảm xúc, đã quyết định dấn thân và kể lại những trải nghiệm kinh hoàng tồi tệ nhất tại hang ổ của IS để từ đó giúp những người khác không phải nếm trải điều tồi tệ tương tự".
Đó là những dòng giới thiệu ngắn gọn năm 2016 của bà Samantha Power, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống Barack Obama, về Nadia Murad - một nạn nhân của IS.
Giống như số phận của hàng trăm nghìn người Yazidi khác ở Iraq, Murad bị IS liệt vào danh sách "những kẻ bất tin Hồi giáo" khi chúng tấn công ngôi làng bình yên của cô tháng 8-2014. Ba tháng trong tay IS đã trở thành những ngày tháng kinh khủng và làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô gái trẻ tuổi đôi mươi.
Vượt qua các định kiến của xã hội, Murad đã trở thành người hùng của hơn 3.000 phụ nữ Yazidi bị biến thành nô lệ tình dục khi lên tiếng về những ngày tháng đau đớn, tủi nhục tại hang ổ IS.
Năm 2016, ở tuổi 23, Murad trở thành đại sứ thiện chí đầu tiên của LHQ cho phẩm giá của những người sống sót sau nạn buôn người.
"Tôi xin chia sẻ giải thưởng này với tất cả người Yazidi, người Iraq, người Kurd với tất cả những thành phần thiểu số và những người sống sót sau nạn bạo lực tình dục trên khắp thế giới", nữ chủ nhân Nobel Hòa bình 2018 tuyên bố tối 5-10.
BẢO DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận