
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - Ảnh: T.P.
Nội dung này được nêu lên tại hội thảo "Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hòa?" do báo Tiền Phong tổ chức hôm nay, 27-5.
Nợ xấu bất động sản đang tăng nhanh
Tại hội thảo, luật sư Lê Trung Phát - giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM - cho hay nợ xấu không chỉ là điều mà người vay lo ngại, mà còn là mối nguy hiểm đối với an toàn hoạt động ngân hàng. Nhưng hiện nay việc thu hồi nợ xấu rất nhiêu khê.
Nhiều trường hợp ngân hàng cầm được bản án, quyết định thi hành án, chờ việc bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền nữa là xong, nhưng đến lúc đó vẫn chưa xong vì lại phát sinh các tranh chấp với bên thứ 3.
Tính đến tháng 5, dư nợ tín dụng bất động sản tại Việt Nam đạt hơn 1,56 triệu tỉ đồng - tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng 20%. Nếu tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng đúng mục tiêu 16% trong năm nay, tổng dư nợ bất động sản có thể đạt 3,8-3,9 triệu tỉ đồng.
Đáng lưu ý, tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đang tăng nhanh. Thống kê cho thấy tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết đã vượt 265.000 tỉ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Cân bằng giữa quyền thu giữ tài sản và bảo vệ người vay
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho rằng tài sản bảo đảm giúp ngân hàng yên tâm cấp vốn, đồng thời kiểm soát rủi ro.
"Một cơ chế xử lý tài sản hiệu quả không chỉ bảo vệ tổ chức tín dụng trước nguy cơ nợ xấu, mà còn thúc đẩy mở rộng tín dụng và củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính.
Tuy nhiên giá trị thực sự của tài sản bảo đảm chỉ phát huy khi có thể được thu giữ và xử lý nhanh chóng, minh bạch, hợp pháp nếu người vay mất khả năng trả nợ. Quyền thu hồi tài sản trở thành công cụ pháp lý cốt lõi, đảm bảo dòng vốn lưu thông và thị trường tín dụng vận hành ổn định", ông nói.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - Ảnh: T.P.
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - nhận định xử lý nợ xấu không chỉ là thu hồi nợ, mà còn là cơ hội để phục hồi thị trường.
"Chính phủ cần xem xét ban hành cơ chế đặc thù nhằm xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, đồng bộ. Chúng ta cần cách tiếp cận mới: Thu hồi được nợ, khôi phục được dự án, cứu được doanh nghiệp và giữ được việc làm cho người lao động", ông Châu nói.
Theo ông Châu, một trong những vướng mắc lớn hiện nay là pháp lý đối với tài sản đảm bảo. Nhiều dự án có giá trị lớn đang bị kẹt trong vòng xoáy thủ tục, tranh chấp pháp lý, khiến ngân hàng không thể phát mãi, doanh nghiệp không thể tái cấu trúc.
Vì vậy cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản đảm bảo theo hướng minh bạch, rút ngắn quy trình phát mãi, kể cả thông qua đấu giá công khai hoặc chuyển nhượng dự án.
Ông đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành cấp trung ương để rà soát, phân loại các dự án bất động sản đang bị ngưng trệ, từ đó có chính sách xử lý phù hợp từng nhóm nợ xấu, không nên dùng một cơ chế cứng nhắc cho tất cả.
"Khi nợ xấu được xử lý, dòng tiền mới sẽ quay lại thị trường, doanh nghiệp sống lại, ngân hàng lành mạnh, Nhà nước thu cũng được thuế", ông Châu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận