Người bệnh khám như vậy sẽ nhận được nhiều tiện ích hơn?
Nhận "khám" online đủ loại bệnh
Trên Facebook, Zalo và các website, các nhóm tư vấn "khám bệnh" online mọc lên như nấm. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm nội dung "khám bệnh online", có đến hàng trăm kết quả quảng cáo "thăm khám bệnh" online trực tuyến.
Các quảng cáo này có rất nhiều lượt quan tâm của người dùng thông qua các nội dung như: "Khám bệnh online xương khớp", "Khám bệnh da liễu online", "Khám bệnh online, nhận thuốc tại nhà B.M.T.", "Lương y N.V.L. khám bệnh kê đơn online"... Cần tư vấn tâm lý, dinh dưỡng, thẩm mỹ, xương khớp, bệnh mạn tính đều có thể "khám" online.
Theo quảng cáo, người bệnh chỉ cần sử dụng thiết bị thông minh, trả phí và có thể kết nối thông qua cuộc gọi video trực tuyến với các bác sĩ có chuyên môn giỏi, đang làm việc tại các bệnh viện công và tư uy tín trên cả nước.
Ngoài các trang mạng xã hội, người bệnh không khó để có thể tìm kiếm được các app trên điện thoại có thể sắp xếp sẵn lịch "thăm khám" online cho người bệnh với giá từ 50.000 đồng/5 phút, 100.000 đồng/10 phút, 200.000 đồng/20 phút, 500.000 đồng/lượt khám.
Ngày 24-10, thông qua một app ứng dụng "khám bệnh" từ xa tiện lợi, chúng tôi đặt lịch thăm khám với một bác sĩ đang công tác tại Hà Nội với phí 250.000 đồng/lần. Sau khi tư vấn về các triệu chứng của bệnh tuyến giáp, vị bác sĩ này tư vấn cho chúng tôi nên đến bệnh viện thăm khám để có kết quả chính xác.
Đồng thời, vị bác sĩ này cũng khẳng định có thể kê đơn thuốc sau khi "thăm khám" online nhiều bệnh khác nhau nếu có nhu cầu. Mỗi lần thăm khám có thể quay lại app để đăng ký khám.
Cũng từng đăng ký "khám bệnh" online, chia sẻ trên mạng xã hội, anh H. (Hà Nội) không khỏi thất vọng vì bác sĩ tư vấn "trật lất". Anh cho hay con anh bị dị ứng, khi thấy một bác sĩ tại TP.HCM có dịch vụ "khám bệnh" online nên đã đăng ký tư vấn trực tuyến.
"Trên trang giới thiệu bác sĩ này là tiến sĩ về dị ứng nên tôi rất tin tưởng. Tôi đăng ký gói khám 15 phút với giá 300.000 đồng. Thế nhưng khi tư vấn, vị bác sĩ này chỉ hỏi thông tin sơ sài, không xem hình ảnh con tôi bị dị ứng thế nào, tư vấn không chuẩn mực khiến tôi rất thất vọng, mất oan 300.000 đồng", anh H. than thở.
Chỉ tư vấn, không khám
Một bác sĩ tại TP.HCM đã nhiều năm tham gia ứng dụng khám từ xa của một website cho biết các ứng dụng này chỉ tư vấn cho người bệnh chứ không phải thăm khám. Người bệnh khi tham gia tư vấn sẽ kể các triệu chứng bệnh gặp phải, nếu triệu chứng bệnh nhẹ có thể kê đơn thuốc thuộc danh mục thuốc không cần kê đơn, thuốc đơn giản thông thường.
Nếu thấy bệnh nhân có triệu chứng nặng sẽ khuyến cáo người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám. Cũng theo vị bác sĩ này, đối với khám bệnh từ xa, trường hợp kê các đơn thuốc kê đơn là không đúng với quy định.
Cũng là bác sĩ thường xuyên chia sẻ kiến thức y tế thường thức qua mạng xã hội, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, cho rằng việc khám chữa bệnh online là xu hướng tất yếu, tuy nhiên để hoạt động hình thức này hiệu quả cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ.
"Việc tư vấn sức khỏe cho người dân không khó, nhưng để khám chữa bệnh từ xa thì không đơn giản. Tùy từng bệnh lý, bác sĩ có thể có những tư vấn tạm thời hoặc khuyến cáo người dân nên đến cơ sở y tế để thực hiện thêm các xét nghiệm.
Ví dụ, bệnh nhân chỉ có biểu hiện đau họng, bác sĩ có thể chia sẻ những bệnh lý có thể gặp chứ không thể đưa ra chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh gì. Để có kết quả cần phải có thêm các xét nghiệm liên quan. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dị ứng thuốc, vì vậy việc kê đơn khi khám bệnh từ xa hết sức thận trọng", bác sĩ Hoàng nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện nay việc khám chữa bệnh từ xa cần tuân thủ theo Luật Khám chữa bệnh.
"Hiện việc khám, tư vấn bệnh từ xa đang được thực hiện theo thông tư 49. Các cơ sở y tế, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được đăng ký khám chữa bệnh từ xa đúng với lĩnh vực chuyên môn. Đối với những ứng dụng đặt lịch khám từ xa có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn thì chỉ được phép tư vấn, không được phép kê đơn thuốc. Việc tư vấn sức khỏe, bệnh tật từ xa có thể được thực hiện, chi phí dựa trên thỏa thuận của bác sĩ và người dân", ông Khoa cho hay.
Bệnh nào được khám, chữa bệnh từ xa?
Ông Nguyễn Trọng Khoa cũng cho biết hiện Bộ Y tế đang dự thảo thông tư hướng dẫn khám, chữa bệnh từ xa sẽ áp dụng theo Luật Khám, chữa bệnh áp dụng từ ngày 1-1-2024.
Theo dự thảo, danh mục bệnh, tình trạng được khám chữa bệnh từ xa bao gồm 31 bệnh của 16 chuyên khoa. Trong đó, chuyên khoa dinh dưỡng chỉ được khám chữa bệnh béo phì; răng hàm mặt chỉ được khám chữa bệnh viêm loét lợi; ung thư được tư vấn điều trị sau ung thư; nội tiết chỉ được tư vấn điều trị đái tháo đường...
Dự thảo cũng nêu rõ yêu cầu đối với người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải thực hiện theo phạm vi hành nghề của người hành nghề. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải đăng ký với cơ quan quản lý y tế. Đồng thời, các chỉ định và kê đơn thuốc của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải thực hiện trên hệ thống đơn thuốc quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận