12/09/2018 14:24 GMT+7

Nở rộ bán trú vệ tinh: Chờ quy định cụ thể

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Các cơ sở bán trú vệ tinh (BTVT) liên tục ra đời không chỉ ở TP.HCM, mà ở cả các khu vực đô thị hóa cao nhiều năm nay. Nhưng đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa có một quy định cụ thể để trẻ được chăm sóc tốt nhất.

Nở rộ bán trú vệ tinh: Chờ quy định cụ thể - Ảnh 1.

Tại lớp bán trú vệ tinh ở Tân Bình, sau ăn sáng học sinh xem phim giải trí trước khi ôn bài - Ảnh: N.HÙNG

Chị P.T.N. - phụ huynh ở Q.Gò Vấp - tâm sự: "Trong môi trường học đường, có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ quản lý giáo dục, những người lớn tiếp xúc với trẻ cũng đều đã tốt nghiệp trường sư phạm mà còn xảy ra chuyện này chuyện kia nên phải gửi con ở BTVT cũng có nhiều lo lắng".

Lựa chọn theo... suy đoán

Chị N. kể: "Hai con tôi đều phải gửi BTVT từ 3 năm nay. Tôi đã đổi khá nhiều cơ sở vì cảm thấy không an toàn cho con mình. 

Phụ huynh chúng tôi đi tham quan các cơ sở, hỏi han, nhận xét rồi truyền tai nhau về những ưu, khuyết điểm của cơ sở X, cơ sở Y... 

Sau đó thì cân nhắc rồi quyết định có gửi con hay không. "Kinh nghiệm" của tôi là những nơi có cơ sở vật chất rộng rãi, cô chủ lớp bán trú nhìn hiền lành, thật thà là ổn rồi".

Trong khi đó, chị H.M. - phụ huynh ở Q.12 - lại băn khoăn: "Lớp bán trú của con tôi hiện có hơn 50 cháu mỗi ca (sáng và chiều), một mình cô chủ làm sao chăm sóc tất cả? Đương nhiên cô phải thuê thêm nhân viên. 

Thế nên, trước khi gửi con tôi còn xem mặt và hỏi hoàn cảnh của từng nhân viên. Cơ sở nào mà có nhân viên có hoàn cảnh ngặt nghèo quá là tôi xin thôi vì nghĩ các cô rất dễ cáu bẳn. Nhưng có tìm hiểu cỡ nào thì cũng chỉ hên xui mà thôi".

Đó không phải là những điều phụ huynh lo xa. Các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn, hiếu động, quản lý mấy chục học sinh cùng lúc không phải chuyện dễ. 

"Thế nên tôi tìm những cơ sở có giáo viên tốt nghiệp sư phạm trông coi, chăm sóc và dạy dỗ trẻ để gửi con. Tôi chấp nhận khoản phí cao để có sự an tâm nhưng hiện nay những lớp bán trú có giáo viên tốt nghiệp sư phạm rất hiếm" - chị Mai, phụ huynh ở Q.Tân Bình, chia sẻ.

Theo ghi nhận, ở TP.HCM hiện nay chỉ có một số ít cơ sở BTVT xuất thân từ cơ sở dạy thêm - học thêm, lớp rèn năng khiếu rồi chuyển đổi hoặc xin thêm chức năng bằng cách làm đơn báo lên UBND phường. 

Bên cạnh đó, cũng có một số cơ sở chuyên về chức năng bán trú, hoạt động khá bài bản, tuyển được một số giáo sinh mới tốt nghiệp trường sư phạm hoặc giáo viên đã về hưu để trông trẻ. 

Còn lại, khá nhiều lớp bán trú chật chội, nóng nực, được tổ chức ngay tại nhà ở của người dân (trong đó có khá nhiều lớp do giáo viên tiểu học nhận giữ trẻ).

Nở rộ bán trú vệ tinh: Chờ quy định cụ thể - Ảnh 2.

Học sinh trong giờ ra chơi tại lớp bán trú vệ tinh ở quận Tân Phú (TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ai quản lý?

Với tình hình thực tế các cơ sở BTVT liên tục ra đời và phát triển theo cấp số nhân nhưng hiện tại Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn việc thực hiện hoạt động của loại hình này.

Riêng ở TP.HCM, ngày 20-7-2018, UBND TP đã có văn bản về việc quản lý các cơ sở trông giữ trẻ em ngoài giờ học có lồng ghép dạy thêm, học thêm. 

Tuy nhiên, theo các chủ cơ sở bán trú, văn bản trên hiện là văn bản duy nhất để họ thực hiện nhưng vẫn còn chung chung quá. Họ cần một văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, với những tiêu chuẩn cụ thể về cơ sở vật chất, người trông trẻ, các hoạt động dạy học...

Ông Phạm Trọng Ái - chủ lớp bán trú ở đường Thạch Lam, Q.Tân Phú - giãi bày: "Tôi đã phải xin 2 giấy phép là giấy phép mở cơ sở dạy thêm - học thêm và giấy phép hoạt động của bếp ăn tập thể. Hiện nay tôi còn phải xin thêm một giấy phép nữa, đó là giấy phép hoạt động của lớp BTVT. 

Cái này tôi đã đăng ký và trình bày với UBND phường nhưng hiện tại các cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể...". 

Tương tự, ở Q.12, chủ các lớp BTVT cũng mong muốn "sớm có hành lang pháp lý rõ ràng để chúng tôi hoạt động đàng hoàng, tạo sự tin cậy đối với phụ huynh".

Chưa kể, rất nhiều lớp bán trú than phiền rằng những năm gần đây, TP.HCM thực hiện nghiêm quy định của Bộ GD-ĐT về dạy thêm - học thêm. 

Trong đó, các cơ sở không được dạy thêm cho học sinh tiểu học mà chỉ được dạy kỹ năng sống, năng khiếu...

Tuy vậy, phần lớn các cơ sở BTVT thiếu giáo viên, muốn dạy năng khiếu hoặc kỹ năng sống thì phải thu phí cao.

 "Cái mà đa số phụ huynh yêu cầu là chúng tôi rèn toán và tiếng Việt cho học sinh thì lại không được làm. Chỗ nào dạy thêm là dạy chui chứ không dám công khai" - chủ lớp bán trú ở một quận vùng ven phản ảnh.

Có phụ huynh còn kể: "Vì quy định cấm dạy thêm nên cô giáo của con mình nhận học sinh bán trú, có dạy kèm cho các em nhưng phải giấu mọi người xung quanh bằng cách đóng kín cửa nhà mình. 

Nhà cô đã chật, không có máy lạnh mà cửa sổ, cửa chính đóng kín như bưng thì có tội nghiệp các con không?".

Đề xuất thành lập trung tâm chăm sóc học sinh tiểu học

Trong bối cảnh như hiện nay, tôi đề xuất thành lập trung tâm chăm sóc học sinh tiểu học để nhận học sinh vào buổi thứ hai trong ngày (buổi thứ nhất học chính khóa ở trường tiểu học).

Trung tâm hoạt động theo quy chế do UBND TP ban hành. Quy mô tổ chức đa dạng, nhiều mức độ khác nhau (có sân thể thao, hồ bơi, phòng biểu diễn văn nghệ, thư viện, xưởng vẽ, phòng triển lãm...), có nhà ăn được tổ chức việc ăn nghỉ thật khoa học, mang tính giáo dục.

Họ có thể dạy ngoại ngữ, có xe đưa đón, tổ chức các chuyến tham quan, cắm trại, trải nghiệm; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ phong phú, rèn kỹ năng sống...

Trung tâm này do Sở GD-ĐT thẩm định và cấp phép. Giáo viên hoàn thành nghĩa vụ tại trường công lập có quyền ký hợp đồng làm việc.

(Đây là hình thức tạo điều kiện cho giáo viên tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giáo viên phấn đấu dạy tốt, mẫu mực sẽ có nhiều trung tâm mời cộng tác theo mức lương thỏa thuận).

Phụ huynh lựa chọn trung tâm trên cơ sở thuận tiện và mức học phí phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.

ThS Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)

Nở rộ bán trú vệ tinh Nở rộ bán trú vệ tinh

TTO - Hàng loạt cơ sở bán trú vệ tinh (BTVT) đã ra đời ở TP.HCM những năm gần đây, tập trung ở những khu vực đông dân nhập cư nhằm đáp ứng nhu cầu học bán trú, trong khi số học sinh tăng vọt, nhiều trường bị quá tải, chỉ có thể dạy 1 buổi/ngày.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên