Năm ngày ấy ngắn ngủi nhưng với những người vừa phải trải qua đợt lũ quét kinh hoàng thì dài hơn cả 5 năm trời, khi phải trở về cảnh không một ai mong muốn: chỉ còn mạng sống cùng bộ quần áo đang mặc trên người.
Buổi chiều sau cơn lũ ấy, những người dân đang tranh thủ nước rút để dọn dẹp lại nhà cửa, sửa sang lại cái chuồng heo, đem mớ lúa giống đang cạy mộng bị ướt sau lũ đưa ra phơi.
Trên bờ đê, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy những hình ảnh đầy xúc động: từng nhóm phụ nữ, có những bà cụ đã lớn tuổi níu lưng nhau trên tay cầm những túi nilông đựng chai dầu ăn, có người mang vài lon gạo mới xát được, có người mang cái nồi đang dùng dở, lấm lem bùn của nhà mình...
Họ đem tới chia cho những hộ gia đình mất nhà cửa, đang phải vật lộn với cuộc sống sau thảm họa, dựng lều chèo chống qua ngày trên triền đê sông Cạn.
“Có bộ quần áo con bé lớn ở nhà may rồi nó mặc được hai ba lần, tao thấy uổng quá mang cho mày mặc. Còn mới lắm” - một phụ nữ nghèo ở xóm kề thôn Lương Thái (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nói rồi dúi vào tay bà Trương Thị Loan - người có nhà cửa bị cuốn sạch do lũ quét.
“Mấy hôm rày nhà tao cũng toàn ăn mì gói, nước vô nửa nhà lớn quá mà, ướt sạch hết nhưng cũng còn may là còn nhà cửa. Chứ mày giờ chẳng còn gì, tao còn giữ được ít gạo, chia cho mày ít, hai vợ chồng nấu mà ăn cho đỡ đói. Thôi có được gì mừng cái đó, giờ ai cũng mất quá mà” - người phụ nữ nói rồi bê bịch gạo túm trong bao nilông dúi vào tay người mất nhà.
Trong khoảnh khắc đầy xúc động ấy, người được nhận chia phần lúc hoạn nạn đã bật khóc, quệt bàn tay ngang mặt rồi bưng miệng khóc hờn tủi. “Giờ mất nhà mất cửa, mất hết sạch rồi thì ai cho chi mừng nấy, cảm ơn bà con giúp cho vợ chồng tui lúc hoạn nạn này” - bà Loan vừa nói vừa khóc.
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán này, hơn ở bất cứ nơi đâu người dân nghèo đất võ Bình Định đang phải trải qua những ngày khó khăn nhất trong năm. Qua năm đợt lũ tàn khốc chỉ trong vòng một tháng rưỡi cuối năm, những người dân nghèo làm ăn tích cóp một năm đã trở về cảnh tay trắng.
Nhiều vùng nông thôn của Bình Định đã trở thành bãi chiến trường - như lời Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chua chát: “Cơn lũ lịch sử, chưa từng xảy ra với mức độ tàn khốc đã kéo hạ tầng, đường sá của Bình Định lùi về 10 năm trước đây”.
Những gốc mai đang tươi rói, chuẩn bị bung nụ, là tài sản tích cóp cả một năm trời, chờ bung hoa để lấy tiền tiêu tết của các chủ vườn đã tan tác chỉ sau vài giờ bị nước ngập. Những cánh đồng lúa mới gieo sạ, hạt nảy mầm bỗng bị lũ dữ quét qua khiến tất cả thành bãi sa bồi, thủy phá.
Ruộng nương tan tác, đồng biến thành bãi cát mênh mông, nông dân vác cuốc ra đồng mà thậm chí không biết nơi đâu là mảnh ruộng của mình... Thiệt hại cho người dân Bình Định là nhiều vô kể.
Buổi chiều, sau khi tới thăm những gia đình bị mất nhà trong lũ, người đàn ông bị trôi nhà ở thôn An Xuyên dùng ghe đưa chúng tôi qua dòng nước xiết để về lại bên kia bờ.
Nhìn lại xóm làng tiêu điều xơ xác, nhà trôi, xe đạp xe máy bị quăng quật cái nằm trên đống cát bồi, cái treo lơ lửng trên ngọn tre... Chúng tôi không kìm được lòng, rút những tờ tiền cuối cùng của mình dúi vào tay người chèo ghe vừa bị mất nhà cửa.
Người đàn ông khắc khổ đưa tay ra, chỉ để nói: “Cháu cất đi, chú không cần đâu. Có sao đâu mà, rồi cũng qua cả thôi. Cháu còn đi đường xa nữa, xuống đây với bà con là quý lắm rồi. Nay mai nhà cửa chú làm lại, đường vô xóm làng ngon thì vô chơi bữa nghen!”.
Giữa vô vàn nỗi khổ đau và hoạn nạn ấy ở vùng lũ, chúng tôi bỗng thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận