31/01/2022 15:14 GMT+7

Niềm vui cánh thiệp Việt

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Trong câu chuyện đột phá xuất khẩu 600 tỉ USD năm nay của Việt Nam, có sự đóng góp của những nhà máy thầm lặng, góp phần để hàng Việt có mặt ở muôn nơi.

Niềm vui cánh thiệp Việt - Ảnh 1.

Những tấm thiệp giấy xoắn sắc sảo được làm thủ công - Ảnh: NGỌC HIỂN

Phần không nhỏ những tấm thiệp giấy xoắn handmade (thiệp quilling) rất được ưa chuộng ở thị trường Mỹ, châu Âu... lại có địa chỉ ra đời tại Việt Nam.

Từ một doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô khiêm tốn, sau gần 10 năm, Công ty Quilling Card đã vươn lên trở thành nhà cung cấp thiệp quilling hàng đầu thế giới.

Những tấm thiệp đặc biệt

Trái hẳn với các xưởng sản xuất thường thấy khi chẳng có máy móc cũng chẳng ồn ào tiếng động cơ, xưởng làm thiệp rộng như một nhà thi đấu, lặng như tờ. Trên những chiếc bàn gỗ xếp thành hàng ngay ngắn, các nhóm nhân viên ngồi đối diện nhau, như những họa sĩ vẽ tranh.

Ở căn phòng thiết kế đặt trong nhà máy, những nhân viên thiết kế đang lên ý tưởng sóng giấy, làm mẫu thử trước khi sản xuất đồng loạt. Do công ty có cả chi nhánh tại TP.HCM và Mỹ nên đội ngũ thiết kế đặt ở hai nơi.

Nữ nhân viên thiết kế Phạm Thị Tuyết Ngân cho biết một trong những sản phẩm đầu tay của Ngân là nhận được đơn đặt hàng từ Bảo tàng 911 của Mỹ, thiết kế các sản phẩm để tưởng niệm sự kiện tòa tháp đôi bị khủng bố tấn công vào ngày 11-9-2001 tại TP New York.

Chìa ra tấm thiệp mang gam màu tối với những đường sóng "vẽ" nên đài tưởng niệm, mặt sau thiệp là thông điệp ánh lên niềm hy vọng từ đổ nát đau thương, Tuyết Ngân cho hay đã dồn tâm sức để làm nên tấm thiệp này. Bất ngờ xảy ra là tấm thiệp này "cháy" hàng ở Mỹ lúc mới lên kệ và đến bây giờ, bảo tàng vẫn tiếp tục đặt hàng.

Hay như tấm thiệp với những đường sóng giấy phức tạp tạo hình cây lê callery "báu vật" của nước Mỹ, cây được mệnh danh là "cây sống sót" khi cây vẫn đâm chồi trên đống đổ nát 11-9. Người thiết kế sóng giấy cho tấm thiệp này lại là Ngân.

Bên cạnh đó rất nhiều mẫu thiệp lưu niệm với các công trình đặc trưng của Mỹ như tòa nhà Quốc hội, cầu Cổng Vàng... cũng được nhà xưởng này sản xuất với số lượng đơn hàng lớn.

Nhiều người đã đặt hàng những mẫu thiệp với số lượng lớn với hình hài là những con thú cưng của họ, mẫu biệt thự của gia đình, sân golf hay đơn giản chỉ là cảnh vật trước sân nhà mình.

Trong đó mẫu thiệp khiến các nhân viên thiết kế xúc động nhất chính là những tấm thiệp yêu thương được thiết kế riêng cho người khiếm thị với những dòng thông điệp bằng chữ nổi.

Thậm chí có những tấm thiệp với dòng chữ "I Love You" được khắc chữ nổi bằng các chi tiết giấy xoắn để những người thiệt thòi cũng được ngỏ lời yêu qua tấm thiệp giấy như người sáng mắt.

Theo Ngân, không chỉ đội ngũ thiết kế phải tìm hiểu về chữ nổi, tại nhà xưởng cũng có một đội sản xuất thiệp là người thợ câm điếc để vừa giúp họ sản xuất thiệp cho người đồng cảnh, vừa tạo công ăn việc làm cho những người yếu thế.

Từ nhà xưởng ở quận 12 (TP.HCM), hàng triệu tấm thiệp như vậy đã "bay" đi muôn phương để mang niềm vui đến cho các chủ nhân của những tấm thiệp năm mới, sinh nhật, tiệc cưới hay thiệp ngày của mẹ, ngày của cha...

Thậm chí có những người "ghiền" thiệp đến nỗi lập cả bộ sưu tập thiệp giấy xoắn theo các chủ đề công ty này đã sản xuất.

Niềm vui cánh thiệp Việt - Ảnh 2.

Đã có 15 triệu tấm thiệp được các bàn tay Việt sản xuất để xuất khẩu đi muôn phương - Ảnh: NGỌC HIỂN

Hàng triệu thông điệp yêu thương

Bà Nguyễn Phạm Thị Diễm Hương - giám đốc công ty - cho biết trước đây bà làm cho công ty đa quốc gia ở Việt Nam, sau khi lấy chồng ở Mỹ, bà thấy được tiềm năng nếu chào bán những tấm thiệp xinh xắn này sang Mỹ.

Một điều đặc biệt là tại Mỹ có 2 doanh nghiệp dẫn đầu (chiếm 80% thị phần tại Mỹ) và là đối thủ của nhau trong phân phối các loại thiệp này, song cả 2 đều tin tưởng đặt hàng từ doanh nghiệp của bà Hương.

Có thời điểm các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh, sản xuất thiệp bằng máy móc để nhái. Nhưng sản xuất công nghiệp không tỉ mỉ, sắc sảo như làm bằng tay nên tấm thiệp Việt vẫn vượt lên.

"Giờ mình chẳng ngại ai nhái hay ăn cắp mẫu mã nữa, cả những ông chuyên sản xuất hàng loạt như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng chẳng thể cạnh tranh được với sản phẩm làm bằng tay từ những người thợ Việt" - bà Hương khẳng định.

Chọn hướng đi khác biệt

Đối với văn hóa của người Mỹ và châu Âu, ngoài các dịp lễ truyền thống như Giáng sinh, lễ tình nhân, ngày của mẹ, ngày của cha, ngày cưới..., người dân còn trao gửi nhau những tấm thiệp cảm ơn, chia buồn, thiệp động viên hoặc thiệp chỉ để nhớ đến nhau.

Theo bà Hương, trong mùa COVID-19, người Mỹ lại càng gửi thiệp cho nhau nhiều hơn để động viên, chúc an lành hoặc cảm ơn, giúp gắn kết tình cảm.

Bà Hương cho hay điều đặc biệt là tất cả các thiệp giấy xoắn không in lời chúc sẵn, mà buộc người mua phải viết ra những lời yêu thương.

Lúc đầu đối tác phản đối, không bán thiệp vì... thiếu lời chúc in sẵn. Mất 4-5 năm thuyết phục, tạo nên thói quen tự tay viết ra những lời chúc thay vì in sẵn, bà Hương thành công.

Hiện thiệp từ VN được nhiều người xem là một tác phẩm nghệ thuật nên họ lưu giữ lại như một món quà. Không ít người còn đóng khung để treo trong nhà, trên bàn làm việc hoặc làm thành bộ sưu tập.

Nghệ thuật từ thời cổ đại

Nghệ thuật giấy xoắn không phải nguồn gốc từ VN, mà có từ thời Ai Cập cổ đại. Nữ doanh nhân Diễm Hương cho hay quilling vẫn còn được lưu truyền ở nhiều nơi trên thế giới nhưng họ chỉ làm vì yêu thích môn nghệ thuật này, chứ ít ai tổ chức thành công ty sản xuất chuyên nghiệp như Quilling Card.

"Và tôi muốn cả thế giới biết đến, ngưỡng mộ những bàn tay khéo léo của nghệ nhân VN khi làm nên những tấm thiệp này" - bà Hương kể.

Đến nay công ty đã xuất sang các nước châu Á, châu Âu, Mỹ... khoảng 15 triệu tấm thiệp, tức là có ít nhất 15 triệu thông điệp yêu thương đã được gửi trao đi muôn nơi.

Người trẻ kinh doanh hàng Việt giữa thời COVID-19 Người trẻ kinh doanh hàng Việt giữa thời COVID-19

Khi vừa tốt nghiệp đại học cũng là lúc nhiều người trẻ phải đối diện với thực tế: làm việc gì để tồn tại trước 'cơn bão' COVID-19? Duy và Sơn là hai trong số những người trẻ đã kiên trì với việc kinh doanh sản phẩm thuần Việt trên Shopee.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên