Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Cỡ chục năm trở lại đây, đọc các tác phẩm văn học thoạt đầu thấy không gì bất thường, nghĩa là có cuốn hay, có cuốn tàm tạm, có cuốn xoàng.
Nhưng ngẫm một chút lại thấy hình như bất bình thường, vì có người vào kẻ ra mà bấy lâu không để ý. Hiện tượng này chẳng biết nên mừng hay không nên mừng.
Nhân vật bị đẩy ra thì trớ trêu ở chỗ hằng ngày vẫn gặp, gặp nhiều, càng lúc khó khăn hoạn nạn càng hay gặp. Đó là những người tốt. Người tốt chiếm số đông trong xã hội, chính họ đã giữ hơi ấm cho tình đồng loại và họ thường khiêm tốn, thầm lặng.
Thời trước, dù còn thế này thế kia về chất lượng nhưng rõ ràng trong các tác phẩm văn học người tốt thường là nhân vật chính, chiếm thế thượng phong, hăng hái tranh đấu với cái xấu, khiến cái xấu ngượng ngập, chậm bước. Nhưng giờ tuồng như đang có cuộc đảo vai.
Đa phần trong tác phẩm hiện nay, người tốt, nếu có, cũng là những đốm sáng nhỏ nhoi, lẻo hẻo, ăn nói lí nhí. Thậm chí họ chỉ đóng vai trò như một vật tế thần cho cái xấu.
Lòng tốt và người tốt, hơn bao giờ hết, trở nên đáng thương đến mức trở thành cái nền tôn vinh kẻ xấu chứ không còn đủ lòng tin để trở thành đối thủ của kẻ xấu. Trên thực tế, như cách nói đầy kiêu hãnh của một nhà văn Ai Cập, rằng cái thiện đang chiến thắng cái ác, nhưng chẳng hiểu sao người tốt ngày một trở nên lẻ loi, xa vắng.
Cái gì đẩy người tốt ra khỏi các tác phẩm văn học?
Phải chăng do thị hiếu thay đổi, do quan điểm thay đổi? Phải chăng thời này chỉ có màu đen là đủ hấp lực kéo bạn đọc về phía tác phẩm? Phải chăng văn học đang tập trung quá mức vào việc mổ xẻ cái xấu và kẻ ác mà vô tình đẩy cái thiện và người tốt ra ngoài lề?
Nhà văn là lương tri, lương tri đi liền lòng can đảm. Còn lòng can đảm của nhà văn có khi chỉ đơn giản là viết về cái tốt thuần túy để những ai sắp nản lòng trước nanh vuốt sắc nhọn của đời sống có thêm động lực đi tiếp. Không thể phủ nhận một trong những phẩm chất của văn học là phê phán, nhưng ranh giới giữa lên án và cổ xúy xem ra đang bị nhập nhằng.
Hậu quả có thể làm sự tự tin mòn dần đi, trở nên bạc nhược và suy nản. Người chăm lo cho lúa tốt đáng phục hơn người vì mải nhổ cỏ dại mà để lúa bị bỏ đói. Văn học luôn là chỗ nương tựa của lòng tốt. Nói thế không có nghĩa văn học làm công cụ cho cái thiện, nó chỉ nghiêng về phía cái thiện mà thôi.
Người tốt đương thời đã bị đẩy ra khỏi vị trí trung tâm của các tác phẩm văn học, và một người khác, tuy cũ kỹ nhưng lại có danh có phận, bước vào.
Chưa bao giờ đề tài về lịch sử lại được quan tâm và viết nhiều như hiện nay. Biết bao nhân vật lịch sử cả quãng dài đang tiêu dao ở trên thượng giới hoặc uy linh trên ban thờ mờ ảo khói nhang giờ đột nhiên bị lôi tuột xuống hạ giới, bị điệu ra giữa ánh sáng phàm trần để phục vụ cho cơn sáng tạo ngẫu hứng.
Họ trở thành những kẻ ăn nói suồng sã, hàm hồ, hành xử thô lậu như lục lâm thảo khấu hoặc như những kẻ trác táng, dâm loạn thời hiện đại. Chính xác thì họ, những nhân vật lịch sử kia, trở thành cái bóng xệch xoạc của tác giả. Lý lẽ đưa ra là những nhân vật lịch sử, cụ thể là danh nhân và anh hùng, cũng là người thường.
Nghe thì đúng, thoạt tiên thế, nhưng chỉ cần đặt câu hỏi: nếu là người bình thường thì tại sao họ lại vượt lên để đứng lại với lịch sử mà không phải kẻ khác?
Chỉ cần đặt lại câu hỏi ấy thôi người ta sẽ thấy rằng cần phải thận trọng khi chạm tới nhân vật lịch sử. Thời gian, cũng chính là tâm thức dân tộc, đã làm một việc ý nghĩa, đó là dựng nên một hệ thống những nhân vật có giá trị để khẳng định sự tồn tại của mình.
Một dân tộc không có nhân vật lịch sử, không danh nhân, anh hùng là một dân tộc chông chênh. Xét cho cùng, anh hùng, danh nhân chính là người được chọn để làm chứng và minh chứng cho mỗi giai đoạn lịch sử. Sự hình thành của họ là công sức của cả dân tộc vun góp vào, trong đó không ngoại trừ việc lược đi những gì tầm thường nhất trong tư cách một con người.
Họ đã được nhấc lên khỏi chính bản thân họ. Bàn thờ không thiêng bởi gỗ, dù người ta luôn chọn gỗ quý để đóng, mà thiêng bởi tâm linh gửi vào đấy. Vậy tại sao lại làm cho nó bình thường trở lại hoặc tệ hơn, tầm thường đi. Thế gian vốn đầy rẫy phàm nhân, bỏ công biến một thần nhân thành phàm nhân nhằm giải quyết vấn đề gì.
Văn học không phải để thánh hóa con người, cũng không nhằm tục hóa con người. Nhà văn là kẻ quan sát lằn ranh giữa thánh và phàm, có thể thấy cái thánh trong phàm, thấy cái phàm trong thánh, thậm chí có quyền đặt ra các câu hỏi hoài nghi. Nguyên mẫu cũng có quyền đó.
Ở trường hợp cụ thể này, nhân vật bị đẩy ra sẽ thắc mắc: vắng mặt tôi, tác phẩm có thời thượng hơn không? Còn nhân vật bị kéo vào lại phân vân: có mặt ta thì tác phẩm trở nên sang trọng hơn không?
Hai câu hỏi thoạt nghe có vẻ hao hao, nhưng mỗi câu lại gây một cơn nhâm nhẩm đau khác nhau, rất khác nhau. Và dĩ nhiên quyền trả lời thuộc về mỗi người, dù thực tế chất lượng tác phẩm đã trả lời xong một phần.
"Câu hỏi về văn học trong mười năm qua thật sự rất khó trả lời với một người sáng tác, bởi cái mà tôi biết rõ nhất trong văn học Việt lại chính là... tôi và thế giới của chính tôi.
Người viết văn khi đã tập trung vào viết cũng giống như một thợ lặn đang chúi đầu càng lúc càng sâu xuống biển, nếu phải cho ý kiến tổng quan về tình hình trên mặt đất thì thiệt tình khó khăn lắm.
Cái nhìn tổng quan ấy, các nhà phê bình sẽ có nhiều lợi thế để nói hơn. Nhưng vì cũng cùng lặn biển với nhau nên tôi thực sự hiểu người viết văn Việt Nam đã trải qua những thử thách như thế nào để tồn tại.
Áp lực của mưu sinh, áp lực của thành kiến chính trị và nhiều ràng buộc khác. Mình phải tự thoát ra, để có được tự do cho cây bút của mình. Đôi khi tôi nghĩ nhà văn giống như con chim trong ngày giá tuyết, rất nhiều bất an rình rập nhưng vẫn cố dành bài ca trong trẻo để dâng tặng cuộc đời.
Hai năm nay dịch không về thăm nhà được, tôi dành thời gian xem lại nhiều sách văn học do các bạn tặng cho. Mỗi người đọc tìm trong tác phẩm một thứ khác nhau, cái tôi tìm là hình ảnh và cảm xúc Việt Nam trong đó. Khi ở trong nước đôi khi mình thấy bức bí, mong muốn văn học mình phải như Mỹ như Tàu, nhưng khi đi xa cái mình mong ước tìm gặp nhất là tâm hồn và cảm thức Việt.
Tôi cho rằng nghề văn là một nghề khá nghiêm khắc, nó không dung túng cho sự giả dối vì mỗi cuốn sách đều được công bố rộng rãi, không thể che giấu, như kiểu người ta giấu những vết nứt kín của một cây cầu hay một đoạn đường chẳng hạn. Cho nên đã viết văn rất khó làm gian làm giả, vì tác phẩm trưng bày công khai, ai cũng xem được. Cho nên nếu tục ngữ có câu "Làm chơi, ăn thật" thì nghề viết có thể nói là "Làm thật, ăn chơi".
Mười năm qua, theo tôi, cái đáng vui nhất là sự vượt qua của sách văn học trước cơn khủng hoảng thoái bộ của văn hóa đọc vào đầu thập niên. Khi công chúng đã dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội, sách muốn giành được người đọc không dễ dàng.
Nhưng cuối chặng đường mười năm nhìn lại mới thấy sự cạnh tranh đã làm cho các nhà xuất bản trở nên năng động và người viết cũng xích lại gần hơn với người đọc của mình. Tôi nhớ có một câu châm ngôn rất hay: "Cái mà con sâu hoảng hốt nghĩ là ngày tận thế té ra lại chính là ngày khởi đầu của một con bướm".
Mạng xã hội, từ chỗ là địch thủ của sách, nay đã thành nơi để truyền bá thông tin về sách, tạo những cao trào trong xu hướng đọc. Nó cũng là kênh dự phòng cho tác giả nếu chẳng may không tìm được sự đồng cảm của nhà xuất bản.
Nhà thơ Phùng Quán đã từng viết: "Người làm xiếc đi dây rất khó/ Nhưng không khó bằng làm nhà văn". Tôi nghĩ đấy là sự thật của một thời đã xa. Nhà văn bây giờ có nhiều cách để công bố tác phẩm. Vì vậy họ không cần phải đi dây, chỉ trừ khi... họ đã có thói quen và sở thích đi dây".
Có cảm giác như 10 năm trở lại đây, văn chương tồn tại như một loại thuốc đặc trị cho những thể trạng nhà văn đầy trắc ẩn. Sống bằng đam mê và nỗi đam mê giày vò, ta viết cho ai? Những tờ báo có in truyện ngắn ít dần.
Những cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết phát hành như một kiểu cho không biếu không và cũng ở không. Văn chương được định giá bằng số lượng phát hành. Nhưng những cuốn sách phát hành tốt lại là sách phi văn học.
Mọi người đang dần dà vào cái thời nhà văn gần như chỉ là những nhà tản văn hay những nhà tạp văn. Chút hơi hớm văn còn đọng nơi đó đã là may. Nhà văn vẫn đông, sách vẫn in ào ạt. Mỗi nhà xuất bản vẫn ra hàng mấy trăm đầu sách văn học mỗi năm, nhưng ra theo kiểu in một lần rồi bỏ.
Sự in cầu may "biết đâu cuốn sách này lọt vô tranh cãi, chợt bán chạy". In sách gần giống như mua số đề qua dự đoán thị hiếu đương thời. Những tác giả có lượng người hâm mộ ở lĩnh vực khác ngồi vào bàn phím gõ mớ chữ, sách bán chạy đã là nhà văn.
Văn chương hay á văn chương cũng chẳng là vấn đề quan trọng. Cái đáng ngại là những triết lý nửa vời cộng với một thân phận lên xe xuống ngựa của tác giả được giới trẻ định danh đó là chuẩn nghệ thuật sống hiện đại và chuẩn văn chương.
Nhà văn ngồi mày mò với kỹ thuật này nghệ thuật nọ, cấu tứ bẻ ngược xoay ngang này nọ rồi cũng xếp chồng xếp lớp và cuối cùng để dành tự mãn "Ta viết cho những người tri kỷ, mà đời tri kỷ có mấy người, ế chẳng nghĩa lý gì".
Những tác phẩm đích thực khó nắm bắt hay những tác phẩm rối ren có vẻ đích thực lẫn lộn vào nhau, nắm tay nhau chu du miền quên lãng.
Văn chương vẫn tồn tại. Bởi vốn dĩ nó thuộc về vương quốc tinh thần. Mà đã nói về tinh thần thì đồng tiền hình như không mấy quyền lực.
Nhà văn được cái tự thỏa mãn, được trôi khỏi thực tại ô dề khi đang viết. Nhà văn được viết đã trọn vẹn sứ mệnh của riêng mình. Độc giả đón nhận là một may mắn.
Sách vở vẫn ế ẩm lang thang thì kệ nó, văn chương sau khi làm tròn sứ mệnh giải phiền nó hồn nhiên thoát khỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Những đồng tiền văn chương trở thành những bông hoa để tỏa hương tỏa sắc, chưng ở nơi chốn trang trọng linh thiêng, chớ người ta không còn mòn mỏi chờ nó gánh về cho mớ gạo. Đồng tiền có được từ văn không còn định giá bằng lớn nhỏ mà định giá bằng độ lấp lánh mà tác giả nhìn thấy được.
Ai bám được nghề văn như là đang bám được một cuộc giải trí sang cả và lương thiện sau những tháng ngày vật lộn kiếm sống. Văn chương vẫn ngạo nghễ. Dễ hiểu thôi, khi bạn đã đóng vai chúa tể thống lĩnh vương quốc tinh thần thì bạn sẽ là một quái thai ở khu vườn vật chất.
Có thực tế mỗi khi nhắc đến văn học thiếu nhi trong nước, đa số vẫn quẩn quanh "điểm mặt chỉ tên" những bậc Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Hoài Dương, Trần Đăng Khoa... và tác phẩm thì Dế mèn phiêu lưu ký, Tuổi thơ dữ dội, Quê nội, Góc sân và khoảng trời, Đất rừng phương Nam, Cái tết của mèo con... đã xa lăng lắc.
Nếu lấy mốc sau năm 2000, chắc chỉ có các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đi vào bộ nhớ của nhiều người.
Với tôi, công bằng và sòng phẳng, hơn 10 năm qua vẫn có những tác phẩm văn học thiếu nhi xứng đáng được nhắc nhớ, xứng đáng có mặt thường xuyên trên kệ sách, chứ không phải xuất hiện rồi "một đi không trở lại".
Có thể kể ra như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Đi tìm hoang dã (Nguyễn Vĩnh Nguyên), Mèo con xa mẹ (Nguyễn Thị Thanh Bình), Giấc mơ buổi sáng (Nguyễn Lãm Thắng), Ra vườn nhặt nắng (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Tay chị tay em, Cút cà cút kít (Nguyễn Thị Kim Hòa), Con nít con nôi (Hoa Cúc & Mel Mel), Cúc Dại và Tia Nắng (Dy Duyên), Cà Nóng chu du Trường Sa (Bùi Tiểu Quyên), Siêu nhân Cua (Võ Diệu Thanh)... Một số tác phẩm như Con nít con nôi, Ra vườn nhặt nắng (tập thơ), Tay chị, tay em, Trên đồi, mở mắt và mơ (truyện vừa), bằng chính nội dung chứ không phải chiêu trò truyền thông, đã đạt số lượng phát hành hơn 10.000 bản, là con số ấn tượng trong tình hình xuất bản và văn hóa đọc hiện nay.
Nhiều người trẻ viết văn học thiếu nhi đã thoát được lối cũ, kiểu mỗi tác giả sắm vai ông bố bà mẹ hoặc thầy cô với những bài học răn dạy, giáo điều khô cứng.
Thay vào đó, các nhân vật được nói cười buồn vui thoải mái như chính các em, không thấp thoáng hình bóng người lớn khóc mướn cười thay hay nói hộ. Văn học thiếu nhi trước hết là vần thơ, câu chuyện phả vào trí tưởng và thế giới sinh hoạt của các em, chứ dứt khoát không phải giáo dục đạo đức, mà nếu có, giáo dục phải đến sau, từ xa, thấp thoáng.
Những năm gần đây nhiều đơn vị xuất bản không chuyên làm sách thiếu nhi cũng mở rộng sản phẩm hướng đến các em, trong đó có sách văn học thiếu nhi, cộng thêm nữa là đầu tư về mặt mỹ thuật.
Ở phía người viết, văn học thiếu nhi đang được nhiều tác giả trẻ quan tâm, rồi các tác giả thành danh với văn học người lớn bắt đầu viết cho thiếu nhi khi có con, có cháu. Song song đó là sự xuất hiện của một số tác giả nhỏ tuổi.
Ở góc độ đề tài, bên cạnh những sáng tác về đồng thoại, sinh hoạt, giả tưởng, văn học kết hợp kỹ năng sống, văn học kết hợp kiến thức khoa học cho thiếu nhi cũng đã được các tác giả trong nước thể hiện...
"Tác phẩm viết bằng tiếng Việt", "nhà văn người Việt", "nhà văn trong nước", "nhà văn gốc Việt"... dường như đã không còn là những cụm từ - ngữ đầy vách ngăn, mà đang tiệm tiến sự cộng hưởng của những giá trị mới mẻ, làm phong phú hơn gia tài văn học của đất mẹ.
Những tháng cuối năm 2021 có một số sự kiện văn học đáng chú ý: Chúa đất của nhà văn Đỗ Bích Thúy và Tôi là Bêtô - tác phẩm thứ hai của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sau Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ - được xuất bản tại Hàn Quốc; bản thảo Parc aux roseaux (Công viên những cây sậy) của Thuận cập bến Actes Sud - một nhà xuất bản hàng đầu ở Pháp; tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) của nhà thơ, nhà lý luận người Mỹ gốc Việt Ocean Vương sắp xuất bản tại Việt Nam và bài viết "Nỗi buồn Bảo Ninh" đăng tải trên Zzz Review số 2021: Về sự dịch.
Nếu những câu chuyện trước gắn với các hiện tượng xuất bản đơn thuần của nhà văn người Việt thì câu chuyện cuối lại nghiêng hẳn về một "xét lại" trong sự dịch. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bản dịch tiếng Anh cuốn The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh/Bảo Ninh) của dịch giả Frank Palmos được xuất bản vào năm 1993 (nhận giải thưởng Tác phẩm nước ngoài xuất sắc nhất (Best Foreign Book) năm 1994 do tạp chí The Independent của Anh bình chọn, lọt top 50 Tác phẩm dịch xuất sắc nhất thế kỷ 20 do Hiệp hội Tác giả Anh (Society of Authors) bình chọn năm 2010), mới có một bài phê bình về các lỗi dịch thuật của nó.
Những sự kiện tưởng chừng không liên quan mà lại rất liên quan này, nằm trong một sự chuyển dịch mới, bổ sung, cùng "đọc" nhau để thoát khỏi điểm nhìn "bến lạ".
Khi "phiên bản tiếng Anh của Palmos trở thành một bản dịch mà Atmane El Amri gọi là bản dịch tước quyền (disempowering translation)", trong đó dịch giả tự ý thêm mắm thêm muối, tùy hứng nhiều chỗ, thiếu tôn trọng bản thảo gốc, thì trong cái bức tường mỏng mảnh kia, có thể nghe ra cả ý hướng tự cường, tự chủ đương đại, mong muốn thoát xác những mặc định, những "điển cố" thuộc địa và vẫy gọi vào tương lai.
Ở đó đã bắt đầu có những cựa quậy đối thoại văn hóa của một lứa đọc và phê bình mới. Của những di dân ra đi, nay xuất hiện đàng hoàng bằng tiếng Việt hoặc tâm thức Việt.
Của một thứ tiếng Việt mới, mong muốn nhập cuộc văn chương thế giới, nhưng cũng biết đàng thâu nhận những gốc gác, những đứa con xa nay đã trở về, làm giàu hơn, đầy đủ hơn dung lượng của nó.
Tất nhiên đây là kết quả của một quá trình dài dịch chuyển, tiếp nhận, nhận ra căn tính Việt từ trong cốt tủy, như một yêu cầu của diễn tiến văn hóa, từ chính người Việt.
Ta cũng không phải chờ đến vài thập niên này, các tác phẩm Việt mới ra với bên ngoài. Từ thời phong kiến, các tác phẩm An Nam chí lược, Nam Ông mộng lục... đã được giới thiệu tại Trung Hoa; sang cận đại, Truyện Kiều (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) đã được in ở Pháp với một vỏ bọc ngôn ngữ khác...
Sau này các tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái, Tô Hoài, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư... cũng được dịch và giới thiệu ở nước ngoài qua nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Song, với hiện tượng "nhập siêu" văn hóa nói chung và văn chương nói riêng, sách dịch áp đảo thị trường xuất bản vài chục năm trở lại đây, ít nhiều cho thấy một sự lép vế nội biên.
Trong khi đó những nỗ lực bắc nhịp cầu văn học Việt ra bên ngoài, sự tham dự của nhà văn gốc Việt vào không khí văn chương thế giới, hay hòa nhập vào "nền cộng hòa văn chương thế giới" (la république mondiale des lettres - chữ của nhà phê bình văn học lớn người Pháp Pascale Casanova) trở thành những điểm sáng đáng kể.
Để rồi trong số những nhà văn gốc Á được bạn đọc phương Tây biết đến thời gian qua, có những cái tên gốc Việt được xướng lên: giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình năm 2021 vinh danh nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai với The mountains sing - viết về những sự kiện lịch sử thông qua thân phận các thành viên trong bốn thế hệ của gia đình họ Trần - giải nhì ở hạng mục hư cấu; Ocean Vương - tác giả của On Earth We’re Briefly Gorgeous - ngay từ khi ra mắt đã "càn quét" mỹ cảm phương Tây, được vinh danh ở giải thưởng Nhân tài (MacArthur Fellowship); Việt Thanh Nguyễn, người đoạt giải Pulitzer năm 2016 với tác phẩm The Sympathizer và trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên vào hội đồng chấm giải Pulitzer sau đó; Cathy Linh Che với giải thưởng thi ca Kundiman, giải thưởng Norma Farber First Book của Hiệp hội thi ca Mỹ và giải thưởng Tập thơ hay nhất của Hiệp hội Nghiên cứu người Mỹ gốc Á cho tác phẩm Split...
Ngoài ra, có thể thêm nhiều cái tên khác.
Có hay không cái gọi là văn chương của thế giới thứ ba? Liệu có thể xác định được đâu là những phẩm cách căn bản của văn chương thế giới này mà không sa vào chủ nghĩa địa phương hẹp hòi?
Theo tiểu thuyết gia người Thổ Orhan Pamuk, trong cách diễn đạt tinh tế nhất, "khái niệm văn chương thế giới thứ ba nhằm làm nổi bật sự phong phú và phạm vi của những nền văn chương bên lề và quan hệ giữa chúng với căn tính phi phương Tây và chủ nghĩa quốc gia".
Hay "các nền văn chương này đóng vai trò những dụ ngôn dân tộc" theo cách nói của nhà phê bình văn học người Mỹ Fredric Jameson? Orhan Pamuk đặt câu hỏi: Phải chăng, tính độc đáo của nó bắt nguồn từ một điểm nhìn xa trung tâm văn chương thế giới và cảm nhận được khoảng cách này trong họ?
Nhưng với những "diễn từ" bằng văn chương của Ocean Vương, Việt Thanh Nguyễn, Kim Thúy, Thuận... hay những nhà văn khác nữa, có thể thấy có lẽ nó là một trạng huống phức tạp hơn nữa.
Chẳng hạn trong thơ Ocean Vương dùng tiếng Việt nhiều lần, có cả dấu, thậm chí không cả dịch nghĩa: "Ba/Bà ngoại, Hạ Long bay, Củ Chi, Vietnam, Cà pháo, Gia đình", "Lan ơi, em khỏe không. Giờ em đang ở đâu...", "Không có gì bằng cơm với cá/Không có gì bằng má với con"...
Phải chăng ở vị trí người kể những câu chuyện đặc biệt và thường bị lãng quên, họ thúc đẩy sự nhớ lại, nhắc nhớ cách những câu chuyện bản sắc được tạo thành, cách chúng trôi dạt trong lịch sử nhân văn của thế giới; đồng thời, thấy cả sự đào thoát khỏi vị trí của một nhà văn có xuất thân từ đất nước nhỏ để khẳng định quốc tịch của nhà văn là văn học, chứ không phải là bất cứ điều gì khác?
Khi On Earth We’re Briefly Gorgeous được sống bằng tiếng Việt, Ocean Vương nói đó là "thứ ngôn ngữ gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về "nhà", thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui".
Việc tác phẩm của Ocean Vương hay các nhà văn gốc Việt khác "về nhà", hay những nhà văn trong nước ra ngoại biên, cách Đỗ Bích Thúy chúc mừng nàng Vàng Chở - nhân vật chính trong Chúa đất - có một cuộc đời hạnh phúc hơn ở xứ kim chi; hay nhu cầu giữ nguyên bản sắc khi được diễn dịch sang một thứ ngôn ngữ khác qua trường hợp Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh... là những đốm sáng của ngoại biên. Đi ra hay về nhà cũng đều là nhu cầu tự thân, là đốm sáng khi đặt trong không khí văn chương trong nước phần đa khuất gió.
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận