10/03/2016 11:38 GMT+7

Nhường chế độ nghèo cho người khác

YẾN TRINH - VŨ TOÀN (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH - VŨ TOÀN (yentrinh@tuoitre.com.vn)

TT - Mỗi tháng được cấp vài trăm ngàn đồng từ tiền vận động của địa phương, có thẻ bảo hiểm, con đi học được miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền điện... là chế độ dành cho các hộ nghèo hiện nay.

Bà Ngô Thị Sâm từ chối suất hộ nghèo hai năm nay dù bà nghèo rớt mồng tơi - Ảnh: Yến Trinh
Bà Ngô Thị Sâm từ chối suất hộ nghèo hai năm nay dù bà nghèo rớt mồng tơi - Ảnh: Yến Trinh

“Mình được hưởng chế độ hộ nghèo cũng lâu rồi, giờ mua được hai con bò nuôi sau này chắc sẽ trả được nợ vay, lại có tiền lương dọn vệ sinh. Nhiều người còn khổ hơn mình mà mình cứ khư khư hưởng chế độ sao được...

Chị Nguyễn Thị Hường

 

 

Thế nhưng ở Nghệ An có những gia đình từ chối vào hộ nghèo, dù khi nhắc đến họ người ta đều bảo đó là “những người không thể nào nghèo hơn được nữa”. Chúng tôi tìm gặp những người này trong các thôn xóm heo hút và phần nào hiểu được lý do họ từ chối...

Hai con mắm, hai trái khế

Xế trưa, căn nhà 6m2 của bà Ngô Thị Sâm (87 tuổi, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu) vẫn gài khóa. Lát sau bà đạp xe về, chở lỉnh kỉnh nào bao, nào giỏ đựng đồ nghề bán trầu cau.

Gọi là nhà nhưng nơi này giống căn chòi trát ximăng, trong góc đặt chiếc giường đơn lót tấm nệm cứng đơ, bên kia là bếp củi, chiếc kệ đựng đồ lặt vặt.

Khi bà mở những tấm ván cửa sổ để khí trời tràn vào căn nhà, chúng tôi nhìn thấy trong rổ hai cái chén úp chỏng chơ. Kế bên là đĩa thức ăn có hai con mắm và hai trái khế xanh.

Bà cười: “Ăn rứa quen rồi, chừng ni ăn hai ngày không hết mô”. Rồi bà lấy gạo nấu cơm, dáng còm cõi cô độc khiến ai trông thấy cũng chạnh lòng.

Mấy chục năm nay, nhờ thúng trầu cau ven chợ Diễn Thọ đều đặn mỗi buổi sớm mà bà Sâm đã nuôi nấng sáu người con, trong đó hai người mất từ nhỏ do di chứng chất độc da cam.

“Ông nhà mất cách đây hai chục năm. Ông là thương binh hồi kháng chiến. Mình cứ ở vậy nuôi con, giờ chúng nó đi làm ăn xa cũng chỉ đủ ăn, nên mình không nhờ cậy chúng nó làm chi” - bà nói.

Thật vậy, bà kể chỉ trừ mấy lúc bệnh quá phải đi viện, còn lại bà không phiền đến con mình dù chỉ một đồng. Mấy người phụ nữ ở gần khi nhắc tới bà Sâm đều bảo: “Bà nớ hay lắm, chả bao giờ mất lòng ai, hiền lành chịu khó vô cùng”.

Đầu năm 2014, thôn bình xét hoàn cảnh bà Sâm để hưởng chính sách hộ nghèo. Bà từ chối. Khơi một miếng trầu, người đàn bà răng đen móm mém: “Tôi giờ con cái lớn cả rồi, không phải lo nữa. Mình già thì già nhưng vẫn ra chợ, đủ tiền gạo mắm, không nhận hộ nghèo mô”.

Bà bảo trong thôn còn có nhà anh Nguyễn Văn Thành khổ hơn bà, lại đang nuôi hai con nhỏ, xứng đáng nhận chuẩn hộ nghèo hơn bà.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Thành, quả đúng như bà Sâm nói, vợ chồng cũng nghèo xác xơ. Người chồng nói năng ú ớ vì chứng tâm thần nhẹ, còn chị vợ tỏ ra cảm kích khi nhắc tới bà Sâm.

Xác nhận điều này, anh Hoàng Hữu Tình - phó chủ tịch UBND xã Diễn Thọ - nói thêm: “Bà Sâm tuy cảnh nhà khó khăn nhưng rất biết nghĩ cho người khác. Đầu năm 2015, xã cũng xét hộ nghèo cho bà nhưng bà từ chối. Hiếm có ai như bà”.

Chị Nguyễn Thị Hường vay vốn mua hai con bò nuôi hai tháng nay. Chị cũng xin thoát nghèo để nhường cho những người khổ hơn mình -                         
Ảnh: Vũ Toàn
Chị Nguyễn Thị Hường vay vốn mua hai con bò nuôi hai tháng nay. Chị cũng xin thoát nghèo để nhường cho những người khổ hơn mình - Ảnh: Vũ Toàn

 

Nghèo cho sạch, rách cho thơm

Ngõ nhỏ đối diện nghĩa trang làng Hưng Dũng (TP Vinh) buổi chiều thấp thoáng một phụ nữ đi bộ, dáng nhỏ thó, tay xách túi nilông. Trong đó đựng mấy vỏ lon nước ngọt, chai nước suối mà chị nhặt được trên đường đi chăn bò.

Nếu không kể bốn người con thì hai con bò vay từ tiền chính sách của P.Hưng Dũng từ đầu năm nay là gia tài lớn nhất của chị Nguyễn Thị Hường (49 tuổi). Chị dẫn chúng tôi vào ngôi nhà vốn là nhà tình thương do xã xây tặng, rồi kể về cuộc đời của mình với giọng thản nhiên đến khổ.

Quê ở Hải Dương, chị theo chồng lên Khu kinh tế Thái Nguyên lập nghiệp. Khi bốn người con ra đời và đứa nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi thì chồng chị mất. Năm mẹ con dắt díu nhau về quê chồng ở làng Hưng Dũng này.

Vì bên chồng cũng khó khăn, chị đem con ra ngoài thuê nhà 50.000 đồng/tháng ở tạm. Một năm sau không kham nổi tiền nhà, chị xin ở chỗ miếng đất hoang gần nghĩa trang.

Chị kể: “Tang chồng còn dư được một chỉ vàng, tôi bán đi lấy tiền mua cây mua bạt về dựng lều, rồi đi lấy rau muống đem ra chợ bán. Bán xong bữa nào thì trả nợ tiền vốn mượn bữa ấy”.

Mỗi ngày, người đàn bà này dậy từ 4g, bất chấp giá lạnh lội bộ ra ruộng nhà người cắt rau muống bán lấy tiền lời nuôi con. “Số khổ cứ khổ hoài thôi” - chị nói và kể về những buổi tối trở về thấy bốn đứa nhỏ nheo nhóc mếu máo khóc, nhưng không dám đòi mẹ vì chúng biết mẹ đang mệt.

Anh Nguyễn Văn Trường và chị Vương Thị Kỳ - Ảnh: Yến Trinh
Anh Nguyễn Văn Trường và chị Vương Thị Kỳ - Ảnh: Yến Trinh

Năm 2006, phường biết hoàn cảnh của chị nên đưa vào hộ nghèo. Chị kể lúc đó khổ đến mức chị trông mong tới ngày 20 hằng tháng lên lãnh tiền trợ cấp (chị nói thời đó là 180.000 đồng/tháng).

Cách đây 7-8 năm, phường xin cho chị dọn vệ sinh trong bệnh viện tỉnh, mỗi tháng được hơn 2 triệu tiền lương. Năm ngoái chị xin ra khỏi hộ nghèo.

Chị phân bua: “Mình được hưởng chế độ hộ nghèo cũng lâu rồi, giờ mua được hai con bò nuôi sau này chắc sẽ trả được nợ vay, lại có tiền lương dọn vệ sinh. Nhiều người còn khổ hơn mình mà mình cứ khư khư hưởng chế độ sao được...”.

Sống như vậy nhưng chị Hường không bao giờ ngừng hi vọng. Chị khoe với chúng tôi con trai thứ ba của chị vừa nhập ngũ. Giờ chị chỉ còn lo cho con gái út đang học lớp 10.

“Con bé là học sinh giỏi cấp tỉnh, đậu trường chuyên nhưng sợ nặng tiền học nên phải để cháu học trường khác” - chị nói.

Cách nhà chị Hường chừng 2km là nhà của anh Nguyễn Văn Trường (42 tuổi) và chị Vương Thị Kỳ (33 tuổi). Anh Trường bị uốn ván, từ nhỏ không đi lại được.

Chị Kỳ bị tật hai chân, người nhỏ thó, đi lại vẹo vọ. Ăn uống chi phí trong nhà phụ thuộc mấy con gà và hai sào ruộng của chị Kỳ. Cuộc đời làm vợ của chị Kỳ là những tháng ngày chăm lo cho chồng với tình thương không giới hạn.

“Anh bị viêm phổi nặng, năm nào cũng đi viện, có lần lên tận Hà Nội chữa. Mỗi khi trở trời anh đau nhức khắp người, cáu gắt nạt nộ kinh lắm nhưng mình quen rồi. Vợ chồng mà” - chị nói.

Nói về việc ra khỏi hộ nghèo, chị Kỳ cho biết: “Mình vào hộ nghèo cũng được mấy năm rồi, mà nghe cán bộ nói tiêu chuẩn hộ nghèo phần nào giúp những hộ có con đang đi học được miễn học phí. Mình thì con mới 2 tuổi nên thấy nhường cho những hộ khác hưởng tiêu chuẩn ấy thì phù hợp hơn”.

Rời những ngôi nhà tuềnh toàng của những người giàu lòng tự trọng ấy, chúng tôi nhớ hoài gương mặt khắc khổ nhưng mang nét thanh thản của bà Sâm, của chị Hường, chị Kỳ khi họ nói về cái nghèo.

Họ cho rằng nghèo không có lỗi, nhưng cứ để mình nghèo hoài và trông chờ vào chính sách thì đó là điều không nên làm. Họ từ chối suất chế độ nghèo vì không muốn mình trở thành gánh nặng của Nhà nước.

Phong trào nghèo

Ông Nguyễn Đăng Dương - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An - cho rằng: “Không ít hộ gia đình sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, chật vật nhưng không muốn mình mang tiếng bị nghèo nên họ phấn đấu bằng mọi cách thoát nghèo.

Ngoài sự giữ lòng tự trọng, họ còn muốn nhường lại chế độ nghèo cho người còn nghèo hơn mình. Đó là ý thức nhân văn rất đáng chia sẻ.

Ngược lại, trong xã hội vẫn còn một số người chưa đến nỗi nghèo nhưng vẫn tìm cách xin cho được tiêu chuẩn hộ cận nghèo hoặc hộ nghèo. Việc đua nhau làm hộ nghèo, xã nghèo có lúc trở thành phong trào ở một số huyện.

Vì thế, hình ảnh những hộ nghèo làm đơn tự nguyện xin rút khỏi hộ nghèo chắc chắn có tác động tới nhận thức của không ít người cố xin cho được hộ nghèo”.

Hiện Sở LĐ-TB&XH Nghệ An chưa có cuộc điều tra để biết trong tỉnh có bao nhiêu hộ tình nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, nhưng tỉ lệ hộ nghèo có chiều hướng giảm rõ rệt. Cụ thể năm 2014 toàn tỉnh có 10,52% hộ nghèo. Năm 2015 tỉ lệ này xuống thấp hơn, chỉ còn 7,5%.

YẾN TRINH - VŨ TOÀN (yentrinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên