02/12/2021 06:03 GMT+7

Những tổ cấp cứu 'đặc biệt' ở khu phố

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Là cánh tay đắc lực của trạm y tế, tổ y tế lưu động khu phố đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân TP Thủ Đức (TP.HCM). Họ là tổ trưởng tổ dân phố, tình nguyện viên, cựu chiến binh, hội phụ nữ... âm thầm trên chiến trường chống dịch.

Những tổ cấp cứu đặc biệt ở khu phố - Ảnh 1.

Tổ y tế lưu động khu phố 2 phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) test nhanh ngẫu nhiên cho người dân

Đây là mô hình mới kế thừa tổ COVID-19 cộng đồng sau khi lực lượng quân y rút khỏi TP.

F0 phải được cấp cứu nhanh nhất

Chiều cuối tuần, nhận được tin báo của người dân về một trường hợp đang làm công trình trên địa bàn Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 cũ) có biểu hiện sốt. Lập tức tổ y tế lưu động khu phố 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức bao gồm 6 người, đội mưa đến công trình để kiểm tra. Qua test nhanh 16/21 người dương tính COVID-19, nếu phát hiện chậm thì điều gì sẽ xảy ra?

Quá 12h trưa, cái nắng như đổ lửa vào những ngày cuối tháng 11 cũng không thể ngăn cản được công việc truy vết F0 của tổ y tế lưu động khu phố 2 (phường Thạnh Mỹ Lợi). Một tổ từ 3 - 6 người bao gồm: nhân viên y tế, tổ trưởng các tổ dân phố, tình nguyện viên... cứ tiếp tục công việc, xét nghiệm, vận động, kiểm tra các công trình đang xây dựng...

Đầu tháng 10, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, số ca F0 tiếp tục gia tăng trong khi nhân lực của trạm y tế lại không đáp ứng kịp, các tổ y tế lưu động khu phố trên địa bàn TP Thủ Đức đã ra đời. Nhiều người là cán bộ đã nghỉ hưu nhưng cũng xung phong đánh cho thắng trận cuối, vì với họ đây là lúc họ cần đóng góp gì đó cho xã hội.

Anh Huỳnh Nam Khải, ủy viên chi bộ khu phố 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, cho biết không phải từ đầu tháng 10 mà bắt đầu mùa dịch những cán bộ tổ dân phố đã lao mình theo chống dịch bất chấp nguy hiểm, địa bàn khu phố 2 có hơn 10.000 dân, trong đó có 16 tổ, đang theo dõi gần 300 F0.

Biến các trụ sở dân phố làm "căn cứ" để dập COVID-19, là nơi chứa bình oxy, sáng đèn suốt đêm, áp lực công việc của họ không khác gì những nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Chỉ cần một cuộc điện thoại của người F0, tổ đã có mặt xử lý chậm nhất trong vòng 24 giờ, chưa có bất kỳ trường hợp nào để quá 24 giờ.

"Mùa dịch công việc của các tổ dân phố lại tăng lên gấp bội từ vận chuyển bình oxy cho người F0 cấp cứu, phát gói hỗ trợ, chở nhân viên y tế xuống nhà người F0 thăm khám, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn...", anh Khải nói.

Ông T.V.D. (55 tuổi, phường Thạnh Mỹ Lợi) cho biết ngày 15-11, gia đình phát hiện có 3 người dương tính COVID-19. Trước đó, những ngày đầu tháng 7 nhà đã từng có người F0, nhưng gọi cho trạm y tế nhiều lần không được vì quá tải. 

Lần này gia đình ông D. chỉ cần gọi điện cho tổ y tế lưu động khu phố, 3 tiếng sau đã có nhân viên y tế xuống test, phát thuốc và phát luôn túi an sinh. "Tôi yên tâm lắm, các chú trong tổ dân phố lại rất nhiệt tình giúp đỡ hỗ trợ cả túi thuốc lẫn túi an sinh", ông D. xúc động nói.

Ngày nào cũng vậy, không kể giờ giấc "biệt đội" này chia nhân sự ra thành nhiều đội khác nhau: đội phát hiện ca F0, đội kiểm tra các công trình, đội gỡ điểm phong tỏa... nhờ vậy các F0 trên địa bàn liên tục được tiếp cận y tế sớm. Không chỉ có công việc phát hiện người F0, họ còn kiêm luôn việc chăm sóc, động viên, bám sát tình hình F0.

Những tổ cấp cứu đặc biệt ở khu phố - Ảnh 2.

Tổ y tế lưu động chăm sóc cho người F0 - Ảnh: T.HIẾN

Hỗ trợ bằng lương tâm

Mặc dù mới thành lập vào những ngày đầu nhưng đã không ít lần tổ y tế lưu động khu phố cũng gặp phải những khó khăn nhất định vì nhiều người dân không hợp tác.

Tối 20-11, qua test ngẫu nhiên tổ y tế lưu động khu phố 2 đã phát hiện ra một nhân viên công ty chuyển phát nhanh trên địa bàn dương tính COVID-19. Tổ đã báo cho phường để niêm phong, tuy nhiên đơn vị này cho rằng các bưu phẩm quan trọng, không được chậm trễ chuyển đi khi chưa khử khuẩn, họ không những không chấp hành mà còn hành hung nhân viên của tổ. Lực lượng của phường phối hợp với tổ mãi đến 24h đêm mới được giải quyết.

Nhiều trường hợp người dân không chịu hợp tác, cả đội chờ đợi cố gắng ở lại động viên gia đình F0 cho bằng được. Ngoài ra, đội còn kiểm tra ngẫu nhiên với những người đi đường, đặc biệt là hàng rong, buôn bán... nếu chưa tiêm vắc xin sẽ được đăng ký tiêm.

Trong đội, tổ trưởng tổ dân phố cũng là những người có vai trò quan trọng. Ai cũng biết rằng người nắm địa bàn nhất, thông thuộc từng ngõ ngách, nhớ từng người dân nhất là tổ trưởng tổ dân phố. Trong dịch họ cũng chính là những người âm thầm, lặng lẽ theo sát đến sức khỏe của từng nhà.

"Cũng có những người hiểu cho nỗi vất vả của chúng tôi, nhưng cũng có những người không hiểu được. Như trong đợt dịch vừa rồi, nhiều người không thuộc nhóm nhận hỗ trợ nhưng cứ nghĩ rằng chúng tôi ăn chặn, bớt xén rồi la lối. Đã nhiều lần áp lực muốn buông bỏ, nhưng mình làm vì lương tâm mình, vì trách nhiệm với người dân", ông Hồ Văn Tiên, tổ trưởng tổ 20, phu phố 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, trầm ngâm.

26 tuổi, còn rất trẻ nhưng anh Nguyễn Huỳnh Minh Vương, tổ trưởng tổ 21, khu phố 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, đã sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ của người tổ trưởng. Đối với anh, điều duy nhất để gắn bó với công việc là lương tâm, sự kỳ vọng của mọi người.

Khi được hỏi về tất cả những mong muốn của các thành viên trong tổ, họ chỉ mong muốn duy nhất là mau hết dịch, quay trở lại cuộc sống bình thường. Còn công sức, những gì họ bỏ ra vì dân họ coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ mà không đòi hỏi bất cứ một lợi ích nào.

TP.HCM đề xuất khẩn duy trì nhân lực 85 trạm y tế lưu động

Ngày 1-12, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi đến UBND TP, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch COVID-19 về việc tiếp tục hỗ trợ lực lượng y tế thuộc Bộ Quốc phòng tham gia trạm y tế lưu động trên địa bàn TP đến hết 31-12.

Theo Sở Y tế TP, hiện nay ngành y tế và ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện đang xây dựng lộ trình đảm bảo nhân sự tại chỗ để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động khi lực lượng quân y rời khỏi TP.

Tuy nhiên, đến ngày 29-11 vẫn còn một số quận, huyện có số ca F0 đang cách ly tại nhà ở mức tương đối cao, tập trung ở các quận, huyện như: quận 12 (6.327 người), huyện Hóc Môn (8.147 người), TP Thủ Đức (20.522 người), huyện Bình Chánh (7.166 người), quận Gò Vấp (3.973 người), quận Bình Tân (4.210 người), quận Tân Phú (4.829 người) và huyện Nhà Bè (1.181 người).

Vì vậy, Sở Y tế kiến nghị UBND TP đề xuất Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động 85 trạm y tế lưu động với số lượng 153 nhân viên y tế trên địa bàn TP đến hết tháng 12-2021.

TP.HCM đề xuất cho y tế tư nhân làm trạm y tế lưu động, chăm sóc F0 tại nhà TP.HCM đề xuất cho y tế tư nhân làm trạm y tế lưu động, chăm sóc F0 tại nhà

TTO - Sở Y tế quy định giá cho 1 lần khám tại nhà không cao hơn giá khám dịch vụ của các bệnh viện công lập trên địa bàn là 200.000 đồng/lượt khám...

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên