07/11/2017 17:04 GMT+7

Những tiết học văn khác biệt

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Tự đọc toàn văn tác phẩm, tái hiện bằng vở kịch, dự án thuyết trình, nghiên cứu khoa học… học sinh bị môn văn lôi cuốn từ lúc nào không hay.

Những tiết học văn khác biệt - Ảnh 1.

Học sinh thuyết trình về cuốn sách "Nhà giả kim" tại buổi thuyết trình của học sinh khối 8,9 trường phổ thông liên cấp Wellsping (Hà Nội) - Ảnh: VĨNH HÀ

Đó là câu chuyện đổi mới dạy văn ở Trường phổ thông liên cấp Wellsping (Hà Nội).

Mê đọc sách nhờ phải đọc sách

Đức Nam, cậu bé lớp 9 chia sẻ sau buổi thi thuyết trình về sách rằng trước đây cậu hầu như không đọc sách, kể cả những truyện ngắn, càng không bao giờ nghĩ mình có thế đọc những cuốn kinh điển như "Kiêu hãnh và định kiến", "Nhà giả kim", "Giết con chim nhại"… vì sách nhiều chữ, cảm thấy khó nhớ, khó hấp dẫn. 

Nhưng khi tham gia dự án đọc, thuyết trình và tranh biện, cậu bắt đầu ép mình phải đọc. Không chỉ đọc sách mà đọc các bài phê bình, trao đổi với cô giáo và các bạn và nhận ra những điểm có ý nghĩa.

Nhóm Đức Nam, Hải Nam, Hoàng Giang và Gia An đã có một bài thuyết trình khá thuyết phục về giá trị "tôn trọng" trong truyện "Nhà giả kim". "Mọi điều đều có thể là sự thật nếu bạn biết mơ ước và tôn trọng mơ ước của bản thân mình", Hải Nam chia sẻ.

Còn một bạn khác trong team của Hải Nam cũng cho rằng "Tôn trọng những trải nghiệm, trong đó có cả thất bại, vì tất cả đều có những ý nghĩa để bạn bước tiếp".

Cứ khoảng 2 tháng một lần, cuộc thi thuyết trình như thế này sẽ diễn ra ở trường Wellspring. Nhưng để chuẩn bị cho nó, học sinh có các giờ đọc và tranh biện về những cuốn sách được chọn đọc theo chủ đề.

Ngay trong tiết học văn, giáo viên cũng dành thời gian cho học sinh đọc và tranh biện về tác phẩm văn học trong chương trình, hoặc một tác phẩm của cùng tác giả, cùng dòng văn học.

"Ví dụ như tôi để các em học sinh tranh luận về kết của truyện "Cô bé bán diêm" là có hậu hay không có hậu. Các em muốn một cái kết như thế nào", cô Nguyễn Thu Trang, phụ trách dự án đọc của trường chia sẻ.

"Tranh biện là một kĩ năng mà học sinh của tôi được chú trọng rèn khá nhiều qua dự án đọc, từ đó các em bộc lộ suy nghĩ, quan điểm riêng và bị lôi cuốn vào giờ học mà trước đó các em tưởng nhàm chán", cô thêm.

Đọc - tranh biện; Đọc - viết sáng tạo; Đọc - thuyết trình là các kết hợp để rèn kĩ năng viết, thuyết trình, lập luận, phản biện. Nó cũng là hành trình để học sinh đi từ không thích tới thích sách.

Dự một buổi thuyết trình của học sinh trường này, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi các em đọc cả những cuốn sách khá khó đọc và biết cách tóm tắt, phân tích những giá trị theo góc nhìn riêng, vẽ sơ đồ tuyến nhân vật, mô phỏng câu chuyện bằng hình vẽ, bằng hoạt hình…

Năm 2016, dự án đọc của trường này thực hiện hành trình "vòng quanh thế giới bằng sách" khi cho học sinh chọn các cuốn sách của tác giả các quốc gia khác nhau, những cuốn để lại dấu ấn văn hóa của mỗi vùng đất, lãnh thổ. Từ sách, học sinh hiểu thêm về lịch sử, địa lý, văn hóa, trên cơ sở tự viết nhận xét, so sánh…

Trả tác phẩm cho học sinh

Thay vào việc chỉ cho học sinh đọc đoạn trích và trình bày một bài giảng phân tích, nêu nội dung, giá trị của tác phẩm như cách truyền thống phổ biến ở nhiều nhà trường, trường Wellsping giao lại tác phẩm văn học cho các nhóm học sinh tự đọc toàn văn, tìm hiểu giá trị, viết tiểu luận, hoặc tái hiện bằng vở kịch, dự án thuyết trình, nghiên cứu khoa học…

Các nhóm được trình bày thành quả lao động của mình trước lớp, giáo viên và các học sinh trong lớp sẽ thảo luận, phản biện để cùng tìm một điểm đồng thuận.

"Tận dụng sự phổ biến của Facebook, chúng tôi chia nhóm học sinh/lớp để quản lý trang Facebook của một tác giả văn học nào đó. Admin của trang sẽ cập nhật thông tin về tác giả, tác phẩm, tổ chức diễn đàn. 

Admin cũng phải thường xuyên có những status có ý nghĩa để lôi cuốn các bạn bình luận, cùng sưu tầm thông tin trên Internet…Từ đó, học sinh hiểu tác phẩm qua quá trình sàng lọc thông tin", cô Thu Trang cho biết.

Những tiết học văn khác biệt - Ảnh 2.

Học sinh thuyết trình bằng các cách khác nhau về cuốn sách đã đọc - Ảnh: VĨNH HÀ

Học qua trò chơi và học nhờ "đóng vai"

Một giờ học của học sinh lớp 8 diễn ra theo cách tổ chức trò chơi "Đuổi hình bắt thành ngữ". Học sinh nhìn vào hình và phán đoán các thành ngữ tương ứng. Để làm được điều này, học sinh phải có óc quan sát, liên tưởng tốt, đặc biệt bắt buộc phải thuộc nhiều thành ngữ.

"Đây là giờ học tiếng Việt. Thường những tiết học như thế khá khô khan, học sinh dễ chán với hệ thống câu hỏi có sẵn. Vì thế chúng tôi sáng tạo trò chơi để lôi cuốn học sinh, qua đó giúp học sinh giải nghĩa từ khó, mở rộng vốn từ, phân biệt từ loại, ghi nhớ và hiểu giá trị các thành ngữ, tục ngữ, ca dao", một cô giáo giải thích.

Để rèn học sinh tạo lập văn bản, các tiết học về nội dung này ở chương trình lớp 8 được các cô giáo tổ chức theo hướng cho học sinh đóng vai nhà báo, đóng vai nhà khoa học khám phá các vấn đề khác nhau. 

Những bài học trong sách giáo khoa về môi trường, dân số, sức khỏe con người khá khô khan. Nhưng khi học sinh được tự tìm hiểu thực tế về vấn đề tương tự trong sách và viết dựa trên dữ liệu thu thập được, các em hứng thú hơn nhiều...

Theo cô Thu Trang, học sinh chán môn văn do phải học thuộc nhiều, do bị áp đặt phải ghi nhớ các nội dung, giá trị mà đôi khi các em không hiểu và thấy xa rời cuộc sông hiện tại. 

"Chữa nhàm chán bắt đầu ngay từ nguyên nhân gây nhàm chán", đó là sáng tạo mà những giáo viên ở trường này đang thực hiện và đã nhận được những thành quả từ sự hứng thú của chính học sinh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên