
Thầy Hồ Quang Đạo (giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, xã Cư Đrăm, Krông Bông, Đắk Lắk) trong giờ dạy thêm cho học sinh - Ảnh: TRUNG TÂN
Tối 16-2, lớp học thêm trong căn phòng trọ khoảng 30m2 của thầy giáo Hồ Quang Đạo - giáo viên môn hóa Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) - rộn ràng tiếng giảng bài của thầy, hỏi bài của trò.
"Các em cứ học, thầy không thu tiền"
Theo thầy Đạo, chương trình chính khóa ở lớp giáo viên dạy rất tận tâm nhưng thực tế vẫn có học sinh chậm hơn các bạn khác. Bên cạnh đó, nhiều học sinh muốn nâng cao kiến thức để thi vào các trường đại học mình mong muốn. Vậy là lớp học ngay trong căn phòng trọ của thầy Đạo sáng đèn mỗi đêm.
"Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ăn bữa đói bữa no nhưng nhiều em có khao khát thay đổi cuộc đời từ việc học. Đó cũng là động lực để tôi dạy thêm mỗi đêm cho các em" - thầy Đạo tâm sự.
Cũng theo thầy Đạo, trước khi có thông tư 29, thầy cũng thu phí dạy thêm tượng trưng từ phụ huynh. Nhiều em khó khăn thầy vẫn để cho học không thu tiền. "Lớp chỉ có chưa quá 20 học sinh. Nhiều em 8-9 tháng nay chưa đóng tiền học thêm tôi cũng không hỏi" - thầy Đạo kể.
Giáo viên này nhận định thông tư 29 cũng có nhiều tích cực nhưng học sinh vùng sâu như ở Trường THPT Trần Hưng Đạo sẽ gặp khó khăn khi địa bàn chưa có trung tâm dạy thêm.
"Mỗi cấp chỉ 5-10 bạn đăng ký học các môn xét tuyển đại học. Theo quy định, giáo viên không được dạy thêm ngoài trường với học sinh mình đang dạy trên lớp. Với quy định này, nhiều học sinh ở đây có nguy cơ không được theo học nữa vì giáo viên không dám vi phạm. Khi có thông tư 29, tôi nói các em cứ đến học, thầy không thu tiền" - thầy Đạo tâm sự.
Thầy Dương Xuân Vỹ - phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo - cho biết trường vùng sâu nên chi phí học thêm thu từ phụ huynh cũng không đáng kể, chủ yếu để trang trải tiền khấu hao, điện nước, trả công cho giáo viên... Khi thông tư 29 ban hành, nhà trường tổ chức cuộc họp và tất cả giáo viên đều tình nguyện dạy thêm miễn phí học kỳ 2 cho học sinh.
"Bởi nếu dừng việc dạy thêm ở trường, học sinh khó vững kiến thức để thi cuối kỳ, tốt nghiệp THPT" - thầy Vỹ nói.
Chờ hướng dẫn thông tư 29
Tương tự, nhiều trường ở Đắk Lắk cũng chọn giải pháp tiếp tục dạy phụ đạo, dạy thêm nâng cao kiến thức cho học sinh trong học kỳ 2 này cho đến khi có hướng dẫn mới của UBND tỉnh về thực hiện thông tư 29.
Thầy Phạm Văn Sinh - hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) - cho biết hiện chưa có hướng dẫn cụ thể thông tư 29 và liệu có những sự khác nhau về quy mô lớp học thêm, quy định dạy kèm tại các địa phương.
"Nhu cầu nâng cao kiến thức để thi đậu vào các trường đại học danh giá của học sinh là chính đáng. Nhưng học sinh vùng sâu sẽ khó khăn hơn vì điều kiện trung tâm dạy thêm xa nơi ở. Vậy nên trách nhiệm của nhà trường, thầy cô giáo là phải giúp các em có đủ kiến thức để bước vào kỳ thi. Hiện trường cũng chờ hướng dẫn thông tư 29 để thực hiện cho đúng", thầy Sinh nêu vấn đề.
Ông Đỗ Tường Hiệp - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk - cho rằng thông tư 29 nhằm quy định rõ hơn việc dạy thêm, học thêm đã có từ trước. Những quy định về dạy thêm trong nhà trường tại thông tư 29 hướng đến đề cao trách nhiệm của người thầy trong việc giảng dạy chính khóa. Các em phải được tiếp nhận đầy đủ kiến thức để hiểu bài, tự tin bước vào các kỳ thi.
"Đối với học sinh chưa hiểu bài hoặc học sinh muốn trau dồi thêm thì thầy cô giáo phải có trách nhiệm phụ đạo, dạy nâng cao không thu tiền. Chi phí dạy thêm giờ sẽ được Nhà nước chi trả theo quy định. Hiện sở đã có văn bản chỉ đạo và đang chờ hướng dẫn của UBND tỉnh quy định về dạy thêm, học thêm theo thông tư 29" - ông Hiệp nói.
Nói về việc dạy thêm ở ngoài nhà trường, ông Hiệp cho rằng xu thế tất yếu là các cá nhân, đơn vị phải thực hiện đăng ký hộ kinh doanh, trung tâm, công ty theo đúng quy định.

Nhiều người dân, giáo viên lên phòng 1 cửa UBND TP Buôn Ma Thuột để làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh để mở lớp dạy thêm - Ảnh: TRUNG TÂN
Đăng ký mở lớp dạy thêm tăng
Những ngày qua, nhiều người dân chờ tại bộ phận một cửa thuộc UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để đến lượt làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh để mở lớp dạy thêm.
Ông Lê Đình Dương - phó trưởng Phòng kế hoạch - tài chính TP Buôn Ma Thuột - cho biết trước ngày thông tư 29 có hiệu lực, số người đến xin giấy phép đăng ký hộ kinh doanh tăng đột biến.
"Chỉ tính riêng từ tháng 12-2024 đến nay, đơn vị đã cấp phép hơn 300 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mở lớp dạy thêm, gần 100 bộ đang còn chờ xử lý" - ông Dương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận