13/09/2023 16:07 GMT+7

Những sinh viên 'sống châu Á, xài giờ châu Âu'

Chóng mặt, mất tập trung, thiếu ngủ trầm trọng… là triệu chứng của nhiều sinh viên ‘sống ở châu Á, xài giờ châu Âu’.

Bạn U. thường thức đêm chơi game khi cảm thấy khó ngủ và không có bài tập trên lớp - Ảnh: THÙY LINH

Bạn U. thường thức đêm chơi game khi cảm thấy khó ngủ và không có bài tập trên lớp - Ảnh: THÙY LINH

Ngủ 3h, dậy 12h…

Sau khi xong năm nhất đại học, N.T.P.U. (20 tuổi) - sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - dường như đã thay đổi hoàn toàn đồng hồ sinh học. U. gọi vui đó là "sống theo giờ Mỹ".

U. kể do không còn được cha mẹ nhắc nhở nên bạn trở nên dễ dãi với bản thân hơn. Thay vì ngồi vào bàn học ngay sau bữa tối như trước kia, giờ đây U. dành phần lớn thời gian trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok...

Dù đã đặt giới hạn sử dụng điện thoại trong một tiếng, nhưng khi buông điện thoại xuống, U. nhận ra mình đã dùng hơn 3-4 giờ đồng hồ chỉ để lướt mạng. U. lại thức xuyên đêm để hoàn thành bài tập.

"Mỗi đêm mình chỉ ngủ được 3-4 tiếng nên nếu có buổi học vào hôm sau, mình thường ngủ gật trên lớp và không thể tập trung nghe giảng. Còn những hôm không phải đến trường vào buổi sáng, mình thường ngủ đến trưa, nhưng lúc thức dậy vẫn thấy vô cùng mệt mỏi" - U. kể.

Tương tự, bạn Phương Diễm (19 tuổi) - sinh viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM - cho biết từ chỗ bất đắc dĩ là ôn thi, nay thức khuya đã trở thành một thói quen khó bỏ.

"Do đã quen thức khuya học bài nên bây giờ phải đợi đến tối não mình mới bắt đầu hoạt động. Nếu không học cũng phải đến 2-3h sáng mình mới buồn ngủ. Vì vậy, những ngày không cần đến lớp, mình thường thức dậy lúc 12h trưa", Diễm chia sẻ.

"Con nghiện" caffeine

"Bây giờ nếu không có cà phê, dường như cơ thể mình không có năng lượng để làm gì", nhiều sinh viên thú nhận - Ảnh: GETTY IMAGES

"Bây giờ nếu không có cà phê, dường như cơ thể mình không có năng lượng để làm gì", nhiều sinh viên thú nhận - Ảnh: GETTY IMAGES

Để "có sức" thức khuya, nhiều bạn trẻ thường dùng caffeine, lâu ngày thành nghiện. Trí Dũng (19 tuổi) - sinh viên Trường đại học Ngoại thương TP.HCM - chia sẻ: "Tới đợt thi cử, mình buộc phải thức khuya học bài trong nhiều ngày nên đêm nào mình cũng uống cà phê để tránh buồn ngủ. Bây giờ nếu không có cà phê, dường như cơ thể mình không có năng lượng để làm việc".

Do đã quen "nếp", Dũng luôn có tâm lý trì hoãn mọi việc đến tối.

"Vì não mình đã mặc định phải đến đêm mới học bài chăm chỉ, nên hôm nào vô tình dậy sớm cũng trở nên vô nghĩa đối với mình. Mình sẽ dành cả ngày để chơi game, lướt mạng thay vì tranh thủ học bài vào buổi sáng như trước kia", Dũng nói.

"Cú đêm" sinh viên - Ảnh: TIMES OF INDIA

"Cú đêm" sinh viên - Ảnh: TIMES OF INDIA

Theo bác sĩ CK1 Lê Ngọc Phương Uyên - giảng viên bộ môn tâm thần, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, sinh viên thường không có lịch học cố định như học sinh cấp 2-3, dẫn đến nguy cơ hình thành thói quen thức khuya, dậy muộn cao hơn.

Việc thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể sẽ gây ra những hệ quả cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Theo bác sĩ Uyên, thiếu ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ không tốt sẽ gây mệt mỏi, giảm khả năng tập trung trong học tập và làm việc, cảm xúc dễ dao động, dễ cáu gắt và tức giận với người xung quanh.

Nếu điều này tiếp diễn lâu dài sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì…

"Nhu cầu giấc ngủ của người trưởng thành thường dao động 6-8 tiếng/đêm. Để có giấc ngủ tốt, các bạn cần chú ý đến cả thời lượng và chất lượng giấc ngủ. Do vậy, thời điểm lý tưởng để đi ngủ là vào 10-11 giờ đêm. Việc ngủ đủ giấc trong khoảng thời gian này sẽ mang lại tinh thần thoải mái và tăng khả năng tập trung.

Thêm nữa, thức khuya có thể làm thay đổi thời gian thức dậy vào hôm sau và làm rối loạn lịch trình của các hoạt động khác như ăn sáng, tập thể dục, học tập và làm việc... Nếu điều này diễn ra lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cơ thể", bác sĩ Uyên nói.

Sinh viên tập thể dục thể thao khó không?

Bạn Trần Trung Lương - chủ nhiệm Câu lạc bộ thể thao EIC, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ: “Mỗi ngày các bạn sinh viên nên dành ít nhất 15-20 phút để tập thể dục giúp lưu thông khí huyết. Nếu lịch trình học tập bận rộn, các bạn có thể chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, giãn cơ hoặc chọn đi cầu thang bộ thay cho thang máy”.

Bạn Lương gợi ý thêm: “Câu lạc bộ chúng mình luôn cố gắng tổ chức đa dạng các bộ môn như aerobic, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… để các bạn có nhiều lựa chọn. Thông thường chúng mình sẽ duy trì lịch tập cố định 3 buổi/tuần và luôn cố gắng tổ chức các giải đấu giao hữu giữa các câu lạc bộ vào cuối tuần để tiếp thêm tinh thần thể thao cho các bạn”.

Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tăng học phí, sinh viên bức xúcTrường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tăng học phí, sinh viên bức xúc

Nhiều sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM bức xúc trước việc trường bất ngờ tăng học phí từ đầu năm học 2023 - 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên