Ông Trịnh Xuân Thanh được xác định là người chịu trách nhiệm chính về các vi phạm và thua lỗ ở PVC |
Sau gần 1 năm lẩn trốn ở nước ngoài, chiều 31-7, Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh - 51 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - đã ra đầu thú.
Ông Trịnh Xuân Thanh trước đó bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng từ tháng 9-2016. Trước khi bị khởi tố, ông Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Gây thua lỗ 3.300 tỉ đồng
Căn cứ khởi tố là việc ông Trịnh Xuân Thanh bị xác định cùng với nhóm lãnh đạo chủ chốt tại PVC (cũng bị khởi tố trong vụ án này) trong giai đoạn từ 2011 - 2013 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng.
Ông Trịnh Xuân Thanh được xác định là người chịu trách nhiệm chính về các vi phạm và thua lỗ ở PVC.
Cụ thể, báo cáo của ban kiểm soát tại hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết: năm 2013, PVC thua lỗ hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ hơn 1.900 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ gần 3.300 tỉ đồng.
Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.
Theo báo cáo của ban kiểm soát, riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.800 tỉ đồng.
Nhận vốn thi công nhà máy điện đem trả nợ, góp vốn
Trong cùng vụ án xảy ra tại PVC, cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam các ông: Vũ Đức Thuận - tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến - phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng - nguyên phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng PVC, để điều tra cùng hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2011, Tập đoàn PVN ký hợp đồng EPC (xây dựng - vận hành - chuyển giao) giao cho PVC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng. PVC được tạm ứng để thi công dự án này hơn 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD.
Sau khi nhận được số tiền tạm ứng, PVC đem 1.080 tỉ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỉ đồng, thanh toán lãi vay ủy thác của Tập đoàn PVN 55 tỉ đồng, hỗ trợ vốn Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỉ đồng, hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỉ đồng, hỗ trợ các công trình khác 156 tỉ đồng.
Ngoài ra, đem góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC MS 102 tỉ đồng, Công ty PVC-Land 50 tỉ đồng, Công ty PVC-Hòa Bình 55 tỉ đồng, Công ty PVNC 30 tỉ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỉ đồng.
Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC phải trích lập quỹ dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ. Tính đến 31-12-2013, PVC đầu tư vào PVC-Land hơn 203 tỉ đồng (trong đó có 50 tỉ đồng sử dụng từ nguồn vốn 1.080 tỉ). Từ năm 2011 - 2015 đơn vị này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.
Với công ty con PVC-Mekong, tính đến cuối năm 2013, tổng số tiền mà PVC đầu tư là hơn 153 tỉ đồng (trong đó có 30 tỉ đồng sử dụng từ nguồn tiền 1.080 tỉ đồng). Trong 3 năm (từ 2012 - 2015), công ty này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.
Tham ô tài sản Liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC, quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố thêm 5 bị can. Cả 5 bị can bị khởi tố về tội tham ô tài sản theo điều 278 Bộ luật hình sự. Riêng ông Trịnh Xuân Thanh, ngoài vụ này còn bị khởi tố về tội tham ô tài sản trong một vụ án khác. Cụ thể, ngày 15-3, tại phiên xét xử vụ án lừa đảo ở dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô tài sản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận