
Nữ hạ sĩ Nguyễn Thái Hạnh Nguyên, khối diễu binh Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Ảnh nhân vật cung cấp
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, riêng khối diễu binh Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, ngoài hạ sĩ Bùi Thị Phương Ngọc, còn có thêm ít nhất ba nữ sĩ quan, hạ sĩ quan là cựu sinh viên Trường đại học Luật TP.HCM.
Những nữ cử nhân luật chọn nghiệp nhà binh
Một điểm chung rất thú vị nữa là bốn nữ quân nhân này đều chọn theo nghiệp nhà binh, muốn phục vụ lâu dài trong quân đội.
Những ngày qua, hình ảnh của nữ hạ sĩ Nguyễn Thái Hạnh Nguyên tham gia tập luyện cho lễ diễu binh, diễu hành cũng đang gây sốt trên mạng xã hội, được nhiều người khen "có gương mặt xinh xắn".
Nguyễn Thái Hạnh Nguyên (quê Gia Lai) là cựu sinh viên lớp TM44B, ngành luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM, hiện công tác tại Quân đoàn 34 (TP Pleiku, Gia Lai).

Nữ hạ sĩ Nguyễn Thái Hạnh Nguyên
Tốt nghiệp cử nhân luật năm 2023, đến tháng 2-2024, nữ sinh viên tích cực của ban truyền thông Đoàn Trường đại học Luật TP.HCM này tình nguyện đăng ký đi nghĩa vụ quân sự.
"Gia đình tôi có truyền thống phục vụ trong quân đội. Bố tôi công tác trong ngành quân đội, nên tôi từ sớm có định hướng tương lai sẽ phục vụ lâu dài trong quân đội. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự với hy vọng sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ có cơ hội phân công công tác đúng chuyên môn của mình", Hạnh Nguyên chia sẻ.
Trong 3 tháng tân binh, do chưa quen được môi trường trong quân đội, Nguyên cảm thấy hơi khắc nghiệt và vất vả. Tuy nhiên sau thời gian đó, cô đã quen với cường độ tập luyện và kỷ luật trong quân ngũ nên thích nghi được. Đến nay, tôi nhận thấy môi trường quân đội rèn giũa rất tốt.

Nữ hạ sĩ Phạm Thị Ngọc Hà (bìa trái) cùng đồng đội - Ảnh nhân vật cung cấp
Cùng đội hình này, nữ hạ sĩ Phạm Thị Ngọc Hà (24 tuổi, ở quận 12, TP.HCM) cũng là cựu sinh viên lớp CLC44D Trường đại học Luật TP.HCM.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, Ngọc Hà cho biết sau khi tốt nghiệp đại học, cô đăng ký đi nghĩa vụ quân sự và hiện đang công tác tại Trường sĩ quan Lục quân 2.
"Tôi tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự vì ước mơ từ ngày bé là khoác lên mình màu xanh áo lính. Truyền thống gia đình nội, ngoại của tôi đều phục vụ trong quân đội. Do các trường quân sự tuyển nữ không có ngành tôi yêu thích nên tôi chọn trường luật. Nay đã tốt nghiệp đại học, tôi muốn phục vụ lâu dài trong quân đội", Ngọc Hà chia sẻ.

Nữ hạ sĩ Phạm Thị Ngọc Hà
Binh nghiệp là ước mơ từ bé
Trong khi đó, nữ quân nhân đứng vị trí số 7, hàng 6 trong khối diễu binh Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, gây ấn tượng với nhiều người với những bước đi vững chãi, đều đặn, không hề tỏ ra mệt mỏi.
Đó là thiếu úy Đặng Ngọc Bích (quê Đức Trọng, Lâm Đồng), hiện đang công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân luật loại khá vào tháng 10-2022, đến tháng 7-2023, Đặng Ngọc Bích được tuyển dụng vào làm việc tại văn phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng với vị trí làm việc đúng chuyên ngành đã học là trợ lý pháp chế.
Một năm sau cô chính thức trở thành sĩ quan quân đội để tiếp nối truyền thống gia đình.

Thiếu úy Đặng Ngọc Bích (bìa trái) cùng đồng đội - Ảnh nhân vật cung cấp


Thiếu úy Đặng Ngọc Bích
"Đây là ước mơ từ bé của tôi và cũng được gia đình hun đúc rồi, nên tôi chọn nghiệp nhà binh. Khi làm việc trong quân đội, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm kỷ luật quân đội, nội quy giờ giấc của đơn vị, phải trực các ngày lễ, ngày nghỉ, ngày Tết…
Ngoài ra, trong quân đội cũng có nhiều cái hoạt động ngoài chuyên ngành của mình. Là tuổi trẻ nên mình phải cống hiến sức trẻ của mình thôi", Bích cho biết.
Tuyển chọn gắt gao người tham gia diễu binh
Các nữ quân nhân tham gia luyện tập diễu binh, diễu hành chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước đều cho hay từ đầu tháng 12-2024 đến nay, họ cùng các cán bộ, chiến sĩ từ nhiều đơn vị quân đội tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7 (TP.HCM) để tập luyện hai buổi sáng và chiều, một số ngày tập thêm buổi tối.

Thiếu úy Đặng Ngọc Bích (giữa)
Theo thiếu úy Đặng Ngọc Bích, quân nhân tham gia luyện tập diễu binh được các đơn vị quân đội tuyển chọn khá gắt gao.
Tất cả đều được khám sức khỏe, chiều cao, cân nặng. Đơn vị phân công, lập danh sách cử quân nhân đủ điều kiện tham gia. Khi xuống trường quân sự lại khám tuyển thêm một lần nữa. Sau đó sẽ kiểm tra khả năng thực hiện động tác rồi mới đưa vào đội hình.
Về luyện tập, các quân nhân được trải qua các bước: Thứ nhất là luyện cách đi, cách đứng. Thứ hai là phải ke chân ít nhất được ba phút, giữ thẳng chân, ghì khớp gối. Thứ ba là phải đeo tạ 1kg để luyện tập… Thứ tư là phải tập đi dài, ban đầu yêu cầu đi 150m, sau đó lên 200m.
Ngoài ra, các chiến sĩ còn luyện tập đi diễu binh ngoài đường phố. Vừa đi đều vừa đi nghiêm, chuyển bước liên tục. Với trang thiết bị trên người hơn 10kg nên yêu cầu phải có sức bền.
"Quá trình luyện tập, tôi gặp chấn thương đầu gối nên bị đưa xuống dự bị. Nhưng sau đó tôi cố gắng phục hồi chấn thương nên được đưa lên lại đội hình chính. Khi luyện tập, nhờ được người dân cổ vũ nhiệt tình cũng là động lực để chúng tôi cố gắng trên mỗi bước đường.
Nhiều lúc luyện tập mệt muốn ngất, nhưng nghe mọi người hô hào ủng hộ, tôi cảm thấy nhiệt huyết dâng trào. Đó là nguồn động lực to lớn, khích lệ tinh thần chúng tôi", Bích tâm sự.
Hạ sĩ Hạnh Nguyên cũng cho biết luyện tập diễu binh rất vất vả, cường độ cao nhưng bản thân cô cùng tất cả đồng đội đều vinh dự và tự hào khi được giao nhiệm vụ cao cả này.
Cô cho rằng: "Qua sự kiện Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có thể cảm nhận rõ được lòng yêu nước, truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam và hãy xem đó là động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện, xây dựng đất nước ngày một phát triển, xứng đáng với nền hòa bình độc lập mà ông cha ta đã gây dựng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ diễu binh, tôi sẽ cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của đơn vị giao phó để có cơ hội tiếp tục thực hiện nguyện vọng được phục vụ lâu dài trong quân đội".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận