25/06/2020 07:06 GMT+7

Những người thích 'ăn vật lạ' kích thích tàn phá môi trường biển

NGUYÊN HẢI
NGUYÊN HẢI

TTO - Đã có nhiều vụ đánh bắt và tiêu thụ các loại cá có thể tái sinh môi trường biển. Dư luận lên tiếng phản đối, nhưng nhiều người vẫn hồn nhiên đánh bắt chúng để đưa lên bàn ăn.

Những người thích ăn vật lạ kích thích tàn phá môi trường biển  - Ảnh 1.

Cá sú mì (trái) và cá mó da xanh đang được rao bán trên các trang web chuyên về hải sản

Đừng đợi đến lúc cận tuyệt chủng mới lo bảo vệ bảo tồn vì đã muộn rồi!

Chỉ biết sai khi có người bị phạt

Năm 2019, một tiểu thương kinh doanh thủy sản ở TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đã bị phạt hành chính vì hành vi xẻ thịt rùa biển bán công khai cho người dân. Vụ việc xảy ra sau khi có thông tin phản ảnh của một người yêu động vật hoang dã, cơ quan chức năng vào cuộc. Một người bị phạt, nhiều người mới giật mình hiểu ra có thể vi phạm pháp luật nếu đánh bắt, tiêu thụ một số loài quý hiếm.

Tháng 5-2020, loài cá mó đầu u (tên khoa học: Bolbometopon muricatum) bị đánh bắt một số lượng lớn ở đảo Phú Quý hay cá sú mì quý hiếm bị khai thác tại Nha Trang được chào mời như một món ăn cao cấp phục vụ người có tiền thích ăn ngon, lạ miệng. Người trong cuộc (ngư dân, người mua bán) đã chụp hình, quay phim rồi khoe với cộng đồng đến khi có người tố giác chuyện này đến cơ quan chức năng.

Ngày một nhiều những hội nhóm quan tâm đến bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã nên đã giúp cộng đồng phát hiện kịp thời và can thiệp nhanh trước nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài. Chung tay bảo vệ một loài sinh vật biển không đơn thuần là bảo vệ một loài động vật quý hiếm, mà còn giữ gìn nguồn lợi cho thế hệ tương lai. Sự quan tâm không dừng lại ở những số liệu về chủng loài đã sắp biến mất, mà còn lên án những hành vi xâm hại động vật.

Nhiều loài cá được xếp hạng sắp có nguy cơ tuyệt chủng, theo IUCN cần bảo tồn, đã được liệt vào danh sách cấm khai thác của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhưng không phải ai cũng biết mặt, gọi được đúng tên, hiểu được tầm quan trọng của chúng ngoài việc là nguồn lợi, là thức ăn cho con người. Vậy nên nhiều người vẫn hồn nhiên rao bán những loài cá thuộc diện cấm đánh bắt.

Đừng nuông chiều sở thích "ăn vật lạ"

Nhìn vào danh mục thủy hải sản nguy cấp, quý và hiếm được công bố kèm theo nghị định số 26/2019 vào ngày 8-3-2019 của Chính phủ sẽ thấy có 126 chủng loài cần được bảo tồn, bị nghiêm cấm khai thác với đầy đủ tên Việt Nam và tên khoa học. Tuy nhiên, do không có hình ảnh đi kèm nên danh mục này còn xa lạ với người dân, kể cả dân biển.

Dân đánh bắt cá không biết quy định pháp luật. Ở từng địa phương cũng thiếu vắng những tuyên truyền văn bản hướng dẫn người dân xung quanh chuyện bảo tồn nguồn lợi thủy sản (kèm hình ảnh các loài cấm bắt, cấm bán). 

Cần có những panô trên đường, tờ rơi cho ngư dân, đề nghị chủ tàu cá và người mua bán hải sản ký cam kết không đánh bắt, tiêu thụ các loài trong danh mục cấm, những loài khuyến cáo không đánh bắt để bảo vệ môi trường. Đó là những giải pháp có thể làm. Nhưng thực tế chưa thấy mấy nơi làm được!

Người dân phải được biết loài nào cần bảo tồn, loài nào cấm bắt, không được ăn. Biết rồi thì không vi phạm, ai vi phạm thì xử lý đúng pháp luật. Người mua, đặc biệt là người kinh doanh thủy hải sản quý hiếm, chịu trách nhiệm nếu vi phạm chứ không chỉ phạt ngư dân.

Chính những người mua đã kích thích sự đánh bắt quá mức để đáp ứng sở thích ăn vật lạ của "thượng đế". Như câu chuyện đang rộn ràng trên nhiều trang mạng trong tháng 6 này khi một tổ chức bảo tồn thiên nhiên đăng bài viết kêu gọi dừng tiêu thụ, thông tin về việc cứu loài cá vẹt xinh đẹp. Loài cá này có thể ăn, nhưng đại dương cần chúng để tái sinh khi chúng có thể bảo vệ những rạn san hô, chúng ăn tảo hoặc san hô chết và thải ra hàng trăm ký cát mịn.

Nhiều nhà hàng Việt Nam giới thiệu về cá vẹt với lợi ích "ăn tảo, thải cát" nhưng vẫn chào bán các món chế biến với loài cá này. Đây là thực tế cho thấy chúng ta đang hiểu nhưng vẫn tiếp tay tận diệt những loài cá quý.

Giật mình vì từng ăn

Sau thông tin về loài cá mó đầu u, hàng nghìn người đã chia sẻ cho những người xung quanh có thêm hiểu biết về loài cá có vảy màu xanh xinh đẹp, sinh vật quý của biển cả. Nhiều người giật mình vì nhận ra chính họ hay người thân từng đi câu hay ăn loài cá này.

Một số nhà kinh doanh hải sản cũng ra thông báo ngừng bán tất cả các loại cá này khi chúng đã được đưa vào danh sách cấm khai thác. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận vẫn đang cung cấp những thông tin đáng tin cậy cho độc giả trên các trang thông tin Marine Life Vietnam, Hành tinh Titanic, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên hoang dã WildAct, Sống Foundation… và cùng kết nối để tìm ra hướng xử lý tốt nhất cho các loài quý hiếm đang bị đưa lên bàn ăn hằng ngày.

Tận diệt hải sản trong khu bảo tồn biển Lý Sơn Tận diệt hải sản trong khu bảo tồn biển Lý Sơn

TTO - Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tình trạng khai thác hải sản trong khu vực bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang diễn ra tràn lan và gần như chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.

NGUYÊN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên