02/02/2017 13:17 GMT+7

Những người thầy đánh cá trên sông Đà

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 10h tối. Trong cái lạnh căm căm mờ sương đêm vùng sơn cước, thầy giáo trẻ Ngần Quốc Việt và thầy Phùng Bá Thanh đèn pin đội đầu, khỏe khoắn trong chiếc áo ấm, dò từng bước trên con đường dốc trơn trượt lần xuống sông kéo vó.

*** Error ***
Thầy Phùng Bá Thanh (trái) và thầy Ngần Quốc Việt cùng túi cá kéo được trong đêm - Ảnh: MY LĂNG

Vì thương những bữa cơm quá đạm bạc của học trò, các thầy cùng nhau góp tiền mua vó bắt cá, kiếm thêm chút thức ăn cho các em. Ban ngày, họ đứng trên bục giảng. Đêm xuống, họ lại thành “ngư dân” trên sông Đà.

Câu chuyện ở Trường cấp II Tân Dân, xã Tân Dân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Đêm trên sông Đà

“Bình thường có thầy Quyết (hiệu trưởng Trường Tân Dân - PV) đi cùng nhưng cuối tuần về nhà bị mưa cảm lạnh, ngày mai đầu tuần mới vào” - thầy Phùng Bá Thanh vừa lấy sức kéo vó vừa nói. Đêm lạnh, trong làn nước buốt cóng thở ra khói nhưng trán hai thầy rịn mồ hôi.

Sau một hồi, hai thầy giáo gom lưới dồn cá vào một góc. Thầy Việt vớt cá cho vào giỏ lưới. “Hôm nay toàn cá tép dầu. Ngần này được khoảng 7-8kg. Ở đây toàn cá nhỏ thôi.

Thỉnh thoảng mới có vài con cá to” - thầy Việt giơ cao rọ cá “chiến lợi phẩm”, ước lượng. Số cá này sẽ được chia cho các học trò khó khăn nhất đang học nội trú tại trường.

Thầy Phùng Bá Thanh cho biết mùa hè thì khoảng 4h-4h30, mùa đông thì 5h sáng, các thầy ra sông Đà đặt vó. Đến tối chừng 21h-22h thì đi cất vó.

“Bình thường khoảng 5-7 cân. Nhiều thì 10-15 cân. Nhưng có lúc chỉ được chục con. Ở đây chủ yếu chỉ có cá tép dầu, cá mương, thỉnh thoảng có cá măng. Mà toàn cá nhỏ gần bằng 2 ngón tay. Dân đi đánh lưới mới có cá to. Mình gọi học trò sang, thích ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu” - thầy Phùng Bá Thanh nói.

Thầy Thanh cho biết hồi mới về trường thấy học trò ăn uống xót quá, nhất là những em người Tày ở xóm Cải.

Đầu tuần các em có tiền còn đỡ. Đến giữa tuần là không còn gì để ăn. Thức ăn không có, ăn cơm không, chỉ mỗi cái thìa với nồi cơm không mà mấy đứa ngồi tụm lại ăn với nhau ngon lành.

Thấy vậy, vợ chồng thầy Thanh tích bột canh trong mì tôm cho các em trộn cơm ăn. Nhà có một cây đu đủ, thỉnh thoảng các em xin lá đu đủ xào ăn. Anh nói muốn cho con cá, mớ rau nhưng chỉ một vài lần chứ đồng lương giáo viên không thể kham nổi.

Ở đây mang tiếng ngay sát sông Đà mà phải mua cá. Cuối tuần mới đi chợ được. Cá nhỏ 5.000-10.000 đồng/kg mà lâu lâu mới được ăn cá.

Nhiều lần nhìn bữa ăn của các em, thầy Quyết bảo không thể mãi như vậy được, ăn thế không có sức học.

Thầy Quyết nói gần sông thấy người ta cất vó bắt cá, anh em nghĩ thử làm để cải thiện bữa ăn cho các em xem sao. Vậy là mấy anh em gom được 5,5 triệu đồng mua một cái vó.

Trăn trở của người thầy

Trường có 108 học sinh, trong đó 60 em đang ở nội trú cùng thầy cô, chủ yếu thuộc dân tộc Mường và dân tộc Tày.

Xa nhà ra đây học khi mới 7-8 tuổi, 9-10 tuổi các em mặc nhiên coi thầy cô như người nhà. Có chuyện gì cũng kể, bị cái gì cũng gọi. Thầy cô thì xem trò như những đứa cháu nhỏ trong gia đình.

“Chúng tôi coi các em như con cháu. Gần như một tháng chỉ có 4 buổi tối về với bố mẹ. Chúng tôi chú ý giáo dục ý thức quản lý nhau cho các em, rồi dạy cách giặt giũ, nấu nướng... Có lúc thầy trò cùng nhau đi lấy củi, trò chuyện rất thân thiết, thoải mái.

Có lúc thấy các em mặc phong phanh quá, mặt mũi đỏ tím hết cả, mình hỏi áo khoác đâu sao không mặc, rét viêm phổi thì sao rồi bắt về mặc áo vào mới cho sang xem tivi. Có em bị đau ốm lúc 1-2h sáng, đến gõ cửa phòng thầy nhờ đưa xuống trạm y tế” - thầy Phùng Bá Thanh nói.

Day dứt nhất với những người thầy là chứng kiến những em học tốt nhưng hoàn cảnh khó khăn quá, phải nghỉ học giữa chừng.

Thầy hiệu trưởng Hà Mạnh Quyết rầu rầu kể chuyện về những học trò, gần đây nhất là cậu học trò lớp 8 Đinh Văn An. Bố bị ung thư mất sớm, gia cảnh rất khó khăn nhưng An rất chịu khó học.

Nhà cách trường 5km. Sáng đi bộ đi học, trưa 12h mới về, đến nhà là 13h. An rất chăm học. Em học đều các môn và tốt nhất là môn toán.

An đang trong đội tuyển học sinh giỏi môn toán của trường. Như nhiều bạn khác, không có tiền mua sách An cũng thuê sách giáo khoa 30.000 đồng một năm.

Chị gái của An là Đinh Thị Bình từng là học sinh giỏi cấp huyện. Bình học hết lớp 9 thì nghỉ ở nhà phụ giúp mẹ.

Hay cậu học trò lớp 7 Đinh Văn Nam, cả bố mẹ đều bị bệnh thận. Nam ở với bà. Bố đi tận Đà Nẵng làm thuê. Cậu bé hiện đang trong đội tuyển ôn thi tiếng Anh.

Thầy Quyết cho biết: nhà Nam cách trường hơn 6km, theo quy định sẽ không được ở nội trú nhưng sắp tới sẽ cho em ở cùng thầy để đảm bảo việc học.

Không chỉ với An mà với các học trò ở đây, những người thầy người cô vẫn âm thầm lặng lẽ che chở, yêu thương và tiếp sức cho các em đến trường trong khả năng của mình.

Thông qua mối quan hệ, các thầy cô vận động bạn bè giúp đỡ cho học trò quần áo cũ, sách vở... “Thầy cô thương các em lắm nhưng cũng chỉ có thể giúp các em như vậy thôi” - thầy Quyết nói.

Thầy trò ở Tân Dân

Trường cấp II Tân Dân có 12 giáo viên nội trú. Nhà của giáo viên - thật ra là từng căn phòng nhỏ - do Nhà nước xây. Cả khu tập thể chỉ mỗi nhà thầy Thanh có tivi do một giáo viên chuyển đi để lại.

Trường nằm trên một ngọn đồi toàn đất và đá, nhìn ra sông Đà. Đất thì ít mà lại nhiều đá, cả sân trường chỉ lơ thơ một vài bụi cỏ dại.

Ở đây rau cũng phải mua, không trồng được. “Người ta làm trường múc hết đất, chỉ còn đá. Mình phải khiêng đất về trồng rau. Đất ít lại dốc, sỏi đá nhiều nên không thể trồng được nhiều rau.

Anh em cuối tuần về thăm nhà, đầu tuần mang rau ra. Đồ ăn ở đây thường chỉ có trứng, cá khô. Vợ chồng mình trước không có rau cũng xào lá đu đủ, cà dại vặt trên rừng, lá rau đốm... làm thức ăn” - thầy Phùng Bá Thanh kể.

Việc gieo con chữ với học trò nơi đây thật sự là một thử thách mà những “người chèo đò” phải đối diện trong từng bài giảng.

Thầy Ngần Quốc Việt cho biết: “Ở đây có nhiều em là kết quả của những cuộc hôn nhân cận huyết, nhất là xóm Cải, khả năng tiếp thu chậm hơn các bạn xóm khác. Có em lớp 6 đọc vẫn chậm. Thầy cô phải kèm đánh vần riêng.

Hằng tuần tối thứ hai, thứ sáu từ 19h-21h30 cho các em lên lớp để quản các em học.

Các môn chính thì nhiều lúc buổi chiều thầy cô phải dạy thêm cho các em để theo kịp chương trình. Một tuần 2-3 buổi kèm thêm như thế dù không được trả thêm đồng nào”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên