Phó chủ tịch xã Linh Thượng (huyện Gio Linh, Quảng Trị) Hồ Văn Ba chỉ khu vực bom mìn người dân đã đào sạch để lấy đất sản xuất - Ảnh: V.Hùng |
Không máy quét, máy dò, máy định vị nhưng bằng kinh nghiệm của mình, những người dân ở vùng Gio Linh (Quảng Trị) có thể biết rõ từng trái bom, quả đạn, xuất xứ của quả bom khi nó đang nằm trong lòng đất. Chính họ đã “làm sạch” quê hương bằng đôi tay mình mà không một lực lượng dò quét bom mìn chuyên nghiệp nào sánh nổi.
“Những ngày đi tìm bom đạn là những ngày tháng kinh hoàng nhất đối với tôi. Và nếu không có những cư dân đi tìm phế liệu, đi tìm bom mìn để mưu sinh thì vùng đất này chưa biết khi nào sạch trở lại, những màu xanh tốt của cây keo, cây cao su không biết khi nào rợp bóng |
Ông Hồ Văn Ba |
Người “ngửi” bom
Trung úy Trần Trung Tiếng (Trung tâm xử lý bom mìn) khẳng định với chúng tôi rằng dù bom đạn ở kho CK55 tại Đà Nẵng còn rất nhiều nhưng so với vùng đất Quảng Trị thì chưa thể sánh nổi. Và vùng đất nguy hiểm nhất, chết chóc nhất là xã Linh Thượng, huyện Gio Linh.
Dải đất nằm sát bên hàng rào điện tử McNamara được quân đội Mỹ dựng lên năm 1966 dọc khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, với 17 căn cứ quân sự kết hợp với hệ thống hàng rào thép gai và đặc biệt là các bãi mìn cùng bom đạn giội xuống. Trong số đó, có vô số quả bom chưa nổ vùi sâu vào lòng đất.
Ông Hồ Văn Ba, phó chủ tịch UBND xã Linh Thượng, dẫn chúng tôi đến một hố bom sâu hoắm nằm ngay giữa rừng tràm rộng 5ha mà chính tay ông đã dọn sạch bom mìn cách đây bảy năm. Miệng hố bom này to như miệng giếng chạy ngoằn ngoèo hun hút trong lòng đất. Ông Ba bảo đó là dấu tích của một quả bom khoan ghim sâu vào lòng đất nhưng những người đào bom bất lực bởi một mạch nước ngầm chắn ngang.
“Làm sao ông biết đó là loại bom khoan?” - chúng tôi hỏi. Ông Ba cười bảo: “Ở đây người dân chỉ cần nhìn hướng cái lỗ của quả bom chui xuống là biết. Nếu bom khoan thì thường thả từ máy bay và hướng thẳng đứng. Nếu lỗ khoan về hướng tây thì đó là đạn pháo bắn từ các tàu chiến ngoài biển vào. Nếu lỗ xuyên vào đất về hướng đông hoặc hướng nam thì chính là đạn pháo của phía ta từ trên rừng bắn xuống.
Cánh rừng A Chê kéo dài từ huyện Gio Linh đến tận Hướng Hóa trước đây là một chiến địa kinh hoàng. Trên tấm bản đồ bom mìn đánh dấu về mức độ nguy hiểm, nó được tô một màu đỏ sậm như màu máu. Bây giờ chẳng ai còn nhìn ra độ hiểm nguy của nó nhưng ẩn sau tàn lá mục của những cây keo, cây cao su là sự chết chóc khôn lường.
Chỉ tay về đỉnh núi xa xa, nơi có dáng người phụ nữ lom khom cuốc đất, ông Ba bảo: “Đấy là nơi thằng Xanh sập hầm chết cách đây năm năm. Cũng là nơi bốn người bạn của tôi nằm lại trên đỉnh đồi vì bom nổ khi đi phá bom”.
Hồ Văn Xanh là cái tên được người dân làng nhắc đến như một “cao thủ” về tháo bom, với “thành tích” chinh phục hàng trăm quả bom lớn nhỏ. Nhắc đến ông Xanh, chủ một cơ sở thu mua phế liệu, bom, mìn trước đây tên Nguyễn Văn Vinh lắc đầu: “Nó liếc qua là biết bom gì, nổ hay không. Nó tháo không sót một loại bom nào, kể cả thứ bom hẹn giờ của Mỹ có thể nổ bất cứ lúc nào mà dân tháo bom đều ngán”.
Ông Vinh kể biệt tài của ông Xanh là có thể “ngửi” thấy bom và phân biệt được chủng loại của nó. "Bom của Mỹ, Anh, Pháp hay Trung Quốc, bom chùm, bom khoan hay bom khai hoang đều có mùi thuốc đặc trưng không giống nhau. Thế mà nó phân biệt được” - ông Vinh kể.
Trong một lần đào theo dấu quả bom trong lòng đất trên đồi A Chê năm năm trước, miệng hầm sập xuống, ông Xanh không thoát kịp ra ngoài và chết ngạt cùng quả bom chưa kịp tháo ngòi nổ.
Bà Hồ Thị Ca, “quái kiệt” phá bom - Ảnh: Quốc Nam |
Nữ quái kiệt trị bom lu
Bà Hồ Thị Ca, người dân tộc Vân Kiều, là người phụ nữ tháo bom thuộc dạng cừ khôi trong vùng. Bà là người phụ nữ duy nhất theo nghiệp phá bom ở “thánh địa” bom mìn này. Người ta đặt cho bà biệt danh là nữ quái kiệt trị bom lu.
Nhà bà Ca ở sâu trong một con ngõ nằm cách trụ sở UBND xã vài trăm mét. Khác với hình dung của chúng tôi về người phụ nữ nổi tiếng về phá bom một thời của đất Linh Thượng, bà chỉ là một phụ nữ mảnh khảnh với cân nặng chưa tới 40kg. Những ngày bà Ca lên rừng phá bom đã cách nay gần 40 năm, nên phải mất vài phút hồi ức bà mới kể chậm rãi. “Khi nớ tui mới 16 tuổi thôi. Chừ tui cũng không thể hiểu nổi vì sao lúc nớ mình liều lĩnh như rứa”.
Bà Ca có năm anh chị em. Bà là chị cả. Bố mẹ nghèo, kiếm miếng ăn đã khó nên bà buộc phải đóng gùi lên rừng tìm bom phá để lấy thuốc về bán kiếm cơm. Ban đầu, bà chỉ đi theo để quan sát và học hỏi. Nhưng như có “khiếu” về phá bom, sau vài lần, “tay nghề” tháo bom của bà đã ngang ngửa thậm chí cao hơn cả những người khác.
Đặc biệt, bà chuyên trị bom lu - loại bom nặng gần một tấn, được xem là một trong những loại bom lớn nhất ở vùng rừng núi này. Bà Ca nói thời điểm những năm 1980, rừng núi A Chê bom đạn dày đặc nên không thể nhớ hết mình đã tháo bao nhiêu quả bom. Bà chỉ nhớ mình đã tự tay tháo thành công hai quả “bom lu”. Với dân phá bom vùng này, hai quả bom lu đã là một kỳ tích. Vì đây là loại bom quá lớn và vô cùng khó hóa giải kíp nổ.
Bà Ca là người phụ nữ duy nhất theo nghề tháo bom ở vùng đất này. Không chỉ đi tháo bom ở rừng A Chê, bà cùng nhóm đàn ông nhiều khi phải cơm đùm gạo bới leo lên tới đỉnh Cu Lơ xa tít giáp biên giới Lào để tìm bom tháo. Mỗi chuyến đi dài như thế có khi mất cả tuần mới về nhà. Trong một lần như thế, bà Ca gặp quả bom lu đầu tiên trong “sự nghiệp”.
“Quả bom to gấp đôi người tui. Cả bảy tám người mà phải nhích từng chút một mới đưa được quả bom lên mặt đất” - bà Ca nhớ lại. Cả nhóm khi đó ngồi nhìn quả bom, vừa mừng vừa sợ, bởi đây là lần đầu tiên thấy bom to đến thế. Bà Ca được “tín nhiệm” cử làm người phụ trách chính tháo kíp quả bom này, bởi tay nghề của bà đã được kiểm chứng.
“Nói thiệt là khi nớ tui cũng run. Nhưng làm liều vì nghĩ tới số “chiến lợi phẩm” thuốc nổ bên trong” - bà Ca kể. Ngắm một vòng quanh quả bom, linh tính và kinh nghiệm mách bảo cho bà vị trí kíp nổ. Và bà nín thở dùng đồ nghề là búa và ve (thỏi sắt nhọn một đầu) gõ vào vòng sắt phía đuôi quả bom để tháo nắp đuôi bom ra. Đánh vật suốt gần một ngày, quả bom khủng này đã bị người phụ nữ nhỏ bé chinh phục. Số thuốc nổ bên trong nhóm bà lấy được ngót nghét 6 tạ.
Vì “chiến tích” này nên khi người trong vùng gặp quả bom lu thứ hai trên rừng cũng chạy về kéo bằng được bà Ca vào phá. Người dân trong vùng này nhớ đến bà Ca không chỉ bởi bà là người phụ nữ duy nhất làm công việc nguy hiểm này, mà còn bởi bà rất “mát tay” với các loại bom. “Nghề này không phải cứ giỏi là được, mà còn phải may mắn nữa. Chỉ một tích tắc sơ ý hoặc phán đoán sai là đổi mạng. Nhưng cơm áo buộc phải làm” - bà Ca chặc lưỡi.
_______________
Kỳ tới: Phá bom dễ hơn tán tỉnh phụ nữ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận