02/05/2016 11:20 GMT+7

Tháo bom trong rừng thẳm

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
TẤN VŨ - VIỆT HÙNG

TTO - Để khôi phục những “vùng đất chết” đầy bom mìn, những người lính công binh phải lăn lộn trong mưa rừng, nơi núi cao vực sâu.

Các chiến sĩ công binh phải băng sông, lội suối nơi 
rừng già Tây nguyên để rà gỡ bom, mìn còn sót lại 
sau chiến tranh - Ảnh: Thanh Trung
Các chiến sĩ công binh phải băng sông, lội suối nơi rừng già Tây nguyên để rà gỡ bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh - Ảnh: Thanh Trung

Kon Tum, nơi chiến địa ác liệt một thời, là nơi mà những người lính công binh phải đến.

Rừng sâu Tây nguyên

Cách thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plong, Kon Tum) chưa đầy 45km nhưng xã Đắk Tăng như khuất hẳn dưới rừng già. Những cung đường cũ kỹ, những dãy nhà hoang hóa, những khu làng mạc không bóng dáng người ở sắp chìm sâu trong lòng hồ thủy điện trông rất buồn bã.

Trung úy Đinh Văn Hùng, đội trưởng đội rà phá bom mìn số 2 của Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5, cho biết núi rừng buồn như vậy nhưng anh em công binh đã đóng quân ở đây hơn một năm. Ngày chúng tôi đến toàn đội xử lý một quả đạn cối nằm cheo leo trên vách núi.

Những trái đạn có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu nó rơi xuống vách đá hoặc va chạm mạnh. Một sợi dây thừng được cột chặt ở trên đỉnh đồi, những người lính đong đưa cheo leo giữa vực để tháo bom.

Trung úy Lê Minh Dùng, người nhỏ con nhất đội, được cử ra làm nhiệm vụ này. Sợi dây thừng buộc chặt vào thắt lưng, anh đu đưa gần hai giờ với chiếc xẻng công binh cẩn thận bóc từng thớ đất và ôm được quả đạn pháo lên trên. Cả đội thở phào khi nhiệm vụ hoàn thành.

“Có những quả nằm sâu trong lòng đất đến 5m. Có những trái bom ở giữa dốc núi như thế phải mất hàng tuần mới gỡ được thì việc rà, gỡ và chuyển bom mìn ở những vực núi sâu thăm thẳm cũng không hề là dễ dàng. Công binh phải mở đường mòn dốc thoai thoải để đu mình xuống cùng máy móc thiết bị rà bom mìn” - trung úy Dùng kể rồi tự đặt câu hỏi, không biết đến bao giờ thì những vùng chiến sự ở đồi núi, rừng sâu Tây nguyên mới được phá sạch bom mìn?

Chắc có lẽ là 300 năm! Nơi đơn vị anh thi công chỉ là một dự án nhỏ với 300ha đất để làm thủy điện, và mới thi công được một nửa dự án, công binh đã thu gom gần cả tấn bom mìn lớn, nhỏ...

Trong căn lều dã chiến màu xanh quen thuộc của bộ đội ở giữa rừng, trung úy Hùng tâm sự chuyện rà gỡ bom mìn hiểm nguy rình rập từng giây từng phút, mọi người đối mặt đã quen nhưng đời sống, sinh hoạt nơi rừng sâu, núi cao là một thách thức không nhỏ.

Nơi nấu bếp và bàn ăn của các chiến sĩ công binh tạm bợ, có nơi chỉ dựng cây, mái làm bằng những tán lá rừng nên mỗi buổi chiều xuống, mưa ập tới bất ngờ là các chiến sĩ vừa nấu vừa chạy, rồi vừa ăn vừa trú. Đó là chưa kể nạn ruồi vàng.

Trung úy Trần Hà Nội (36 tuổi, người Hà Tĩnh), đã 12 năm đối mặt với bom mìn, nói: “Sợ nhất khi làm ở vùng rừng núi này là những con ruồi màu vàng, to bằng đầu ngón tay út, khi nó chích vào chỗ nào thì ngứa suốt vài ba tháng”.

Công binh vất vả và nguy hiểm khi đối mặt với những quả bom lớn ở rừng già Campuchia - Ảnh: Thanh Trung
Công binh vất vả và nguy hiểm khi đối mặt với những quả bom lớn ở rừng già Campuchia - Ảnh: Thanh Trung

 

Trong những cánh rừng xuyên quốc gia

Không những làm sạch bom mìn trong nước, mà từ những cánh rừng Lào hoang sơ đầy dã thú đến những cánh rừng khộp khô khốc ở Campuchia đều có dấu chân người lính công binh Việt Nam. Họ sang đó để giúp nước bạn gỡ sạch bom mìn sót lại thời chiến tranh, giống như ở Việt Nam.

Trung úy Hùng kể mùa khô năm 2008, đội xử lý bom mìn của anh sang đất bạn Campuchia để xử lý bom mìn ở khu vực Alang Chary (huyện Thala Barivat, tỉnh Stung Treng).

Alang Chary bạt ngàn rừng khộp, khô khốc và nằm heo hút cách biệt hoàn toàn với những khu dân cư nên mọi việc đi lại rất khó khăn. Đoàn dò mìn phải lội bộ qua những ngôi làng hun hút đầy đất đỏ.

Bom mìn ở cánh rừng Campuchia nơi đội của anh Hùng tháo gỡ không nhiều như ở Quảng Trị hay Tây nguyên của Việt Nam. Đa số bom ở đây thu được là bom phát quang với sức công phá lớn.

Vì ở xa trung tâm nên việc tháo gỡ, tiêu hủy một trái bom như vậy rất khó vì cần đủ dụng cụ. “Chúng tôi cam kết với bạn rằng khi giao đất có nghĩa là đất sạch bom mìn nên công việc phải rất tỉ mỉ. Đây không làm qua loa, vì đó còn là uy tín của công binh mình” - anh Hùng tâm sự.

Cũng như các cánh rừng ở Campuchia, rừng Lào cũng không nhiều bom mìn như ở Việt Nam, tuy nhiên một khi phát hiện ra bom thì toàn loại bom rất to.

Thiếu úy Trương Minh Dũng kể: “Chúng tôi phải dọn đường, đưa quả bom vào tận rừng sâu cách lán trại hàng cây số để xử lý. Đa số anh em phải làm đà chống, khiêng bom đi và tháo gỡ bằng cách đánh thuốc nổ để xé rách vỏ bom rồi mang thuốc và kíp nổ ra ngoài. Đây là cách làm đòi hỏi phải tính toán rất kỹ các thông số, nếu không bom sẽ phát nổ giết chết mình. Nhờ những công binh giỏi mà Việt Nam điều sang nên việc phá bom bên Lào khá thành công” - anh Dũng nói.

Riêng với trung úy Đinh Văn Hùng, đội trưởng đội xử lý bom mìn số 2, thì rừng Lào còn là nơi anh và đồng đội không bao giờ quên vì chính trong ngày sinh nhật của mình, anh và đồng đội đi lạc đến 3 ngày 2 đêm trong đói khát rã rời khi thực hiện công tác rà mìn làm đường tuần tra biên giới đồn 675 thuộc huyện Đắk Glei, Kon Tum. May mà cuối cùng, các anh cũng về được đơn vị.

Chuyện má Hồng ở Campuchia

Đây là câu chuyện của trung úy Hùng và cũng là kỷ niệm đáng nhớ của anh trong những chuyến đi làm nhiệm vụ trên đất bạn: Một đêm đoàn tá túc trong ngôi nhà của người dân ở Alang Chary.

Người đàn bà chủ nhà tuổi gần 60 đoán được đó là đoàn của Việt Nam đang làm nhiệm vụ rà phá bom mìn trên đất nước của bà, bèn bất chợt “xổ” một tràng tiếng Việt.

Bà nói rằng bà có tên tiếng Việt là Hồng do bộ đội Việt Nam đặt năm 1979 lúc họ sang giúp giải phóng Campuchia khỏi ách Khmer Đỏ. Bà rất yêu quý bộ đội Việt Nam. Thứ tiếng Việt bà nói lơ lớ ngày nay chính là do những người lính tình nguyện VN dạy cho bà.

Biết đoàn ngày hôm sau sẽ khởi hành vào điểm rà mìn cách làng khá xa trong núi, bà Hồng bảo các anh giúp bà làm thịt gà để nấu cháo ăn khuya lấy sức mai đoàn đi sớm nhưng các anh từ chối bởi thấy gia đình bà quá nghèo.

“Chúng tôi chỉ nói chuyện và nhất quyết không làm thịt gà. Nhưng khuya đó chính bà dậy sớm lui cui làm thịt ba con gà và dọn lên mâm đãi chúng tôi lúc trời chưa sáng. Chúng tôi thức dậy trong ngỡ ngàng trước bữa ăn sáng đầy ắp ân tình đó” - trung úy Hùng nói.

Điểm rà phá bom mìn cách nhà bà Hồng ở làng Alang Chary hơn một ngày đi bộ. Cứ thế mỗi lần các anh đi mua lương thực, thuốc men, tiếp phẩm đều ghé nhà thăm bà và xem bà như một người mẹ.

Một năm rà phá bom mìn trên đất bạn là một năm những người ở Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường phải đối mặt với hạn hán, thiếu nước.

“Những cái giếng sâu đến hơn 30m nhưng khô khốc. Chúng tôi ăn ở, tắm táp đều để dành nước tưới rau xanh như cảnh bộ đội ở Trường Sa. Sau này nhà bà Hồng trở thành điểm tập kết lương thực hoặc điểm dừng chân của anh em trong quá trình công tác ở bên ấy. Lần nào anh em đi qua đây đều ghé thăm bà” - anh Hùng nói.

____________

Kỳ tới: Cao thủ gỡ bom

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên