30/07/2016 11:08 GMT+7

Những người làm nóng quốc hội - Kỳ 7: Người “đòi nợ” cho dân

NGUYỄN VIỄN SỰ. viensu@tuoitre.com.vn
NGUYỄN VIỄN SỰ. viensu@tuoitre.com.vn

TTO - “Tôi đề nghị Quốc hội phải sớm trả món nợ Luật biểu tình cho dân".

Đại biểu TrươngTrọng Nghĩa

 

"Luật biểu tình không phải là chuyện mới, Hiến pháp 1946 đã quy định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công nhận quyền này của công dân. Hiến pháp 2013 đã hiến định. Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đặt vấn đề xây dựng Luật biểu tình. Vậy tại sao chúng ta chưa làm?”.

Đó là món nợ mới nhất mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa đòi Quốc hội phải trả cho dân, được ông nêu lên ở nghị trường ngày 25-7, ngay lần phát biểu đầu tiên của mình tại Quốc hội khóa XIV.

Tất cả vẫn như năm năm làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, mỗi lần ông Trương Trọng Nghĩa đăng đàn phát biểu ở phòng Diên Hồng hay trả lời báo chí ở hành lang Quốc hội thì những món nợ từ dân lại được nhắc lại giữa nghị trường.

Những câu hỏi day dứt

Ba năm sau khi “giũ áo từ quan”, ông Trương Trọng Nghĩa mới trở thành đại biểu Quốc hội (ông Trương Trọng Nghĩa xin nghỉ chờ hưu năm 55 tuổi, khi đang là giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TP.HCM vào năm 2008).

Ai đó nói, về làm dân thì hiểu dân hơn, thật đúng. Bước vào Quốc hội, mỗi bài phát biểu của ông Nghĩa ở nghị trường ông đều nêu ra những câu chuyện từ dân, câu hỏi của dân, nỗi đau đáu ngẫm từ lòng dân.

Luật biểu tình không phải là món nợ duy nhất mà ông Trương Trọng Nghĩa đòi thay cho dân ở kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, cho dù kỳ họp này chỉ có tám ngày làm việc. Ngày đầu tiên của kỳ họp, chia sẻ với báo chí, ông Nghĩa đã đề nghị Quốc hội phải lập ngay ủy ban lâm thời để điều tra về Formosa.

Vì sao ông lại đòi, ông Nghĩa nói: “Vì mấy tháng qua những người có lòng yêu nước, quan tâm đến vận mệnh quốc gia ăn không ngon ngủ không yên vì Formosa. Vậy tại sao Quốc hội chưa vào cuộc?”.

Những câu hỏi như vậy của đại biểu Trương Trọng Nghĩa ở nghị trường đã thành quen trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước. Có khi trực diện, có khi không nhằm vào một ai nhưng ai cũng phải suy ngẫm.

Ở kỳ họp thứ 10 khóa XIII, thảo luận về kinh tế - xã hội, ông Nghĩa đưa câu hỏi: “Tại sao bây giờ trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi?

Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài? Có phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc?”.

Câu hỏi không nhằm riêng vào một ai nhưng cứ gợi lên chồng chất suy nghĩ trong mỗi người. Những bài báo trích dẫn lời phát biểu ấy của ông trở thành những bản tin nhiều người đọc nhất trên các báo.

Không riêng gì câu hỏi đó, nhiều câu hỏi khác của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, từ khóa XIII đến giờ vẫn chưa thể trả lời. Hỏi ông có băn khoăn điều này sau một nhiệm kỳ làm đại biểu, ông chậm rãi nói: “Có những điều mà khi cử tri hỏi, tôi đã nghẹn lời vì không trả lời được. Nên tôi mang đến Quốc hội như một sự giãi bày cho mình và cho cả cử tri”.

Chia sẻ này thật ra ông nhắc lại từ một bài phát biểu của mình ở kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (tháng 6-2014) khi ông đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết về Biển Đông.

Lần đó, yêu cầu của ông và nhiều đại biểu không được thực hiện. Nhưng câu nói của ông ở nghị trường thì vẫn đọng lại: “Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc sẽ nghẹn lời trước những chất vấn của cử tri...”.

Đại biểu  TrươngTrọng  Nghĩa
Đại biểu TrươngTrọng Nghĩa

“Có những điều mà khi cử tri hỏi, tôi đã nghẹn lời vì không trả lời được. Nên tôi mang đến Quốc hội như một sự giãi bày cho mình và cho cả cử tri

 

 

Những lần “nghẹn lời”

Các phóng viên theo dõi nghị trường dành cho đại biểu Trương Trọng Nghĩa một sự quan tâm đặc biệt, khi mỗi lần ông phát biểu, không khí ở trung tâm báo chí tại nhà Quốc hội lại lắng xuống, hút sự chú ý của mọi người.

Câu chữ trong lời phát biểu của ông lúc nào cũng đầy cảm xúc, nhiều ý tứ để lẩy tít tựa. Nhưng phóng viên nghị trường cũng rất vất vả với những bài phát biểu của ông khi lần nào xin lại bài phát biểu ông cũng nói không có.

Gặp lại ông ở kỳ Quốc hội đầu tiên của khóa mới này, ông thiệt tình: “Thú thật tôi ít khi soạn hoàn chỉnh bài phát biểu. Thậm chí nhiều phiên thảo luận, chọn sẵn một ý để phát biểu rồi bấm nút đăng ký. Sau đó ngồi lắng nghe các ý kiến.

Thấy vấn đề nào nóng nhất, chuyện gì dân phản ảnh nhiều nhất cần phản biện nhất thì ghi lại rồi phát biểu”.

Ông Nghĩa kể những câu hỏi của dân mà ông mang tới nghị trường được ông lắng nghe từ nhiều lúc nhiều nơi. Có những chuyện từ mạng xã hội, có chuyện từ nhóm bạn ông chơi thể thao, có chuyện được gửi gắm từ sân bay, bến tàu, nơi vẫn có những cử tri nhận ra ông...

“Mỗi năm chỉ có bốn lần tiếp xúc cử tri mà cuộc sống ngoài kia thì trôi không ngừng nghỉ. Những băn khoăn kỳ vọng từ cử tri đâu có đợi được “xuân thu nhị kỳ”. Mình làm đại biểu phải nghe mọi nơi, mọi lúc” - ông chia sẻ.

Mỗi bài phát biểu, mỗi câu hỏi mà ông lắng nghe từ dân để chuyển đến nghị trường - như ông nói - có khi đã từng làm ông nghẹn lời. Năm nhiệm kỳ đầu tiên ở Quốc hội, chắc ông đã không chỉ một lần “nghẹn lời” như vậy.

Bởi kết thúc Quốc hội khóa XIII, Ban công tác đại biểu của Quốc hội đã thống kê đại biểu Trương Trọng Nghĩa có đến 79 lần đăng đàn phát biểu ở hội trường.

Ông trở thành một trong những đại biểu phát biểu nhiều nhất tại Quốc hội khóa XIII. Vì thế mà: “Lòng vẫn còn ngổn ngang khi nhiều câu hỏi của dân đưa ra ở nghị trường, Quốc hội và cả bản thân tôi cũng chưa thể trả lời thỏa đáng” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa tâm sự.

Và phải chăng đó cũng là một lý do để ông tiếp tục gắn bó với nghị trường, để lại nghe dân và trả lời tiếp cho những câu hỏi từ dân còn bỏ ngỏ.

Kỳ tới: Quốc hội cần đại biểu thế nào?

Không đơn độc

Mỗi bài tường thuật về phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa ở Quốc hội trên báo Tuổi Trẻ bao giờ cũng nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận bày tỏ sự ủng hộ gần như tuyệt đối.

Để có con số chính xác nhất, báo Tuổi Trẻ mở cuộc thăm dò về ý kiến của ông nêu ra tại Quốc hội. Đó là ngày 17-11-2015, khi phiên thảo luận kinh tế - xã hội ở kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: “Vay nợ của Trung Quốc rồi sau này có kiện đòi lãnh thổ được không? Nếu trưng cầu ý dân, tôi tin đa số người dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ ODA của Trung Quốc. Chúng ta còn nhiều nơi khác để vay tiền”.

Kết quả có đến 98% ý kiến thăm dò (10.112/10.388 bạn đọc) đồng ý với đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Lần gần đây nhất ở nghị trường, trong phiên thảo luận ngày 25-7-2016, khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhắc lại đề nghị Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời về Formosa, cho dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có ý kiến nhưng đã có nhiều đại biểu của đoàn Hải Dương, Bình Định, Khánh Hòa bày tỏ sự ủng hộ ông Trương Trọng Nghĩa ngay trong phiên thảo luận. Nói như đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) khi giải thích trước Quốc hội cho việc ủng hộ quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa vì “đó là vấn đề mà nhân dân, đại biểu, ai cũng quan tâm”.

 
NGUYỄN VIỄN SỰ. viensu@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên