Ông Takanobu Nishimoto - Ảnh: AFP |
Theo AFP, một đặc điểm chung giữa các khách hàng của ông Takanobu Nishimoto là họ đều chưa bao giờ "trút bầu tâm sự" được với bác sĩ trị liệu tâm lý hay với những người thân trong gia đình.
Những ai có nhu cầu cần một người lắng nghe mọi muộn phiền, họ có thể đăng ký dịch vụ qua mạng để thuê một "ossan", tức một người đàn ông trong độ tuổi 45-55 với giá 1.000 yen (10 USD) một giờ.
"Đối với tôi, dịch vụ này giống một đam mê hơn", ông Takanobu Nishimoto chia sẻ. Ông nảy ra ý tưởng kinh doanh dịch vụ này từ 4 năm trước và nay, mạng lưới cung cấp dịch vụ của ông có khoảng 60 thành viên là những người đàn ông sống trên toàn nước Nhật.
Ông Takanobu Nishimoto nói: "Ý tưởng ban đầu của tôi là nâng cao hình ảnh của những người đàn ông cùng độ tuổi với mình, những người có thể không còn trẻ nữa và cũng không nhìn nhận mọi thứ quá nghiêm trọng nữa".
Người đàn ông 48 tuổi này cho biết, mỗi tháng ông phục vụ "tai" cho khoảng từ 30-40 khách và khoảng 70% trong đó là phụ nữ.
Ông chia sẻ: "Những người thuê tôi chỉ yêu cầu tôi đồng hành với họ trong khoảng từ một đến hai tiếng, chủ yếu là nghe họ nói".
Ông cũng kể về trường hợp một cụ bà khoảng 80 tuổi đã đặt ông mỗi tuần một chuyến đi bộ cùng bà quanh khu công viên ở địa phương.
"Tôi gần như trở thành con trai của cụ", ông nói.
Những khách hàng khác của ông đôi khi là một ngư dân ngồi buồn một mình trong lúc chờ đợi cá mắc mồi, một sinh viên đại học giàu tham vọng muốn lao vào kinh doanh nhưng không được gia đình ủng hộ, một nhân viên trẻ yếu đuối không biết ứng xử ra sao với cấp trên trực tiếp….
Nhật Bản đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề nảy sinh từ thực trạng tự cô lập mình với xã hội của một bộ phận dân chúng, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người không muốn ra khỏi nhà, từ chối giao tiếp, chỉ thích ru rú trong nhà chơi game hay lướt nét.
Tuy nhiên trong số những khách hàng của ông Takanobu Nishimoto còn có cả những người muốn giải tỏa những mệt mỏi vì các trách nhiệm xã hội mà cùng một lúc họ phải gánh trên vai.
Có người tìm tới dịch vụ để quên đi những kỳ vọng của gia đình, bạn bè đang gây áp lực với họ và để họ có thể tự do nói lên quan điểm của mình về nhiều vấn đề khác nhau mà bình thường họ không thể nói ra.
Chị Nodoka Hyodo, 24 tuổi chia sẻ sau một buổi nói chuyện với ông Nishimoto: "Có một cái 'tôi' khác tùy vào việc tôi đang nói với bạn bè, với gia đình hay với bạn trai của tôi. Tôi luôn phải tạo ra một 'tôi' trong mối quan hệ với những người khác. Còn ở đây, tất cả những điều đó biến mất vì tôi đang nói chuyện với một người tôi không biết. Nhờ ông ấy tôi cảm thấy hiểu mình hơn".
Trong những năm qua, tại Nhật Bản xuất hiện một số đơn vị kinh doanh chuyên cung cấp dịch vụ "cho thuê bạn" trả tiền theo giờ.
Khách hàng có thể thuê nhân viên của những đơn vị này làm bạn giả, người thân giả hoặc người yêu giả để tham dự các sự kiện xã hội khác nhau như tang ma, cưới hỏi, tiệc tùng….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận