09/01/2015 11:00 GMT+7

​Những ngày tháng sục sôi

NGUYỄN LONG TRẢO
NGUYỄN LONG TRẢO

TT -Chính lúc tôi đang cùng mọi người chuẩn bị trở lại trường để tiếp tục học thì được ông bà già cho biết đang bị các chủ nợ và chủ hụi đòi ráo riết.

Ngày 19-3-1950, hàng vạn học sinh, sinh viên và đồng bào các giới xuống đường tuần hành, phản đối hai tàu chiến Mỹ cập cảng Sài Gòn - Ảnh tư liệu
Ngày 19-3-1950, hàng vạn học sinh, sinh viên và đồng bào các giới xuống đường tuần hành, phản đối hai tàu chiến Mỹ cập cảng Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Đến nước này thì chẳng còn cách nào khác, đành phải rời khỏi nơi đây mà thôi.

Vào một sáng sớm ông bà già cùng con Út lặng lẽ ra đi, về Đồng Tháp Mười. Riêng đối với tôi, ông già dặn là phải lên Sài Gòn tìm gặp anh Năm Nhự để tìm cách đi học tiếp.

Sài Gòn không yên tĩnh

Lúc này thì anh Năm Nhự đang làm trong trạm bơm của kho xăng Nhà Bè, và do anh xuất thân từ trường bá nghệ, biết tương đối về kỹ thuật nên cũng được sắp xếp vào công việc có mức lương kha khá. Nhưng vì nhà anh quá chật hẹp, không thể ở chung, nên anh cho tiền tôi tìm nơi ở trọ và tìm trường đi học. Anh cũng ”trang bị” cho tôi khá đồng bộ từ đồng hồ, nón nỉ, cặp da.

Tôi xin vào học tại Trường tư thục Phan Châu Trinh, ở góc đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo hiện nay, và nhảy luôn lên năm thứ 3.

Lúc này trên Sài Gòn phong trào đấu tranh của học sinh vẫn chưa chấm dứt. Ngoài chuyện tiếp tục bãi khóa, còn nhiều hình thức đấu tranh trực diện khác như mittinh, biểu tình và các hoạt động sôi sục khác.

Ngày 19-3-1950, nhằm ngày chủ nhật, đã diễn ra cuộc mittinh và biểu tình chống sự can thiệp của Mỹ, tham gia chủ yếu vẫn là lực lượng học sinh, sinh viên.

Ban đầu người ta tập trung đặc nghẹt trong khuôn viên Trường Tôn Thọ Tường, tức là Trường Ernst Thalmann ngày nay, nghe lời hiệu triệu của luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức lớn của Sài Gòn thuở ấy.

Sau đó tất cả cùng nhau kéo xuống bến Bạch Đằng nơi có mấy chiếc tàu Mỹ đang đậu để phản đối, rồi kéo trở về giao tranh với cảnh sát, đốt luôn một góc chợ Bến Thành.

Khoảng 10g sáng tôi đang đứng trên lề đường thì thấy có một toa tàu hỏa chở đầy củi đang đậu chắn ngang đầu đường Hàm Nghi bây giờ, nhiều người nhảy lên lấy củi liệng vào cảnh sát. Khi cảnh sát liệng bom cay thì nhảy lên lề đường đứng nghỉ, nghỉ thoải mái rồi lại nhảy xuống “chiến đấu” tiếp.

Nhìn phía bên chợ Bến Thành thấy khói bốc lên cuồn cuộn, đến chiều đi vào trong chợ thấy nhiều thứ bị cháy thiêu và bể nát. Đi quá sang đường La Grandière thấy một chiếc xe Jeep nhà binh bị đốt và lật nghiêng.

Tối hôm trước tôi còn thấy nhiều lính hải quân Mỹ đi chơi hoặc ngồi xích lô dạo trên đường phố Sài Gòn, nhiều nhất là trên đường Bonard, nhưng lúc xảy ra đánh nhau thì chẳng thấy bóng dáng thằng Mỹ nào cả.

Còn tôi vì mới ở Cần Thơ lên, chưa vào tổ chức nào cả nên cũng chỉ là khách “tham quan”, đứng trên lề đường chứng kiến mọi việc. Dần dà tôi cũng kết thân và kể những chuyện đã qua của tôi ở Cần Thơ với các học sinh trong trường nên tụi nó cũng tin, cho nhập nhóm tham gia hoạt động, và tôi cũng bắt đầu “hăng” lên.

Ngày 19-5 năm ấy, tôi được biết “bên ta” dự định tổ chức một cuộc mittinh tại chợ Bến Thành để kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ. Một bộ phận học sinh chúng tôi tập trung đứng trên lề tại góc đường Kitkchner - Galliéni (nay là Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo), chờ đúng giờ thì xuất phát. Bỗng nhiên có một chiếc xe loại Chevrolet từ đâu suỵt suỵt chạy tới rướn thẳng lên lề đường.

Tôi đang ngạc nhiên và chửi thầm trong bụng xe gì chạy kỳ vậy, thì mấy tay cảnh sát trên xe đã rộp rộp nhảy xuống, súng tiểu liên lăm lăm trong tay. Một đứa chạy đến chụp cánh tay tôi, miệng chửi thề: “Đ.M, tụi bay biểu tình hả?”.

Tôi giật mạnh, vuột khỏi, nó đánh với một bá súng vào lưng. Tôi chạy tuốt ra xa núp vào gốc cây, nhìn lại thấy nó bắt được mấy đứa con gái vừa lôi lên xe vừa đánh, còn hầu hết bọn con trai đều chạy thoát. Lúc đó trong túi tôi còn nhét cái băngrôn bằng vải trắng có viết chữ “Hồ Chí Minh muôn năm”, nếu nó tóm được chắc là nhừ đòn.

Sau đó chúng tôi tập họp số còn lại, rồi đi luồn đến chỗ tượng Phù Đổng bây giờ, cũng lại thấy đám mật thám đã đứng đầy chỗ đó rồi, tay huơ huơ súng lục, mà thấy súng lục thì ớn hơn súng tiểu liên nhiều. Cũng chẳng thấy cánh nào khác, chúng tôi đành giải tán, mạnh ai nấy về, cuộc mittinh như vậy là không thành.

Chợ Bến Thành bị cháy sau cuộc biểu tình ngày 19-3-1950 - Ảnh: Cầu Minh Ngọc
Chợ Bến Thành bị cháy sau cuộc biểu tình ngày 19-3-1950 - Ảnh: Cầu Minh Ngọc

Rời trường học, vào chiến khu

Chủ nhà nơi tôi ở trọ là một phụ nữ tài hoa, có nhan sắc, chồng là viên ”quan một” sống ở Vĩnh Long. Bà ở trên Sài Gòn với năm đứa con, một trai bốn gái, và có lẽ có nhiều tâm sự nên khuya khuya thường đem đờn kìm ra khảy một mình. Người chị cả trong nhà tên Lan, trạc tuổi tôi, học năm thứ tư và cũng đang tiếp tục bãi khóa.

Một hôm chị Lan kêu tôi lại và ”đấu” với tôi, hỏi tại sao trong tình thế này mà tôi còn đi học, lại còn chuẩn bị thi cử nữa, há chẳng phải đang phản bội phong trào hay sao?

Tôi không biết giải thích như thế nào với người ”đồng chí” của mình để vừa không phải bộc lộ thân phận riêng tư vừa không để người ta thất vọng với một thanh niên học sinh cùng trang lứa.

Tôi bèn trả lời chung chung là tôi với chị cùng có chung một chí hướng, nhưng con đường đi của mỗi người có thể khác nhau.

Năm đó tôi thi lấy bằng Brevet, tương đương với bằng thành chung, tại Trường Marie Curie. Trước khi thi tôi “gạo” rất dữ nên các điểm đều đạt trên trung bình, có môn Pháp văn đạt điểm rất khá.

Nhưng môn lịch sử nước Pháp thì tôi chỉ tập trung “tủ” vào cuộc cách mạng tư sản năm 1789, nhưng cuối cùng đề thi lại là cuộc cách mạng 1830 sương mù. Tôi đành ngậm bút, chỉ viết được một câu nhập đề, được cho chiếu cố 1/4 điểm. Đương nhiên là bị đánh rớt.

Lúc này anh Năm Nhự lại bị đuổi việc vì bị phát hiện đã câu kết “nhảy dù” cả một xe bồn xăng tại kho xăng Nhà Bè, nên không có tiền chu cấp cho tôi nữa.

Tôi suy nghĩ thấy cái sự học tiếp của mình không còn hi vọng nữa rồi. Tuy nhiên thấy rằng tuy thi không đậu, nhưng trình độ của tôi cũng đã bằng các anh trong cơ quan cũ hồi kháng chiến, điều tôi hằng mơ ước khi xưa, lại trải qua phong trào đấu tranh sục sôi của học sinh sinh viên từ Cần Thơ lên Sài Gòn.

Điều này lại làm cháy bỏng trong tôi lòng yêu nước, nên quyết định phải trở vào chiến khu để tiếp tục kháng chiến như lòng đã tự hứa khi rời cơ quan cũ trở về thành tiếp tục học văn hóa.

Tôi đành thất thố nói dối bà chủ, xin phép về quê xin tiền gia đình để lên học tiếp. Tin lời, bà đồng ý chớ đâu có ngờ rằng tôi sẽ “một đi không trở lại”! Trước khi đi tôi bắt chặt tay chị Lan, bởi tiếc cho đến khi chia tay cũng không thể nói với người cùng chí hướng biết hết sự thật.

Nhưng có lẽ chị cũng đâu ngờ rằng tôi không bao giờ quên món nợ và ân tình của gia đình chị đối với tôi. Bởi sau 25 năm tham gia kháng chiến, khi vừa về đến Sài Gòn là tôi đã cố tìm lại cho bằng được số nhà 13 Cité Nguyễn Văn Dưỡng, ngõ hầu tạ lỗi và đền đáp ơn xưa, nhưng rất tiếc là “người xưa đâu thấy, chỉ thấy ngôi nhà cũ rêu phong”.

Tôi chỉ biết đứng đấy thầm nhắc lại tên từng người: Lan, Nhung, Đởm, Oanh, Thủy và cầu chúc cho mọi người đang ở đâu đây trên Trái đất này đều được mọi sự bình an!

...Tôi rời nơi ở trọ vào một buổi sáng sớm nhằm đón kịp chuyến xe đầu tiên về Sa Đéc để tiếp tục đi về vùng kháng chiến Đồng Tháp Mười. Một thời gian không lâu sau đó, tôi vào bộ đội...

NGUYỄN LONG TRẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên