Ghe ủi điện trên đồng lũ maiền Tây - Ảnh: Q.V.
Giữa đồng lũ cuối mùa bên bờ sông Tiền, sông Hậu mênh mông mà người dân thời nay phải dùng cá nuôi để làm khô, thậm chí ăn trong bữa ăn hằng ngày.
Trên cánh đồng cuối mùa lũ, mấy ông lão đang cặm cụi giăng lưới cá ở Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, đứng trân trân tức giận nhìn các ghe ủi điện đang càn quét đồng lũ.
"Tụi tận diệt cá đó. Đã mần lưới mắt nhỏ lại thêm kích điện, không một con cá lớn cá bé nào thoát khỏi luồng ghe chúng đi qua", ông Bảy Bé nói.
Cá bận đó nhiều đến mức lềnh đồng, đêm đêm nghe chúng quẫy nước chộn rộn như tiếng cơm sôi, ngủ không được.
Ông NGUYỄN MINH NHỊ
Nỗi bức xúc của người đánh cá
Nhờ xuồng ông Bảy Bé, tôi cố gắng bám theo chiếc ghe ủi điện, nhưng chỉ được một lát đã bị rớt lại phía sau. Chiếc ghe ủi điện máy mạnh, lớn gấp mấy lần chiếc xuồng nhỏ cũ kỹ của lão ngư. Ông Bảy Bé nói chính máy ghe đó được "độ" ra xung điện để tận diệt cá...
Ghìm máy, lão ngư tuổi 70 chịu thua chiếc ghe ủi điện càng lúc càng xa khuất. Nắng chiều dần tắt nhường chỗ cho bóng tối loang nhanh trên đồng lũ.
"Tụi nó chưa mần đâu. Giờ này mới chỉ đi dọ luồng và lo cơm nước thôi. Khuya khuya chúng mới làm và càn quét một lần cả mấy ghe, chớ không chỉ một chiếc", ông Bảy Bé nói.
Lặn lội đồng lũ suốt từ sáng đến giờ, ông Bảy vẫn chưa kiếm nổi 3kg cá nhỏ. Một ngày làm quá bèo bọt, chưa bằng 1/5, thậm chí 1/20 của trước kia... Từ đầu mùa lũ đến giờ, ông đã thay 7 dây lưới, tốn hơn 5 triệu đồng mà vẫn chưa được yên.
Đêm hôm có muốn đánh nhau với bọn ghe ủi điện cũng không được. Bởi họ thường đi một lần mấy ghe, toàn đám thanh niên liều lĩnh. Họ chỉ ngán chính quyền, chứ những ngư dân thân cô như ông Bảy Bé chả là cái đinh gì.
Dọc theo các đồng lũ Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, đi đến đâu tôi cũng chứng kiến cảnh này. Những chiếc ghe xuồng ủi điện, cào điện, gí điện, rồi lưới mắt nhỏ "12 cửa ngục" hoành hành khắp nơi.
Có người thấy tôi chĩa máy ảnh, liền lánh qua chỗ khác. Nhưng cũng có người vẫn thản nhiên như chuyện thường ngày. Chiếc bình ắcquy to đùng của bộ kích điện đeo nghênh ngang trên vai.
Họ đi từ đường lớn, xuống lộ nhỏ, rồi săn lùng, tận diệt cá khắp các kênh rạch, đồng lũ như chốn không người. Nhiều nông dân làm nghề cá truyền thống cắm câu, giăng lưới bén, đặt lợp rất giận dữ, nhưng không làm được gì.
Một số người thì nhìn cảnh chướng mắt riết, rồi cũng tự trang bị bộ kích điện đi tận diệt cá y như họ, "bởi mình không mần thì người khác cũng mần, phải mần để kiếm cá mà ăn".
Ký ức một thời
Chỉ vài thập niên trước, những "mùa lũ đẹp" ở miền Tây Nam Bộ thường giúp các ghe xuồng chở cá khẳm nặng đến mức phải thả lại đồng.
Hồi tưởng ký ức đẹp một thời, ông Nguyễn Xuân Đinh, chủ nhà nghỉ QH ở thị trấn Sa Rài, huyện biên giới Tân Hồng, Đồng Tháp, nhớ mãi có những lần ông giăng chỉ 30 lưỡi câu, nhưng dính được 33 con cá trê, cá lóc, chạch lấu to bằng cùm tay trở lên.
Những người trẻ thời nay nói ông kể chuyện vui của bác Ba Phi, nhưng sự thật 100%. Những con cá nhỏ ăn mồi dính lưỡi câu trước, cá lớn bơi qua táp cá nhỏ, thế là một lưỡi câu dính cả hai con cá.
Kể về thời 1980, ông Trần Văn Hải ở Sa Rài vẫn nhớ cảm giác sốc khi nhìn đâu cũng thấy cá. Mùa nắng, chúng xuống kênh rạch, ao đìa, người ta chỉ cần dùng tay quơ quào một lát đã bắt được cả thùng cá. Loại thùng sắt 20 lít mà dân đồng bằng dùng để đong lúa.
Ông kể đã từng chứng kiến hai thanh niên địa phương bắt được bảy tạ cá trong một lỗ pháo nhỏ từ thời chiến tranh. Cá nhiều đến mức không đủ thùng đựng, họ phải túm góc chiếu gánh về.
Cái câu "kén cá chọn canh" không biết phát xuất từ lúc nào, nhưng đã rất hợp cảnh hợp thời từ hồi đó. Dân bắt cá đồng chỉ chọn các loại cá rô mề bự hay cá lóc, cá trê nửa cổ tay trở lên. Còn cá nhỏ họ bỏ lại cho chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở...
Một mớ cá nhỏ là thành quả lao động cả ngày trên đồng lũ của một người đánh cá - Ảnh: Q.V.
Một sáng ngày mưa dầm, tôi tình cờ gặp anh Lê Văn Lập, tức Bảy Lập, đang neo ghe cá dưới chân cầu Tân Công Chí, Đồng Tháp.
Đứa bé co ro ngủ trong ghe. Vợ anh đang loay hoay bán mấy ký cá con mà họ vừa lưới được trong đêm. Mỗi ký cá tạp nhỏ này được lái thu mua tại bờ kênh chỉ trên dưới mươi ngàn đồng để làm mắm.
Tính ra cả đêm mày mò lạnh lẽo trên đồng lũ, đôi vợ chồng và đứa con nhỏ chưa kiếm đủ cá cho một ngày sống dù chỉ ở mức tối thiểu.
Chỉ cho tôi xem đôi bàn tay đen đúa chi chít vết sẹo từ tận hồi nào, Bảy Lập trầm ngâm kể: "Dấu vết trên bàn tay tui đều là do cá đó. Từ bận nhỏ xíu, tui đã theo cha đi mần cá. Mà hồi đó cá nhiều quá. Chúng nhiều đến nỗi ngày đêm tôi lặn lội gỡ lưới riết bị lở loét hết cả tay. Vết cũ chưa lành, vết mới lại chồng lên, giờ cả hai bàn tay tui chỗ sẹo nhiều hơn chỗ liền da".
Bảy Lập kể cha mình cũng bị vậy, nên ông từng khuyên con trai kiếm nghề khác trên bờ cho khô ráo, sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, người ngư dân già này đã không thể nhìn thấy được tương lai. Con cá thời nay làm gì còn nhiều để mà bắt đến lở loét tay!
Nhắc nhớ chuyện cá đồng năm xưa, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, dùng những hình ảnh rất ấn tượng: "Cá bận đó nhiều đến mức lềnh đồng, đêm đêm nghe chúng quẫy nước chộn rộn như tiếng cơm sôi, ngủ không được".
Cả đời gắn với An Giang và châu thổ sông Cửu Long, ông Bảy Nhị không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu mùa lũ đẹp, mà người dân chỉ chọn cá ngon để ăn, còn cá dở thì vứt đi cho... chó.
Đổ cá đồng làm phân
Theo các lão nông cố cựu ở miền Tây, dù mùa mưa hay nắng, đồng khô hay đồng lũ, dân miền Tây hồi đó không bao giờ biết đói. Bởi cá tôm lềnh khênh từ sông rạch lên đồng làm sao mà đói được. Dân giăng lưới, đặt lọp, thả câu tính số cá mình kiếm được không phải bằng ký như bây giờ, mà bằng thùng, bằng thúng, thậm chí ghe xuồng, cho nên họ sống rất thoải mái, hào sảng. Các tay bút nổi tiếng như Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu, Vương Hồng Sển kể chuyện con cá một thời nhiều đến mức phải đổ đống cho thối để làm phân bón hoàn toàn là sự thật...
Kỳ tới: Những mùa câu ở hạ nguồn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận