16/02/2013 07:10 GMT+7

Những món quà vô giá

TÂM LỤA - QUỲNH LIÊN
TÂM LỤA - QUỲNH LIÊN

TT - Làm mẹ đơn thân đã vất vả, những phụ nữ khuyết tật phải làm mẹ đơn thân còn vất vả hơn. Song bằng tình mẫu tử, họ vượt qua tất cả để mang đến cho con cuộc sống bình an.

dU7GaYTS.jpgPhóng to

Nụ cười của bà Nguyễn Thị Đại bên cháu nội - Ảnh: T.Lụa

Và con cái lớn lên khỏe mạnh như những món quà vô giá họ nhận được.

Ước mơ bản năng

Ngày 12-10-1985: “Hôm nay biết mình có thai, gia đình không ai mừng. Mẹ gào khóc, anh em bảo cho Đại ba cây chuối hột, bôi vôi rồi thả trôi sông. Đi đâu cũng nghe làng xóm túm tụm chuyện con Đại què chửa hoang. Mình không còn nước mắt để khóc. Phụ nữ khuyết tật như mình lẽ nào không có quyền sinh con, không có quyền được sống hạnh phúc?”.

Ngày 7-1-1992: “Con đang đi học thì chạy về nhà khóc, áo rách, mặt sưng. Con hỏi mẹ ơi đứa nào cũng có bố, sao con không có bố. Các bạn nói con là con hoang. Tối nay mình dạy môn đạo đức cho con, giảng cho con nghe bài gia đình thì có bố mẹ, ông bà nội ngoại... Giảng tới đó con gục mặt xuống bàn khóc...”.

Cuốn nhật ký ghi bằng vở học trò, những nét chữ nguệch ngoạc và sai nhiều lỗi chính tả, nhiều trang bị mờ nhòe vì thời gian và những giọt nước mắt. Chủ nhân của nó là người phụ nữ khuyết tật năm nay bước sang tuổi 70, bà Nguyễn Thị Đại (thôn Vân Sa, Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội). Bà Đại bị tật ở chân từ hồi lên 5 tuổi, di chứng của một lần bị cảm do trúng gió độc. Đôi chân ngày càng teo tóp, bàn chân phải vểnh ngược lên. Mỗi lần di chuyển bà phải quấn quanh chân hàng chục miếng vải để bớt đau. Không thể đạp xe đến trường, bà nghỉ học sớm. Với người dân làng Vân Sa ngày ấy, khuyết tật như Đại bị coi không xứng làm mẹ, làm vợ. Đại cố tình quên mình là phụ nữ, quên đi khao khát cần có một gia đình. Đại học đan lát, học may... lầm lũi làm việc như con trâu con bò ngoài đồng.

32 tuổi, ngỡ đã quen với sự cô đơn, bất ngờ một người đàn ông buôn vải trong làng đến để xin Đại... sinh cho ông một đứa con trai. “Khi nghe ông ấy ngỏ lời, bản năng người phụ nữ trong mình bỗng trỗi dậy. Mình thèm được yêu, thèm có đứa con để cho bú mớm” - bà Đại kể. Đại sinh mổ, bị sản giật, hai mẹ con may mắn giữ được mạng sống nhưng Đại gầy tong teo. Con chưa đầy một tháng, Đại phải gửi con lội ruộng đi cấy. Con trai của Đại lớn nhanh, ngoan và khỏe mạnh, như một món quà trả ơn đời.

Bà Đại của hôm nay không còn u uất, lầm lũi như ngày xưa mà bận rộn và hồn nhiên với hai cháu nội. Bà ôm tấm đệm mỏng thêu hoa màu đỏ còn mới tinh ra khoe với khách: “Vợ chồng cháu mới mua biếu tôi đó. Tôi phấn khởi quá cô ơi! Trời thương cho một đứa con trai, một đứa con dâu, rồi thêm một đứa cháu trai, một đứa cháu gái”. Những ngày tháng buồn tủi như trong cuốn nhật ký dường như đã lùi rất xa...

Và ước mơ lý trí

Ở ngã tư Lý Thái Tổ - Trần Nguyên Hãn (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), mọi người đã quen với hình ảnh người phụ nữ “tí hon” Nguyễn Thu Huyền (40 tuổi) ngồi bán vé số. Thỉnh thoảng buổi chiều lại thấy chị đưa con trai 9 tuổi ra chơi, tiếng cười của hai mẹ con rộn ràng cả góc phố. Ít ai biết để cười được như bây giờ, chị phải khóc không biết bao nhiêu nước mắt. Khi mới sinh, Huyền đã mang hình hài khiếm khuyết với đôi tay ba ngón nhỏ bé, co quắp. Mẹ Huyền khi nhìn thấy đứa con còn đỏ hỏn đã hết cả hồn. Huyền 5 tuổi thì bố mẹ ly thân. Huyền về ở với bố. Không được đi học, Huyền làm đủ nghề: học may, làm đậu phụ, bánh đa, hết vốn lại chuyển qua bán hàng rong...

20 tuổi, Huyền có bạn trai là một người lành lặn. Ngày Huyền ra mắt gia đình anh, nhìn cô gái nhỏ thó, đôi tay co quắp, bố mẹ anh lên tiếng phản đối. Uớc mơ của đời người con gái cùng một đám cưới dở dang.

Gần chục năm sau, Huyền mới có thể mở lòng thương một người khác. Huyền có thai rồi chủ động rời xa người ấy, sinh và nuôi con một mình. Bé Bi con chị Huyền giờ học lớp 3. Bố bé Bi có gia đình khác nhưng thỉnh thoảng vẫn đến thăm Bi, mang cho Bi vài gói bánh. Bi thường hỏi mẹ: “Sao bố không ở với mẹ con mình?”. Mỗi lần thế, chị nói với con là bố đi công tác xa. “Bố đến thăm, nghe con mừng rỡ hét lớn a bố về bố về mà tôi đau từng khúc ruột” - chị bộc bạch.

“Chị có ước mơ gì không?” - trước câu hỏi cắc cớ của chúng tôi, chị cười: “Không ước mơ gì cả, chỉ mong sao nuôi con ăn học nên người”. Lặng thinh một lúc, chị nói: “Mà có ước mơ đấy, mơ mình sẽ đi lấy chồng khi con 20 tuổi, mình sẽ yên tâm tìm hạnh phúc mới. Ngồi ở đây thấy xe hoa chạy đầy đường, cũng ước một lần được mặc áo cô dâu và ngồi xe hoa”...

Người mẹ xương thủy tinh

Các bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Phụ sản T.Ư Hà Nội không xa lạ gì với chị Nguyễn Thị Thúy (28 tuổi, thị trấn Thường Tín, Hà Nội). Cái tin chị Thúy mẹ tròn con vuông đã làm người dân gần ga Tía (thị trấn Thường Tín) kinh ngạc. Không kinh ngạc sao được khi cô gái mắc bệnh xương thủy tinh như chị Thúy lại có thể mang bầu và sinh con khỏe mạnh.

Từ nhỏ Thúy phải ngồi xe lăn. 28 tuổi, Thúy bị người đàn ông mình yêu ruồng bỏ khi biết chị đang mang giọt máu của anh. Ngày sinh, nằm trên bàn mổ, chị vẫn nghe các bác sĩ tranh cãi nhau nên gây tê hay gây mê, liều lượng bao nhiêu thì tốt, họ nhắc nhở nhau khi mổ lấy con phải cẩn trọng nếu không sẽ làm chị bị gãy xương. Thúy thiếp đi trong nỗi bất an. Tỉnh dậy, tận mắt nhìn đứa con trai hoàn toàn khỏe mạnh đang nằm khóc oe oe thì chị bật khóc vì hạnh phúc. Chị gọi con là Tiểu Bảo Bối, như một cách cảm ơn trời vì đã tặng chị món quà vô giá.

TÂM LỤA - QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên