Xã hội ngày càng phát triển, khởi kiện được cho là giải pháp văn minh thì ở nhiều nơi, nhiều chỗ người dân vẫn gặp khó ngay từ khi khởi kiện.
Nộp đơn khởi kiện là bước đầu để mở ra quá trình tố tụng. Dù pháp luật đã có quy định song nhiều trường hợp người dân vẫn gặp khó bởi những yêu cầu sửa đổi, bổ sung vô lý, gây mất thời gian, công sức và gây bức xúc cho người đi kiện.
Yêu cầu "khó như lên trời"
Ông H.Đ.L. (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho bà N.T.L. (ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) vay 300 triệu đồng, lãi suất 3%/tháng, thời hạn bốn tháng. Hai bên ký giấy vay tiền tại quận 12, TP.HCM nhưng sau đó bà L. không trả nợ nên ông L. khởi kiện bà tại TAND huyện Thống Nhất. Kèm theo đơn khởi kiện, ông L. cung cấp CCCD của ông và giấy vay tiền.
Nhận đơn khởi kiện, TAND huyện Thống Nhất yêu cầu ông L. bổ sung. Cụ thể, tòa yêu cầu ông L. phải làm đơn khởi kiện theo biểu mẫu số 23 (ban hành kèm theo nghị quyết 01/2017); yêu cầu ông L. xác định rõ mục đích bà L. vay tiền làm gì, hiện bà L. đã lập gia đình chưa, khoản vay này có liên quan đến chồng hoặc con của bà L. không (nếu có, cung cấp đầy đủ họ tên, năm sinh, địa chỉ của họ) và nhiều yêu cầu khác.
Bên cạnh đó, tòa còn cho rằng giấy vay tiền ký tại quận 12 còn nơi cư trú của bà L. là ở huyện Thống Nhất nên đề nghị ông L. lựa chọn tòa án giải quyết. Ông L. cho rằng những yêu cầu này là không cần thiết và nhiều yêu cầu người khởi kiện không thể thu thập được, đến 20-7 thì tòa này trả lại đơn khởi kiện.
Tương tự, cụ Nguyễn Duy Vĩnh chết năm 1949, để lại di sản là 4.850m2 đất thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cụ Vĩnh có năm người con, đều đã chết. Cách đây hơn 15 năm, các cháu của cụ Vĩnh là bà N.T.H. và ông N.D.Đ. xảy ra tranh chấp và kiện nhau ra tòa. Từ năm 2008 đến năm 2022, vụ án đã trải qua nhiều cấp xét xử. Năm 2022, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm lần 2, giành quyền khởi kiện tranh chấp chia di sản thừa kế cho bà H..
Tháng 6-2022, bà H. khởi kiện ông Đ. tại TAND huyện Chợ Mới yêu cầu tòa chia di sản thừa kế mà cụ Vĩnh để lại. Tháng 9-2022, TAND huyện Chợ Mới yêu cầu bà H. cung cấp giấy chứng tử của cụ Vĩnh, vợ cụ và nhiều yêu cầu khác.
Bà H. cho rằng việc cụ Vĩnh (ông nội của bà) đã chết đã được bản án các cấp xác nhận, có bia mộ và được gia đình, dòng họ công nhận. Cụ Vĩnh sinh năm 1881, năm mất ghi trên bia mộ là 1949, còn vợ cụ mất năm 1938, các cụ là những người sống và mất ở thế kỷ trước, trong thời kỳ chiến tranh... nên việc tòa yêu cầu bà cung cấp giấy chứng tử của cụ Vĩnh là không thể thực hiện được.
Trả đơn vô lý, hạn chế quyền của người dân
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quyền khởi kiện vụ án dân sự là quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi bị xâm phạm. Đơn khởi kiện chỉ cần có các nội dung chính theo quy định tại khoản 4 điều 189 BLTTDS 2015.
Song thực tế rất nhiều trường hợp thẩm phán đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không đúng, không rõ, không thể thực hiện được hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung lắt nhắt... gây bức xúc cho người khởi kiện. Như trường hợp của ông L., tòa yêu cầu xác định bị đơn có gia đình chưa, vay để làm gì, khoản vay có liên quan đến chồng con không... thì chỉ bị đơn mới trình bày được.
Ông L. khởi kiện tại nơi cư trú của bị đơn là đúng quy định, việc tòa yêu cầu ông L. lựa chọn tòa án giải quyết là dư. Hay trường hợp của bà H., trong các bản án cũng công nhận diện tích đất và căn nhà cụ Vĩnh để lại là tình tiết, sự kiện không cần chứng minh nên việc tòa yêu cầu cung cấp giấy chứng tử của cụ Vĩnh là không hợp lý.
Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho biết trong quá trình hành nghề luật sư cũng đã gặp các trường hợp người khởi kiện bị tòa làm khó khi yêu cầu nộp bản sao y CMND của người bị kiện, nộp tài liệu chứng minh là người bị kiện hiện đang cư trú tại địa chỉ mà theo giấy vay tiền ghi nhận, hoặc có cả trường hợp yêu cầu phải cung cấp được số điện thoại, email của người bị kiện vì theo mẫu đơn khởi kiện có nội dung này...
Những yêu cầu trên là không phù hợp và pháp luật không có quy định buộc người khởi kiện phải thực hiện thì mới đủ cơ sở xem xét đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành thụ lý.
Theo luật sư Điền, nhiều đương sự đã được thông tin là vụ việc của mình phải qua tháng 9 mới thụ lý được, nếu đương sự vẫn đề nghị thụ lý thì sẽ có thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Thực tế này xuất phát từ áp lực về thành tích trong công việc và chỉ tiêu về tỉ lệ án giải quyết trong năm.
Bên cạnh đó cũng có một số cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, cố tình gây khó dễ cho đương sự bằng những yêu cầu không phù hợp và thực tế đương sự không thể nào tự mình thực hiện được. Và cũng có trường hợp thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện muốn thuận tiện cho tòa nhưng lại đẩy cái khó cho đương sự.
Khi tòa không thụ lý đơn, đương sự buộc phải khiếu nại. Việc này gây ra sự căng thẳng không cần thiết giữa đương sự và nhân sự của tòa án và tốn thời gian cho lãnh đạo tòa khi tiến hành xem xét, giải quyết khiếu nại của đương sự mà lẽ ra không nên có.
Đừng để khó khăn trong việc nộp đơn thành rào cản
Luật sư Trương Hồng Điền cho rằng thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện nên bám vào việc đánh giá thẩm quyền thụ lý, nội dung đơn và tài liệu gửi kèm có liên quan để tiến hành thụ lý.
Chỉ nên đưa ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nếu nội dung cần sửa đổi bổ sung hoặc tài liệu cần bổ sung có ý nghĩa quyết định cho việc đủ điều kiện thụ lý và phải xem xét đến việc đương sự có tự thu thập được không hay phải cần sự xác minh, thu thập của tòa án. Đừng để khó khăn trong việc nộp đơn thành rào cản người dân tiếp cận công lý.
Cần có quy định chặt chẽ hơn
Yêu cầu sửa đổi bổ sung, trả đơn kiện, án bị hủy, sửa nhiều lần, án kéo dài... gây phiền toái, bức xúc cho người dân. Với mong muốn hạn chế, khắc phục thực trạng này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý.
Ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao): Không để thi đua thành... chạy đua
Theo tôi, chủ trương thi đua của ngành tòa án là phù hợp, vì điều đó sẽ tạo không khí làm việc sôi nổi trong ngành tòa án. Vấn đề đặt ra là cùng với việc phát động thi đua thì phải quan tâm đến động cơ thi đua đúng đắn. Tức là các cá nhân và đơn vị tham gia thi đua không được thực hiện những hành vi không phù hợp để chạy đua thành tích như những trường hợp báo đã nêu để biến tướng động cơ "thi đua" trở thành "chạy đua"!
Thực tiễn tồn tại các hành vi né thụ lý án mới do sợ nhận đơn mới sẽ có thêm lượng án mới, sẽ làm giảm chỉ tiêu giải quyết án trong năm thi đua hay tạm đình chỉ không đúng, chuyển vụ án không đúng để tạo ra chỉ tiêu giải quyết án không đúng. Việc làm đó là không đúng quy định pháp luật, gây trở ngại cho người dân khi họ cần khởi kiện để tòa án giải quyết các tranh chấp.
Tôi đề nghị TAND tối cao cần ban hành thông tư để điều chỉnh việc thi đua. Trong đó phải đưa các chỉ tiêu nhận đơn mới và thụ lý đơn mới để chấm điểm thi đua. Nếu đưa chỉ tiêu % thụ lý đơn mới để chấm điểm thi đua thì sẽ hạn chế được tình trạng né thụ lý mới. Và trừ điểm thi đua thật nặng đối với những hành vi không phù hợp như nêu trên. Làm được điều đó thì mọi việc sẽ ổn hơn.
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Cán bộ đừng thờ ơ với số phận pháp lý của người dân
Tòa án đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội, khi mà ở đó người dân chọn tòa án là nơi phân xử các tranh chấp phát sinh. Thực tế khối lượng các vụ án mà tòa án phải giải quyết hiện nay là rất lớn trong bối cảnh hạn chế về nhân sự, cũng vì thế mà đã có những trường hợp trễ nải trong việc giải quyết tranh chấp của người dân vì những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Vẫn còn trường hợp tòa "neo" tới lui, đùn đẩy thẩm quyền. Đó là biểu hiện thiếu trách nhiệm. Khi đã thụ lý vụ án, người dân đã cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ thì tòa án cần nhanh chóng giải quyết, không nên gây khó khăn cho người dân, thậm chí phát sinh tiêu cực.
Theo tôi, giải pháp căn cơ nhất là cán bộ tòa án cần phải "chí công vô tư", có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và hơn hết phải ý thức trách nhiệm cao trước nhân dân, thấu hiểu, đồng cảm được với những nỗi khổ của người dân khi vướng vào kiện tụng và đừng thờ ơ với số phận pháp lý của người dân.
Bên cạnh đó, cần xem lại vai trò của ngành kiểm sát khi để xảy ra tình trạng "ngâm án". Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tư pháp trong đó có tòa án nên phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người dân, phải có biện pháp đôn đốc tòa án nhanh chóng giải quyết triệt để yêu cầu của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận