25/10/2008 08:05 GMT+7

Dân kiện Vedan: Tòa trả đơn, xã chờ... chủ trương

HÀ MI
HÀ MI

TT - Hàng ngàn nông dân ở hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện Vedan VN. Tòa án nhân dân huyện Long Thành trả lại đơn khởi kiện của dân vì cho rằng chưa nhận được kết luận về sai phạm của Vedan.

gXyN5yGd.jpgPhóng to
Ông Trần Tuấn Nhạn - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - bên chồng đơn kiện Vedan của người dân - Ảnh: Hà Mi
TT - Hàng ngàn nông dân ở hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện Vedan VN. Tòa án nhân dân huyện Long Thành trả lại đơn khởi kiện của dân vì cho rằng chưa nhận được kết luận về sai phạm của Vedan.

Trong khi đó chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp nhận đơn khởi kiện của dân rồi... chờ UBND tỉnh Đồng Nai cho chủ trương.

Kiện để lấy lại phần nào thiệt hại

Ông Mười Tâm, một người nuôi tôm lâu năm, vừa là cán bộ lão thành (ở ấp Bàu Trường, xã Phước An, Nhơn Trạch), tâm sự: “Người dân giờ đây biết rõ Vedan là thủ phạm gây ô nhiễm nên làm đơn khởi kiện gửi UBND xã với hi vọng được giải quyết thiệt hại. Xã nhận đơn để đó thì người dân sẵn sàng... chờ đợi”. Ông Nguyễn Văn Diêu (ấp Bàu Trường), bộc bạch: “Tôi có 2ha nuôi tôm, cá bị thiệt hại suốt 12 năm nên làm đơn nhờ chính quyền giải quyết giùm, chứ không biết đâu mà gửi”. Cùng tâm trạng này, ông Trần Văn Túc (ấp Bàu Trường) nói: “Tôi từng bị thiệt hại trên diện tích 11ha nên cũng nhờ bà con hướng dẫn làm đơn mang lên xã”.

Trên con đường vào vùng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở hai xã Phước An, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) giờ đây vắng lặng. Nước ô nhiễm, vón cục chen vào các đùng tôm, cá vẫn còn trơ ra đó. Dân bỏ nghề, tỏa đi nhiều nơi tìm kế mưu sinh. “Cả ấp có 560 hộ, hơn một nửa số hộ từng làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đã bỏ nghề. Nhiều người phải bỏ sông nước đi làm công nhân, làm thợ hồ. Kiện để mong lấy lại phần nào thiệt hại” - ông Mười Tâm tâm sự.

Nông dân ở hai xã Phước An, Long Thọ cho hay việc Vedan bị “vạch mặt chỉ tên” là niềm tin để họ đi tìm lẽ phải. Nhưng khi hỏi chính quyền, đoàn thể có hướng dẫn hoặc làm đại diện để khởi kiện ra tòa thì câu trả lời là “không”. Cho nên người khởi kiện đòi Vedan cứ mang đơn đến UBND xã để nộp, xã tiếp nhận rồi người dân ra về...

EgE776er.jpgPhóng to
Nông dân Trần Văn In (ấp Bàu Trường, xã Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết ô nhiễm môi trường do Vedan gây ra làm thiệt hại nặng nề đến nghề nuôi tôm - Ảnh: HÀ MI
Chờ... chủ trương

Ông Nguyễn Văn Điền, phó chủ tịch UBND xã Long Thọ, nói: “Giờ này xã đã tiếp nhận 950 đơn kiện Vedan. Nông dân còn gửi đơn lai rai nhưng chưa biết phải làm thế nào”. Theo ông, đó là bức xúc chính đáng của dân nhưng vì chờ chủ trương từ tỉnh nên không dám viết phiếu hẹn thời gian giải quyết hồ sơ. Chính vì vậy, hồ sơ của dân gửi đến cứ dày lên, chất chứa bao bức xúc về dòng sông Thị Vải nhưng xã vẫn để đấy. Tình trạng này cũng không khác gì ở xã Phước An, đơn thư chất thành đống vì phải chờ chủ trương từ UBND huyện và tỉnh.

Hơn một tháng trước, hàng trăm hộ dân ở hai xã Phước An, Long Thọ cũng gửi đơn đến Sở Tài nguyên - môi trường yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sở trả lời không thuộc thẩm quyền, yêu cầu UBND hai xã hướng dẫn dân đến khiếu nại Vedan hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Long Thành.

Tòa án Long Thành phải thụ lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chánh án Tòa án nhân dân huyện Long Thành Lê Thị Nga nói: “Tòa đã nhận được hơn 20 đơn của nông dân từ huyện Long Thành, Nhơn Trạch gửi đến khởi kiện Vedan. Tuy nhiên, tòa đã phải trả lại cho người dân vì chưa nhận được kết luận nào của Bộ Tài nguyên - môi trường khẳng định Vedan gây thiệt hại!”.

Trong khi đó, phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai Lê Thành Văn khẳng định: “Người dân đến tòa khởi kiện thì Tòa án nhân dân huyện Long Thành phải có trách nhiệm thụ lý chứ không phải đợi kết luận. Nếu Tòa án Long Thành nói thế thì người dân cứ gửi lên tòa tỉnh để ở đây chuyển về lại cho tòa huyện giải quyết theo thẩm quyền”.

Cũng theo ông Văn, người dân được quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Long Thành. Xã nhận đơn khởi kiện của dân là không đúng...

Vedan kiến nghị tính lại số tiền truy thu phí bảo vệ môi trường

Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN vừa có văn bản (do ông Yang Kun Hsiang, phó chủ tịch hội đồng quản trị, ký) gửi Bộ Tài nguyên - môi trường, Tổng cục Môi trường, UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai về phương án cải thiện môi trường, đồng thời kiến nghị tính lại số tiền truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của công ty trên 127 tỉ đồng.

Công ty Vedan cũng kiến nghị bộ và các cơ quan chức năng cho phép công ty được xả nước thải từ các hệ thống xử lý nước thải hiện hữu sau khi công ty đã áp dụng các chế phẩm hóa học, sinh học đạt tiêu chuẩn môi trường, để phù hợp với năng lực sản xuất hiện hữu của công ty đối với các nhà máy.

Ai có quyền đình chỉ hoạt động của Vedan?

Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM):

Bộ TN-MT có thể xử lý luôn

LjRdD7Kf.jpgPhóng to
Theo tôi, căn cứ pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi bổ sung ngày 2-4-2008), ngoài việc áp dụng hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng hình phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ sử dụng, hành nghề. Chính vì vậy, Bộ TN-MT có thể áp dụng biện pháp “cấm hoạt động” đối với Vedan mà không “phân chia” thẩm quyền xử lý cho UBND tỉnh Đồng Nai.

Bộ TN-MT cũng có thể căn cứ vào khoản 2, điều 7 nghị định 81/2006 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có quy định biện pháp xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn đối với giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường và các loại giấy phép có nội dung liên quan về bảo vệ môi trường. Nếu giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn về môi trường đã được rút thì bộ cần gì phải yêu cầu tỉnh Đồng Nai cấm hoạt động hoặc tạm đình chỉ hoạt động của Vedan nữa?

* Ông Nghiêm Vũ Khải (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội):

Thẩm quyền thuộc UBND tỉnh Đồng Nai

pEHIUnLo.jpgPhóng to

Luật bảo vệ môi trường quy định thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh được áp dụng biện pháp để khắc phục ô nhiễm, trong đó có biện pháp tạm thời đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để thực hiện các biện pháp cần thiết xử lý ô nhiễm, khắc phục hậu quả. Sau một thời gian, nếu xét thấy không có khả năng khắc phục được nữa thì có thể đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Đối với Vedan, tôi được biết Bộ TN-MT đã gửi công văn cho UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh này đình chỉ Vedan theo tinh thần quy định nêu trên. Liên quan đến việc đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tôi cho rằng việc UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ hoạt động của Miwon là đúng thẩm quyền.

Việc áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường thuộc trách nhiệm chủ yếu của UBND cấp tỉnh, nếu ở đây có sự chồng lấn thì UBND tỉnh Đồng Nai có thể căn cứ mức độ vi phạm để ra quyết định phù hợp với yêu cầu nêu trong quyết định của Bộ TN-MT, kể cả việc tạm đình chỉ hoạt động cơ sở gây ô nhiễm của Vedan.

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên