Học sinh tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2020 của báo Tuổi Trẻ tại Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: DUYÊN PHAN
1. Phân bổ thời gian hợp lý giữa các phần của bài thi: Đọc hiểu văn bản (20 phút), nghị luận xã hội (20 phút), nghị luận văn học (80 phút).
2. Ở phần đọc hiểu văn bản, học sinh cần có kỹ năng đọc, không nên đọc vội, qua loa; trong quá trình đọc nên chú ý và xác định bố cục, những hình ảnh, từ ngữ quan trọng. Ngoài ra, học sinh cần đọc kỹ các yêu cầu của câu hỏi, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm câu hỏi.
3. Nắm chắc những vấn đề ngữ pháp cơ bản: phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, thể thơ,…; cách thức thực hiện của những dạng bài quen thuộc: xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ, trình bày quan điểm về một vấn đề được đặt ra trong văn bản, xác định ý nghĩa của những khái niệm hoặc từ khóa quan trọng trong văn bản, lý giải về một vấn đề được đặt ra trong văn bản,…
4. Không viết đoạn văn nghị luận xã hội như cách thức, kết cấu của bài văn; cần tập trung vào những tiêu điểm, vấn đề chính mà đề yêu cầu bàn luận, trình bày suy nghĩ; xem xét vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau; đảm bảo yêu cầu hình thức và nội dung của một đoạn văn nghị luận xã hội. Không nên lấy dẫn chứng trong các tác phẩm văn học để chứng minh cho đoạn văn nghị luận xã hội; dẫn chứng cần ngắn gọn, tránh dài dòng, lan man, kèm theo đó là thái độ, quan điểm đánh giá của người viết.
5. Dẫn chứng trong đoạn văn nghị luận xã hội phải đảm bảo ba tiêu chí: xác thực, phổ biến và mới mẻ. Để có được điều đó, cần phải thường xuyên cập nhật tin tức từ nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin chính thống, uy tín.
6. Tránh lối trình bày diễn xuôi khi viết bài văn nghị luận văn học; bám sát đề, xác định rõ luận điểm, luận cứ, luận chứng; ngoài ra, cần phải ghi nhớ những chi tiết, sự kiện đắt giá trong tác phẩm để dẫn chứng trong bài; cần phát hiện những từ khóa quan trọng được nêu ở đề bài và bám sát những từ khóa trong quá trình làm bài; tránh suy diễn nội dung, nghệ thuật tác phẩm một cách cứng nhắc, gượng ép.
7. Nắm chắc những khái niệm cơ bản có liên quan đến các tác phẩm: tình huống truyện, hình tượng, chất thơ, điểm nhìn, nghệ thuật trần thuật, chất liệu,…
8. Tránh tẩy xóa, diễn đạt lan man, mơ hồ, sai chính tả, đưa ra những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, đi ngược lại với những chuẩn mực chung của xã hội.
9. Khi làm bài nghị luận văn học tránh lối viết tách biệt nội dung và hình thức, cần phải đan xen, cộng hưởng để làm nổi bật phong cách sáng tạo và ý hướng sáng tác của nhà văn, nhà thơ.
10. Chú ý thật kỹ câu lệnh trong bài nghị luận văn học để tránh bỏ sót yêu cầu. Cần xác định đâu là đối tượng trọng tâm, đâu là đối tượng liên hệ để cân đối dung lượng bài viết. Khi liên hệ, cần chỉ ra điểm gặp gỡ (tương đồng) giữa hai tác phẩm, hai tác giả và những nét riêng (khác biệt) làm nên dấu ấn của từng tác giả thông qua tác phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận