06/07/2021 09:40 GMT+7

Những lời khuyên hữu ích cho thí sinh

THẢO THƯƠNG - MỸ DUNG ghi
THẢO THƯƠNG - MỸ DUNG ghi

TTO - Giáo viên giàu kinh nghiệm ở các môn thi, chuyên gia tâm lý, y tế đã có những lời khuyên hữu ích cho thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Những lời khuyên hữu ích cho thí sinh - Ảnh 1.

Thí sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cô Nguyễn Thanh Nga (giáo viên môn toán Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM):

Không bỏ quá nhiều thời gian cho một bài toán

Trước ngày thi các em không giải các bài toán khó nữa mà coi lại lý thuyết, học kỹ lại các công thức để lấy điểm trọn vẹn các câu dễ. 

Thường lý thuyết sẽ ra nhiều trong 35 câu đầu. Trong thời gian thi, học sinh cẩn thận điền đầy đủ thông tin, họ tên, số báo danh, tô cẩn thận, đặc biệt là ghi và tô đúng mã đề. 

Các em có thể làm bài chỉ cần 5, 6 điểm là đậu tốt nghiệp nhưng tô sai mã đề thì sẽ đánh mất rất nhiều. Cho nên khi nhận đề thi xong, thí sinh không vội vàng mà bình tĩnh ghi, tô mã đề cho đúng.

Đối với môn toán 35 câu đầu là các kiến thức cơ bản nên đọc thật kỹ đề, tránh vội vàng hấp tấp mà không đọc đúng câu hỏi, chấp nhận sai câu 49, 50 chứ không thể để sai câu 1, 2. Những câu các em thấy quen nhưng giải không ra đáp án thì khoanh lại, giải bài khác. Sau đó quay lại giải câu đó. 

Không nên bỏ quá nhiều thời gian cho 1 bài toán. Lúc đó có thể sai sót nhưng khi quay lại, bình tĩnh giải từ đầu có khi lại làm được bài toán. Quan trọng hơn hết là làm câu nào tô đáp án liền câu đó, tránh trường hợp để nhiều câu tô 1 lần, chỉ cần tô lệch 1 đáp án sẽ sai nhiều câu sau đó.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh (tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên):

Gạch chân từ khóa quan trọng để tránh lạc đề

Để ôn tập hiệu quả trong những ngày cuối cùng trước khi thi, với phần đọc hiểu, các em cần hệ thống hóa những kiến thức cần thiết như thể thơ, phương thức biểu đạt, biện pháp nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ..., đồng thời nắm chắc cách trả lời dành cho từng dạng câu hỏi một. 

Với câu nghị luận xã hội, học sinh cần nắm vững phương pháp làm bài dành cho từng dạng đề như ý nghĩa một vấn đề, hậu quả một vấn đề hay giải pháp để thực hiện vấn đề. Đồng thời cần tổng hợp tri thức xã hội để sử dụng linh hoạt khi làm bài. 

Còn câu nghị luận văn học cần hệ thống hóa những kiến thức quan trọng trong những văn bản văn học chương trình 12 (đặc biệt là phần văn học Việt Nam). Nắm vững kỹ năng làm bài dành cho từng dạng đề cụ thể. 

Nên chọn một hoặc hai đề thi thử của các sở, các trường, thử sức trong đúng 120 phút để chuẩn bị tâm lý, xác định cách chia thời gian, thử trình độ...

Trong khi làm bài thi nên bình tĩnh, tự tin, không được hoảng hốt, lo sợ. Cho dù đề ra vào phần mình không ôn kỹ cũng phải giữ bình tĩnh. Đọc kỹ đề, gạch chân các từ khóa quan trọng trong từng câu hỏi để tránh lạc đề, xa đề. 

Suy nghĩ thật kỹ và có cách làm bài phù hợp cho từng phần, từng câu. Phần đọc hiểu trả lời ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề. 

Câu nghị luận xã hội, chú ý yêu cầu về hình thức, dung lượng, thể hiện ý cho rõ; câu nghị luận văn học bám vào yêu cầu của đề, viết chắc, rõ ý, mở rộng, liên hệ, nâng cao để bài viết đạt hiệu quả cao hơn. 

Chia thời gian từng phần cho hợp lý. Đọc kỹ lại bài, sửa chữa trước khi nộp.

Những lời khuyên hữu ích cho thí sinh - Ảnh 2.

Sơ đồ phòng thi đã được hoàn tất tại điểm thi trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM chiều 5-7, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cô Nguyễn Thị Nhài (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa, Hà Nội):

Tránh câu hỏi "bẫy"

Tiếng Anh phụ thuộc quá trình ôn luyện của học sinh vì là ngôn ngữ, không phải công thức. Để được điểm cao học sinh phải rèn luyện trong quá trình vài năm rồi. Đó là điều cần thiết đầu tiên. 

Còn trong quá trình làm bài, các em lưu ý cẩn thận, tô đáp án, đọc đề thật kỹ, không được chủ quan, tìm hiểu từng câu từng từ.

Làm bài thi trắc nghiệm để không nhiều sai sót cần chú ý chi tiết nhỏ như khoanh đáp án thì khoanh cho rõ. Lưu ý trong việc sử dụng bút chì, bút mực ở tờ phiếu trả lời trắc nghiệm vì chỗ nào viết bút mực, chì các em hay bị nhầm. 

Khi viết xong bút mực, nên cất đi để không cầm nhầm khoanh đáp án. 

Khi gặp những câu mẹo, câu hỏi "bẫy" thì để bài làm không bị đánh lừa, cần đọc kỹ đáp án, không chủ quan. Ví dụ có câu đọc lướt qua thấy dễ quá, thấy có vẻ đúng thì khoanh luôn mà bỏ qua việc dò 3 gợi ý đáp án còn lại. Các em phải hết sức lưu ý những "bẫy" nhiễu đáp án này.

Thầy Nguyễn Minh Trung (giáo viên môn sinh học tại TP.HCM):

Sơ đồ tư duy theo chủ đề

Về mặt nội dung, lượng kiến thức các môn tự nhiên thi tốt nghiệp rất nhiều ở lớp 11 và 12. Vì thế để có thể khái quát được toàn bộ nội dung, thí sinh cần phải hệ thống hóa bằng sơ đồ tư duy theo chủ đề, theo chương. ]

Các em lưu ý khi làm bài, hãy cố gắng tập trung làm tốt 30 câu đầu tiên vì thường 30 câu đầu dễ dàng. Hãy nhớ sau khi làm 5 câu thì tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Tuyệt đối không được bỏ sót bất cứ câu nào.

PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (trưởng khoa y tế công cộng ĐH Y dược TP.HCM):

Tuân thủ phòng chống dịch của kỳ thi

Thí sinh, phụ huynh tập trung vào việc thực hiện tốt 5K: Khẩu trang; Khử khuẩn; giữ Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế. Cụ thể nhất là trong khi tham gia thi, các em khử khuẩn trước và ngay sau khi rời địa điểm thi; phải đeo khẩu trang thường xuyên và không đi chơi hay tụ tập trước ngày thi; không đứng, ngồi gần các bạn khác tại địa điểm thi.

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong sức khỏe nhưng đa số các can thiệp dinh dưỡng chỉ phát huy tác dụng sau một thời gian nào đó. Nhưng trong chừng mực nào đó, chế độ ăn uống một vài ngày trước khi thi cũng quan trọng.

Các thí sinh cần uống đủ nước để máu lưu thông tốt, giúp tập trung làm bài thi tốt hơn. Uống đủ nước cũng giúp cơ thể tiết chất dịch ở khoang miệng, mũi, họng và đường hô hấp mà các chất dịch này có chức năng diệt khuẩn, làm giảm nguy cơ các bệnh truyền nhiễm, kể cả bệnh Covid-19.

Bác sĩ PHẠM MINH TRIẾT (nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP.HCM):

Hình dung điều tích cực để tự tin

Để có thể vượt qua những áp lực thi cử trong tình hình dịch bệnh và đạt được kết quả tốt đúng với khả năng của mình, thí sinh cần lên kế hoạch học tập.

Cụ thể như chia những nội dung cần học mỗi ngày dựa theo thời gian còn lại cho đến trước ngày thi, dành một ngày trước khi thi cho việc ôn tập; có phương pháp học khoa học như học cần yên tĩnh, tránh các yếu tố gây xao lãng (ví dụ tắt điện thoại, không sử dụng Internet).

Cần có thời gian nghỉ ngắn 5 - 15 phút sau mỗi đợt học kéo dài tối đa 60 phút. Có chế độ sinh hoạt hợp lý như cân bằng thời gian học, nghỉ ngơi, thư giãn.

Đặc biệt cần chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho kỳ thi như suy nghĩ tích cực, xem kỳ thi như một cơ hội để thể hiện khả năng; không so sánh khả năng của mình với khả năng của bạn bè; tránh xa những chỉ trích, than vãn, những lo sợ về đề khó, bài nhiều...;

Tập thư giãn bằng cách hít thở sâu, tắm nước nóng...; tự nói hoặc tự hình dung điều tích cực có thể giúp cải thiện tâm lý mỗi khi trí não có suy nghĩ lo lắng như "mình đã học hết bài", "mình sẽ thi tốt"...

Ngoài ra, thí sinh cần ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ trước khi vào phòng thi, tránh uống cà phê, nước tăng lực trong những ngày đi thi; sắp xếp để đến nơi thi đúng giờ, tránh tạo tâm lý bất ổn.

TP.HCM: Xét nghiệm cho thi tốt nghiệp THPT, xác định 12 ca mắc COVID-19 TP.HCM: Xét nghiệm cho thi tốt nghiệp THPT, xác định 12 ca mắc COVID-19

TTO - Trong 18 mẫu gộp của thí sinh, người làm công tác coi thi có kết quả dương tính, ngành y tế tiến hành giải gộp đến thời điểm này xác định có 12 mẫu đơn dương tính với COVID-19.

THẢO THƯƠNG - MỸ DUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên