20/11/2018 05:35 GMT+7

Những lần thầy cô phạt nhớ lại còn thương...

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Có những hình phạt từ bục giảng khiến người học ác cảm, nhưng cũng có những kiểu phạt từ người thầy lại khiến nhiều bạn trẻ nhớ, trân quý nhất trong quãng đời “nhất quỷ, nhì ma”.

Từ cái véo tai của thầy

ThS Ngô Văn Lộc (giám đốc công ty AVC Việt Nam) khẳng định có những hình phạt từ thầy cô đến giờ vẫn khiến anh mỉm cười, thầm cảm ơn vì nhờ đó mà đã giúp anh và bạn bè trưởng thành hơn.

"Năm tôi học cấp hai, cô giáo môn giáo dục công dân rất nghiêm khắc và hay phạt những ai đi trễ. Có lần tôi và ba bạn nữa đến lớp trễ. Là một học sinh khá chuyên cần, tôi rất lo sợ, bị phạt nghĩa là "mất mặt" trước 45 cặp mắt ngồi ở dưới. Sau đó cô phạt mỗi đứa thụt dầu 45 cái. Cả bốn đứa hì hục thụt dầu, nhưng mới được vài cái thì "xoẹt", âm thanh đó đến từ cái quần sờn vải của tôi. Mặt tôi đỏ bừng, chỉ muốn kiếm một lỗ để chui xuống đất.

Tôi đứng im mãi mặc cô giáo thúc giục tiếp tục, giữa những tiếng khúc khích của chúng bạn. Bạn lớp trưởng sau đó chạy lên nói nhỏ vào tai cô về sự cố của tôi, rồi cô cho cả bốn đứa bị phạt về chỗ. Thực chất, cô biết rõ "nỗi lòng" của tôi", anh Lộc nhớ lại.

Sau đó, cô giáo của anh chia sẻ nhẹ nhàng trước lớp: "Cô muốn các em phải tự nói lên khó khăn của mình chứ không phải đợi người khác lên tiếng dùm. Trong cuộc sống sau này, là chính các em phải tự chịu trách nhiệm, tự giải quyết các vấn đề phát sinh của bản thân. Cô muốn các em sẽ mạnh mẽ hơn, được chứ?". Hình phạt và lời khuyên đó theo anh Lộc đến tận sau này.

Những lần thầy cô phạt nhớ lại còn thương... - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Hữu Trí (áo đen, giữa) chụp hình cùng học sinh của mình trong một hoạt động thể thao, dường như không có khoảng cách giữa họ - Ảnh: TRÍ NGUYỄN

Với bạn Phạm Vinh San (cao học ĐH Stirling, Anh Quốc), những kỷ niệm thời cấp 2 tại trường THCS Đoàn Thị Điểm (Q.3, TP.HCM) là đầy ắp kỉ niệm, đẹp nhất quãng đời đi học. "Lớp sáu, tôi học tiếng Anh rất dở nhưng mọi thứ thay đổi khi được gặp cô chủ nhiệm dạy tiếng Anh năm lớp bảy. "Hình phạt" của cô rất đơn giản, những ai học dở môn này thì sẽ được cô chiếu cố đặc biệt, sẽ bị gọi lên bảng nhiều hơn.

Không biết tôi có quá nhạy cảm hay không, nhưng tôi luôn rất cảm động lẫn xấu hổ mỗi lần nghe cô kêu lên bục rồi nói "lần này cô tin em sẽ làm được". Và tôi siêng hơn, vốn tiếng Anh của tôi khá lên dần", bạn nhớ lại.

Cũng tại ngôi trường này, bạn từng có một "kỉ niệm" khó phai năm lớp 9. "Thầy có một nguyên tắc là mỗi đợt kiểm tra sẽ véo tai những ai điểm dưới bảy. Tôi học tốt môn này nên hơi kiêu, có lần ngồi quay xuống cười chọc những đứa bạn đang bị đứng lên để thầy phạt. Thầy thấy được liền nói ai từ 9 điểm trở xuống đứng dậy luôn. Đó là lần đầu tiên tôi bị thầy véo tai, rất đau nhưng không "đau" bằng việc bị những đứa 8, 9 điểm khác "tẩy chay" một thời gian vì khiến tụi nó bị vạ lây. Hình phạt của thầy đến giờ tôi vẫn thấm thía, nhớ để tự răn mình", bạn chia sẻ.

Khi cái "bắt tay" không còn đau nữa…

Bạn Dương Thị Hữu Hiền (giảng viên ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ về một hình phạt "cười ra nước mắt" của thầy cô thời đại học. "Do đặc thù môn học, khoa của tôi thường đi thực tập thực tế. Mỗi lần rời khỏi địa điểm tham quan hoặc trả phòng khách sạn, các thầy cô luôn nhắc nhở mọi người phải kiểm tra đồ đạc cẩn thận, nhưng sẽ luôn có những đứa để quên.

Những lúc như vậy, các thầy cô "tịch thu" những vật phẩm thu được đó để "bán đấu giá" trên xe. Những đứa nhận ra đồ của mình thì phải ra sức trả giá, kì kèo để lấy lại đồ. Lớp của tôi khá "lầy" nên ai cũng ra sức đưa giá cao. Số tiền đó vừa giúp "nuôi" quỹ lớp, vừa giúp các bạn nhớ để không quên này nọ nữa", bạn tủm tỉm chia sẻ.

Những lần thầy cô phạt nhớ lại còn thương... - Ảnh 2.

Giảng viên sinh viên khoa du lịch ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) chụp hình lưu niệm - Ảnh: H.Hiền

Ở xa quê hương đã lâu, bạn Nguyễn Bùi Hữu Nghĩa (kỹ sư của Google tại trụ sở chính Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ) vẫn không quên được một người thầy thời áo trắng đến trường tại vùng đất Đà Nẵng.

"Thầy tên Tường, dạy môn tiếng Anh và có hình phạt "bắt tay" những đứa không chịu học hoặc hay đùa giỡn trong lớp. Thầy bắt tay đau lắm, và nói lấy hình phạt này để không làm bẽ mặt học sinh.

Sau này khi về thăm thầy dịp 20-11 hay lễ tết, chúng tôi lại "cá độ" trò bắt tay cùng thầy và thấy buồn tênh khi thấy tuổi già dần khiến cái bắt tay của thầy nhẹ tênh, không còn siết chặt, đau như ngày xưa nữa. Chúng tôi cứ giả vờ thua để khiến thầy vui. Nhìn thầy móm mém cười mà lũ chúng tôi lặng đi…", bạn Hữu Nghĩa nhớ lại.

Thế mới thấy, không phải hình phạt nào từ thầy cô cũng phản cảm, đáng lên án. Khi người dạy có tâm, ngay cả hình phạt cũng sẽ trở thành một khắc dấu ý nghĩa trong cuộc đời bất kì người học trò nào.

Những câu nói Những câu nói 'bất hủ' của thầy cô mọi học sinh thuộc lòng

TTO - Học sinh nhất quỷ nhì ma, giáo viên cũng phải thủ sẵn loạt câu nói trị "ma" để sử dụng mỗi lúc cần.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên